Vô lăng trên những chiếc xe hiện đại ngày nay hầu hết đều đã được bọc da để đảm bảo tính thẩm mỹ và tăng vẻ cao cấp cho chiếc xe. Thế nhưng, vô lăng lại là một trong những bộ phận được tiếp xúc nhiều nhất trên ô tô.

Vô lăng sau một thời gian do một số lý do có thể dẫn tới bong tróc gây mất thẩm mỹ. (Ảnh Ngô Minh)

Sau một thời gian dài sử dụng, hoặc có thể  bị tiếp xúc với hóa chất, phần da bọc vô lăng sẽ dần trơn bóng, sờn, thậm chí là bong tróc bề mặt làm cho việc cầm nắm không còn tốt, có thể khiến điều khiển xe thiếu đi sự an toàn.

Do đó, việc bọc lại vô lăng hiện đang là giải pháp hiệu quả được nhiều người sử dụng xe lựa chọn. Nhưng bọc lại vô lăng thế nào cho hiệu quả, ưu nhược điểm của việc bọc lại vô lăng ra sao? Bài tư vấn dưới đây sẽ giúp quý vị độc giả hiểu hơn về vấn đề này.

Bọc lại vô lăng khi nào?

Theo anh Nguyễn Văn Hùng - người chuyên bọc da và độ vô lăng tại Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: "Không phải vô lăng cũ quá thì người dùng mới nghĩ đến chuyện bọc lại vô lăng mà ngay cả xe mới, nhiều chủ xe khó tính và muốn giữ zin để bán lại được giá thì họ cũng sẽ đi bọc vô lăng."

Anh Hùng cho biết những người tìm đến anh để bọc lại vô lăng thường được chia thành 4 đối tượng khách hàng như sau:

Vô lăng xe quá cũ bị bong, rách, không thể làm mới bằng phương pháp phục hồi.
Vô lăng của những xe ô tô bản thấp, mới chỉ bọc nhựa Urethane, chưa được bọc da.
Vô lăng đã bọc da, còn rất mới, không muốn dùng ốp bọc bán sẵn trên thị trường.
Muốn nâng cấp vô lăng theo cá tính không quan trọng tình trạng cũ hay mới.

Bọc lại vô lăng hơn gì so với mua ốp bọc vô lăng có sẵn?

Ốp, bọc vô lăng có sẵn trên thị trường hiện nay khá đa dạng về mẫu mã, màu sắc cũng như giá bán rẻ, chỉ từ 200 ngàn đồng (loại rẻ) cho tới 400-600 ngàn đồng (loại tốt), thậm chí có những loại còn lên tới tiền triệu đắt ngang với việc bọc lại bằng da thật.

Ốp bọc vô lăng bán sẵn trên thị trường phụ kiện tuy có giá rẻ nhưng kiểu dáng không đẹp và làm vô lăng to hơn bình thường.

Nhưng dù có tốt đến đâu thì đây vẫn chỉ là phụ kiện ốp vào vô lăng nên vẫn có độ hở lớn, khiến độ dày của vô lăng tăng lên, nhiều loại còn gây mất thẩm mỹ, dễ bám bụi bẩn, ẩm mốc nếu không vệ sinh thường xuyên.

Vì những nhược điểm như vậy nên nhiều người sử dụng xe đã quyết định lựa chọn việc bọc lại vô lăng thay vì mua ốp bọc bán sẵn.

Ưu điểm của việc bọc lại là giúp bảo vệ vô lăng khỏi những yếu tố bên ngoài như oxy hóa, bám bẩn..., mang lại vẻ thời trang và thẩm mỹ cho khoang nội thất, giúp người lái có cảm giác cầm chắc chắn và tăng cường độ bám khi điều khiển.

Vô lăng ô tô đã đẹp hơn sau khi được bọc lại da mới.

Ngược lại, chi phí sẽ cao hơn, thường từ 800 ngàn đồng cho đến vài triệu đồng, tùy vào việc lựa chọn chất liệu bọc vô lăng.

Người dùng cần lưu ý gì khi bọc lại vô lăng?

Bọc lại vô lăng đẹp và chất lượng hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố gồm chất lượng vật liệu da và tay nghề của thợ. Anh Hùng cho biết: "Mặt bằng chung tay nghề của thợ tại các đơn vị chuyên bọc da vô lăng hiện nay đều khá tốt nên phần lớn sẽ tùy thuộc vào chất lượng da bọc mà khách hàng lựa chọn."

Việc bọc lại vô lăng thường mất từ 60-90 phút để hoàn thành sản phẩm.

Da bọc cho vô lăng cũng khá đa dạng về chủng loại từ giả da simili, da công nghiệp, da thật và da cao cấp. Giá tiền cũng vì thế tăng theo chất lượng da. Thời gian bọc lại vô lăng bằng chất liệu này thường mất từ 60-90 phút.

Loại giả da simili giờ ít được các đơn vị bọc vô lăng tư vấn cho khách vì chất lượng khá kém, độ bền không cao và cầm vào không có cảm giác thích tay. Nên giờ khi đi bọc lại vô lăng, hầu hết người dùng sẽ được tư vấn dùng da công nghiệp hoặc da thật.

Với loại da công nghiệp, ưu điểm là nhiều mẫu mã để lựa chọn, giá cả hợp lý khoảng 800 ngàn đồng nhưng nhược điểm là cầm nắm sẽ không được mềm, êm như da thật, độ bền chỉ vài năm.

Trong khi da thật sẽ có ưu điểm là cầm mát và êm tay, trông cao cấp, đặc biệt không co giãn, ít nhăn và rất bền. Còn nhược điểm là ít mẫu mã lựa chọn và giá thành đắt, thường từ 1,6-2 triệu đồng (loại thường) và trên 2 triệu (cao cấp).

Da đục lỗ và da trơn phối với nhau để tạo cho vô lăng cảm giác đẹp và cầm nắm tốt hơn.

Về mẫu mã, da thật hay da công nghiệp đều có 3 tùy chọn là da trơn, da đục lỗ và da lộn. Trong đó, kiểu da lộn thường khá kén người dùng vì nhược điểm là dễ bám bụi, khó vệ sinh và độ bền không cao nhưng bù lại nó đem đến cảm giác cầm nắm tốt nhất cho người sử dụng.

Kiểu da đục lỗ thường không sử dụng cho toàn bộ vô lăng mà chỉ là làm một phần để phối với da trơn tạo cảm giác cầm nắm tốt hơn và trông thể thao thao hơn. Cũng như da lộn, phần da đục lỗ cũng khá dễ bị bám bụi bẩn sau thời gian sử dụng.

Kiểu da trơn là loại được nhiều người lựa chọn, tạo cảm giác cầm nắm đồng nhất trên toàn bộ bề mặt vô lăng, người dùng có thể sử dụng một tông màu hoặc phối màu giúp tăng tính thẩm mỹ cho vô lăng. Thường kiểu này, người dùng nên chọn làm bằng da thật sẽ đẹp hơn.

Vô lăng carbon được độ từ vô lăng nguyên bản của xe đang được nhiều người ưu thích dù giá thành cao.

Thời gian gần đây, xu hướng độ vô lăng carbon cũng nở rộ. Loại độ carbon thường sẽ được thiết kế theo yêu cầu của chủ xe, ưu điểm là các phần bọc carbon sẽ đảm bảo bền đẹp gần như vĩnh viễn, còn nhược điểm là mất nhiều thời gian từ 3-4 ngày, khó về zin và giá thành đắt từ 3,5-4 triệu đồng.

Ngoài ra, người dùng cần chú ý thêm vì khi bọc lại vô lăng, thợ sẽ phải tháo vô lăng ra khỏi xe. Về nguyên tắc, thợ sẽ phải tháo cọc bình ắc quy, sau đó mới tiến hành tháo vô lăng. Điều này nhắm tránh hiện tượng báo lỗi túi khí, thường hay xảy ra với các dòng xe Đức. 

Việc báo lỗi túi khí không phải là điều gì quá nguy hiểm nhưng người dùng sẽ phải mất thời gian và công sức để đưa xe vào các xưởng dịch vụ để xóa lỗi này.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!