Rau là thực phẩm không thể thiếu trong nồi lẩu, nhưng không phải loại rau nào cũng an toàn khi trần, ăn sống. Dưới đây là một số thông tin tham khảo cho bạn đọc.
Chọn rau an toàn để ăn lẩu
Mới đây, hai bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng méo miệng, sưng 2 má, không nói được. Nguyên nhân được xác định do hai người đi ăn lẩu ăn phải rau được cho là ăn nhầm cây môn ngứa. Ngay sau đó có dấu hiệu ngứa, đau dữ dội ở vùng họng, lưỡi, má và không thể nói được.
Thực tế, lẩu là một trong những món ăn khoái khẩu của nhiều người. Rau là một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi nồi lẩu. Có loại rau dễ gây độc khi dùng ăn lẩu.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc ăn nhiều các loại rau xanh khi ăn lẩu sẽ giúp cơ thể giải nhiệt, điều hòa cơ thể, trừ nóng và giải độc. Tuy nhiên, việc rau ăn lẩu không đảm bảo, bạn có thể gây hại cho sức khỏe của mình.
Các loại rau ăn lẩu phổ biến rất an toàn và có lợi cho sức khỏe khi ăn lẩu như: rau muống, cải ngọt, cải thảo,cải xoong, mướp đắng, ngó sen,…đậu phụ, nấm, khoai tây, cà rốt…vừa tốt cho dạ dày lại giúp điều hòa thân nhiệt cực tốt.
Để tránh ngộ độc rau khi ăn lẩu bạn cần chú ý mua rau có nguồn gốc rõ ràng, rửa thật sạch và tránh sử dụng thực phẩm kỵ với rau. Nên chọn mua rau ở những cửa hàng rau sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Bởi rau xanh hiện thường được sử dụng các loại hóa chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu... hay được trồng trong môi trường ô nhiễm.
Nên hạn chế sử dụng những loại rau dễ gây ngộ độc hay dị ứng như dọc mùng, nấm, giá đỗ, hoa bí… để ăn lẩu. Càng không nên cho vào nồi lẩu những loại rau khác thường. Vì có nhiều loại rau dại mọc lẫn, có nhiều nét giống với một số loại rau ăn thường ngày nếu không phân biệt được có nguy cơ ngộ độc rất cao. Ví dụ như dọc mùng rất giống cây môn ngứa, chỉ khác màu lá. Lá môn ngứa có pha màu tím, có đốt màu tím ở phần tiếp giữa lá và thân lá. Nếu ăn phải môn ngứa sẽ dị ứng, ngứa vùng miệng họng…
Điều quan trọng cần lưu ý nữa là bạn cần phải rửa thật sạch các loại rau, ngâm kỹ trong nước muối hoặc trong dung dịch rửa rau an toàn để loại bỏ các loại hóa chất, chất độc hại. Khi ăn cần nhúng rau kỹ, tránh ăn sống có thể bị ngộ độc.
Chọn rau phù hợp món lẩu
Với từng món lẩu, bạn nên chọn các loại rau phù hợp để cho món lẩu thêm hấp dẫn.
- Lẩu riêu cua: có thể ăn kèm với các loại rau nhưng nhất thiết không thể thiếu các loại rau sống, đặc biệt là ít hoa chuối thái mỏng, ngâm nước muối trắng phau.
- Lẩu ốc: Các loại rau ăn cùng loại lẩu ốc không thể thiếu được rau tía tô thái nhỏ và rau muống chẻ. Ngoài ra thịt bò, giò tai, đậu cũng là những đồ ăn kèm phù hợp với món này.
- Lẩu vịt: thường cho rau ngổ để thêm thơm, nhưng loại rau chủ đạo của món này lại là rau muống bỏ bớt lá, khi chần, ngọn rau xanh mướt, giòn sần sật.
- Lẩu gà: thường dùng các loại rau nhúng như bông súng, kèo nào, bắp chuối, cải xanh, rau đắng, rau muống..,
Bên cạnh đó, khi chế biến lưu ý kết hợp thực phẩm với nhau. Lẩu hải sản có vỏ như tôm, ngao, ốc… không nên ăn kèm thực phẩm chứa vitamin C như mướp đắng, cà chua... vì gây độc. Cà chua và khoai lang, khoai tây cũng tránh dùng chung vì khi kết hợp các loại thực phẩm này với nhau sẽ dẫn đến khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Thịt bò không nên kết hợp với rau mồng tơi sẽ mất đi tính nhuận tràng, tiêu hóa kém hơn. Những người bị táo bón càng cần chú ý hơn khi ăn kết hợp ở món lẩu.
Nếu ăn lẩu bên ngoài nên chọn những quán lẩu vệ sinh, uy tín và đáng tin cậy. Tránh chọn quán lẩu vỉa hè, không có địa điểm rửa rau sạch an toàn.
(Theo Gia Đình & Xã Hội)