Nhiều hồ sau cải tạo đã được hồi sinh, trở thành “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường Thủ đô, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng.
Các dự án cải tạo môi trường hồ giai đoạn này nằm trong “chiến dịch” cứu các hồ nội thành do Thành ủy, UBND TP Hà Nội phát động để cải tạo môi trường các hồ bị ô nhiễm, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân và chống lấn chiếm hồ.
Năm 2010, dự án cải tạo đầm Hồng (còn gọi là hồ Khương Trung 1-2 thuộc 2 phường Khương Đình, Khương Trung (quận Thanh Xuân), hồ Phương Liệt, hồ Tân Mai được TP Hà Nội phê duyệt với kinh phí gần 122 tỷ đồng từ ngân sách.
Hồ Định Công rộng 20ha của quận Hoàng Mai được cải tạo sau gần chục năm thực hiện dự án |
Dù bị chậm tiến độ nhiều năm với lý do công tác giải phóng mặt bằng, được gia hạn hoàn thành sang tháng 9/2016, cuối cùng dự án cũng được hoàn thành.
Nhiều hồ tự nhiên một thời là nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng lấn chiếm, lấp hồ làm đất ở trái phép; xả thải ra hồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... đã được gìn giữ.
Hồ Định Công sau cải tạo trở thành không gian sinh hoạt chung của người dân sở tại
Ngoài việc được nạo vét đất bùn, rác thải trong lòng hồ, các hồ được cải tạo, chỉnh trang, kè cứng mép hồ, xây dựng đường đi ven bờ, lát gạch đường dạo, lắp hệ thống chiếu sáng, cây xanh, trạm thu gom nước thải…
Cùng thời điểm 2010, hồ Phương Liệt (quận Thanh Xuân) cũng được “thay áo mới”.
Dự án cải tạo môi trường hồ Phương Liệt bao gồm các hạng mục: nạo vét bùn lòng hồ; hoàn chỉnh phần kè và hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ với tổng diện tích mặt nước là 1,2ha, tổng diện tích đất là 1,7 ha. Tổng khối lượng nạo vét và vận chuyển bùn đất khoảng 5.700m3, kè mới hồ 110m, sửa chữa kè hiện trạng 180m, làm 250 bồn hoa xung quanh hồ, lát vỉa hè 725m2, làm đường 1.685m2 và hệ thống chiếu sáng xung quanh hồ.
Liền kề với hồ Phương Liệt, hồ Rùa (cũng nằm trên địa bàn phường Phương Liệt) được hồi sinh nhờ chủ trương giải cứu hồ trong giai đoạn này.
Hồ Rùa và hồ Phương Liệt 1 (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) được "giải cứu" nhờ nỗ lực của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền
Ngày 4/5/2009, TP lên phương án quy hoạch chi tiết, thu hồi 53.359m2 đất hồ Rùa giao cho BQL dự án thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) triển khai dự án.
Quá trình thực hiện, dự án vấp phải sự phản đối của những hộ dân có quyền lợi liên quan, trước đó được cho thuê hồ để nuôi trồng thủy sản.
Thời điểm đó, chính quyền quận Thanh Xuân đã nỗ lực vào cuộc để di dời những hộ dân chây ì, không tự giác hoàn trả mặt bằng, thậm chí còn sử dụng biện pháp cưỡng chế, di dời… để triển khai dự án.
Một dự án “giải cứu” khác mang tên hồ Định Công (quận Hoàng Mai) cũng kéo dài nhiều năm trời...
Được khởi động từ tháng 12/2011, dự án cải tạo hồ Định Công là một trong những hạng mục quan trọng của dự án thoát nước giai đoạn 2 có tổng giá trị lên tới 275 tỷ đồng, thời gian thi công 25 tháng.
Đầm Hồng - cuối cùng cũng được thay diện mạo mới |
Sau khi dự án cải tạo hồ Đầm Hồng hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân 2 phường Khương Đình - Khương Trung có không gian sống xanh sạch chưa từng có
Tuy nhiên, sau 58 tháng thi công, việc nạo vét hồ, cải tạo hồ Định Công với diện tích gần 20ha vẫn chưa hoàn thành. Cho đến khi UBND TP vào cuộc, hồ Định Công mới có bộ mặt mới như ngày hôm nay.
“Cuộc chiến giữ hồ” cũng đầy cam go của người dân thôn Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cách đây hơn chục năm để giành lại không gian hồ B trên địa bàn.
Năm 2010 - 2012, khi đó huyện Từ Liêm cũ (nay là Nam Từ Liêm) đã đồng ý chủ trương cho một chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu đô thị và sân golf trên toàn bộ phần diện tích của hồ B và một phần bãi rác của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Hà Nội.
Trước nguy cơ hồ bị biến mất, nhiều hộ dân trong thôn đã kiên trì xin giữ hồ. Năm 2013, quận Nam Từ Liêm đã quyết định dừng dự án.
Các dự án "giải cứu" hồ tự nhiên tiêu tốn ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, tuy nhiên không gian xanh, môi trường sống trong lành được giữ gìn |
Hơn 40 ao, hồ được cải tạo
Bên cạnh những hồ tự nhiên được giải cứu, Hà Nội cũng mất nhiều diện tích nước mặt do san lấp hồ để phục vụ quy hoạch, xây dựng hạ tầng.
Tại quận Đống Đa - địa bàn có nhiều ao hồ nhất nội đô với trên 30 hồ ao nhưng từ năm 2010 - 2020, theo thời gian đã có 4 ao hồ trên địa bàn quận này bị san lấp. Cụ thể là ao cạnh chùa Láng, ao sau chùa Láng, ao trồng rau và hồ Ba Giang.
Những hồ này bị lấp khiến quận Đống Đa mất đi gần 15ha diện tích mặt nước.
Tương tự, tại quận Cầu Giấy, để phục vụ quy hoạch đô thị, nhiều ao hồ cũng bị san lấp để chuyển đổi mục đích. Dự án "Thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài" san lấp ao xóm Đa, xây dựng "Khu đô thị thành phố Giao lưu" san lấp ao khu Đồng Xa.
Thời điểm hiện tại, hàng trăm người dân phường Ngọc Thụy đã nỗ lực xin giữ hồ tự nhiên rộng 12.000m2 trước chủ trương bị san lấp, phân lô bán nền |
Theo KTS Trần Huy Ánh, thời gian qua, đã có hơn 40 ao, hồ trên địa bàn TP Hà Nội được cải tạo xanh, sạch, đẹp, góp phần điều hòa không khí và làm đẹp mỹ quan của Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng đã phát động cuộc vận động kêu gọi xã hội hóa việc kè và cải tạo hồ và được sự hưởng ứng rất cao.
Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND TP Hà Nội đang trở thành niềm hy vọng để giữ được những “lá phổi xanh” tự nhiên bảo vệ môi trường.
Quận hút nước chuẩn bị lấp hồ tự nhiên 1,2ha, người dân treo băng-rôn xin giữ
Việc xin giữ lại hồ Bà Đồ rộng gần 1,2ha của gần 100 hộ dân phường Ngọc Thụy không thành hiện thực, chính quyền quận Long Biên đang hút nước chuẩn bị cho việc san lấp hồ.
Kiên Trung