Thế nhưng đó cũng là một trong những chiêu bài quảng cáo, mà ai cũng biết, quảng cáo không phải bao giờ cũng sát với thực tế. Có đôi khi, khi game được chính thức tung ra, người chơi mới nhận ra nó có vẻ hơi khác với những gì trailer đã thể hiện; và đây thực sự không phải là một cảm giác dễ chịu cho lắm.

Công bằng mà nói, chuyện này lỗi một phần cũng ở người chơi – những người thích đoán già đoán non về mọi khía cạnh của game qua những đoạn trailer ngắn ngủn. Sau đây sẽ là một số, trong khá nhiều, những cách mà một trailer có thể làm người chơi đi lạc hướng. Một điều quan trọng nhất: Đừng hi vọng nhiều, để rồi thất vọng.

Tạo ra những cảm xúc không phải là một phần của game

 
Đánh vào cảm xúc là một trong những chiến thuật marketing hiệu quả nhất từ trước đến nay, vì nó giúp cho những nhà quảng cáo không phải đầu tư quá nhiều tiền của vào những hiệu ứng hoành tráng. Chỉ cần quay lại một phút giây tuy rất bình thường nhưng lại đầy cảm xúc nào đó, và sản phẩm sẽ bán chạy như tôm tươi.

Chiến thuật này được sử dụng rất rộng rãi; từ những sản phẩm bảo hiểm cho đến những bộ phim bom tấn, vì vậy cũng khá dễ hiểu khi nó được những nhà làm game tận dụng một cách tối đa. Tuy vậy, nếu sử dụng chiến thuật này một cách vô tội vạ, nó đôi khi sẽ phản tác dụng và khiến người chơi ôm hi vọng quá nhiều về một cốt truyện đầy cảm xúc và giàu tính nhân văn - điều mà rất ít game thực sự có thể thực sự mang lại được.

Dead Island Trailer.

Những ví dụ tiêu biểu: Thật khó có thể không nhắc đến đoạn trailer làm người xem phải rưng rưng nước mắt của Dead Island, quảng cáo cho một tựa game chỉ đơn thuần là bắn và chạy với rất ít cảm xúc. Phần tiếp theo, Dead Island: Riptide, cũng không khá hơn được bao nhiêu: Cảnh tự sát đầy cảm xúc của một cặp đôi trên hoang đảo, và sự thật là họ chẳng bao giờ xuất hiện trong game chính cả. Series Gears of War cũng như Halo cũng có một vài trailer tương tự như vậy.

Dead Island Riptide Trailer.

Giới thiệu một game chưa sẵn sàng để xuất hiện

 
Trong một nền công nghiệp tốc độ cao như gaming, những nhà phát triển đôi khi phải trưng bày những món hàng của họ thậm chí trước cả khi chính họ quyết định món hàng đó trông sẽ như thế nào. Điều này có nghĩa là cốt truyện vẫn chưa đầy đủ, các nhân vật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, và game sẽ phải có rất nhiều thay đổi trước khi chính thức được tung ra.

Vấn đề nằm ở chỗ, đôi khi những thay đổi đó quá nặng nề, các nhân vật trở thành một người hoàn toàn khác và cốt truyện cũng có những bước ngoặc không lường trước. Kết quả là những nhân vật và sự kiện trong trailer mà người chơi mong đợi xuất hiện trong game chính bị thay đổi toàn diện, hay tệ hơn nữa, biến mất hoàn toàn.

BioShock Infinite 15 Minutes Gameplay.

Những ví dụ tiêu biểu: Tuy đã được phát hành từ tận đầu năm ngoái, BioShock: Infinite hiện vẫn còn đang bị ném đá bởi chiêu bài “treo đầu dê bán thịt chó” của mình. Nhân vật Elizabeth trong game khác hoàn toàn với trong trailer, và không có một sự kiện nào của trailer xuất hiện trong bản game chính thức cả.

Giới thiệu những tính năng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm

Chắc các bạn ai cũng hiểu, bản demo của một game thường khác với bản game chính đến mức nào. Ở bản demo, các tính năng gameplay của game vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm và hoàn thiện. Từ giai đoạn này cho đến sản phẩm cuối cùng là một quãng đường không ngắn chút nào, và chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Ví dụ như, giao diện trong game hơi lộn xộn dễ làm người chơi bối rối, hay những thành phần quan trọng của game không tương tác lẫn nhau một cách hoàn hảo, hay một skill hoành tráng nào đó luôn làm game bị crash... Những thứ như vậy cần phải được thay đổi đáng kể để hoàn thiện, hoặc hoàn toàn biến mất. Điều này làm cho game thủ có cảm giác như bị nhà phát triển lừa dối vậy.

Team Fortress 2 Mann vs. Machine Trailer.

Những ví dụ tiêu biểu: Các fan hâm mộ của Team Fortress 2 đã rất háo hức chờ đợi chế độ coop “RED and BLU” sau đoạn trailer Mann vs. Machine, để rồi phải hụt hẫng khi BLU thực ra hoàn toàn là AI. Các game thủ Dragon Age cũng có cảm giác thất vọng tương tự khi không thể sử dụng được kĩ năng cực kì hoành tráng xuất hiện trong đoạn annoucement trailer của Dragon Age II.

Dragon Age II Announcement Trailer.

Trailer có những sự kiện không thực sự xảy ra

 
Ưu tiên hàng đầu của một game trailer là gây tò mò bằng những biện pháp cường điệu hóa, sau đó mới đến độ chân thực và chính xác. Bạn muốn một khẩu súng với kích thước bằng cả một tòa nhà? Có ngay! Một trận chiến kinh điển giữa nhân vật X và Y? Chắc chắn rồi! Một người anh hùng chiến đấu cùng lúc với bọn người ngoài hành tinh và bọn phát xít để giải cứu thế giới? Còn gì tuyệt vời hơn nữa!

Thật không may, nhiều khi những biện pháp cường điệu như vậy trở nên quá đà và các nhà phát triển nhận ra họ không thể đem chúng vào trong cốt truyện thực của game, còn game thủ thì phải... chửi thề khi không được chứng kiến những sự kiện kinh điển mà họ mong đợi. Tất nhiên, bạn vẫn còn có những tính năng gameplay tuyệt vời được trình diễn trong trailer... Chờ đã, cũng chưa chắc đâu, hãy đọc lại đoạn ở trên nhé.

Batman Arkham Asylum Harley Quinn Trailer.

Những ví dụ tiêu biểu: Batman Arkham Asylum từng nhấn mạnh tầm quan trọng của Harley Quinn ở một trong những trailer của mình, và úp mở rằng người chơi sẽ có cơ hội chiến đấu với cô nàng này. Trong thực tế, Harley Quinn chỉ được cho vào một đoạn cutscene ngắn và... chấm hết. Các fan hâm mộ của BioShock cũng khá cay cú khi Elizabeth thực ra không hề suýt bị treo cổ như trong một đoạn trailer của Infinite.

BioShock Infinite TV Commercial.
Theo gamek