Tường phí (paywall) là giải pháp được áp dụng để thương mại hóa các sản phẩm khi nhà phát triển muốn tạo ra doanh thu và dòng tiền ổn định nuôi sống sản phẩm đó. Trong nhiều lĩnh vực, tường phí đã phát huy vai trò hiệu quả khi giúp đơn vị cung cấp sản phẩm sống sót và duy trì được sự tồn tại của sản phẩm.
Tuy nhiên, với đặc thù là sản phẩm công nghệ, tường phí cũng tồn tại những lỗ hổng để người dùng lợi dụng. Chẳng hạn, tin tặc sẽ tìm cách qua mặt (bypass) tường phí giống như qua mặt tường lửa (firewall) để thu thập thông tin hoặc các lợi ích khác.
Một số cơ quan thu phí phải nâng cấp hệ thống chống lại chế độ ẩn danh trên trình duyệt. |
Trên thế giới, các mô hình báo chí thu phí cũng phải đau đầu giải quyết vấn nạn này khi nó được giúp sức một cách gián tiếp bởi chính các trình duyệt lớn như Safari, Chrome hay Firefox. Một số tổ chức phi chính phủ còn được lập ra để tìm cách vượt tường phí trên quan điểm bài viết là tri thức khoa học cần được mở ra cho cả nhân loại.
Do đó, một số cơ quan báo chí phương Tây (the Guardian, Business Insider) đã sử dụng một thuật ngữ có tính linh hoạt hơn là ủng hộ nhà báo hay hỗ trợ tòa soạn. Khoản đóng góp này của người đọc sẽ là một phần giúp cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung, loại bỏ quảng cáo gây khó chịu.
Với những cơ quan báo chí kiên trì với mô hình tường phí ‘cứng’, giải pháp sử dụng tường phí của một bên thứ ba chuyên về công nghệ là điều thường được tính đến. Ưu điểm là đồng bộ thiết kế giữa nhiều bên, qua đó giảm được chi phí mà lại có tính tùy biến cao, kiểm soát được hàng rào thiết lập tường phí và được hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi sự cố xảy ra.
Nhược điểm là giải pháp thuê tường phí đòi hỏi chia sẻ doanh thu hoặc yêu cầu trả một khoản phí cố định hàng tháng không hề nhỏ. Đồng nghĩa với việc tạo áp lực doanh thu lên chính cơ quan báo chí khi chuyển từ miễn phí đọc báo sang trả tiền.
Các tờ báo phương Tây có một hệ thống thu phí tương đối giống nhau là do cùng được xây dựng bởi một vài bên thứ ba. |
Vậy quay trở lại vấn đề, nếu một cơ quan báo chí tự xây dựng tường phí, liệu có cách nào để hạn chế những nhược điểm nêu trên?
Để trả lời câu hỏi này không đơn giản bởi công nghệ là một khái niệm không có biên giới. Chưa một cơ quan báo chí nào có thể đảm bảo chống được những vụ vượt tường phí hoặc các dạng thức tấn công mạng khác.
Với đặc trưng riêng của thị trường Việt Nam, người dùng còn có khái niệm vượt tường phí tạm gọi là chia sẻ ngang hàng. Trong đó, một nhóm người dùng cùng chia sẻ một tài khoản dùng chung để giảm bớt chi phí bỏ ra, đồng thời gián tiếp khiến chủ sở hữu nền tảng thất thu. Những dịch vụ mua chung tài khoản Spotify, Netflix hay YouTube Premium ở Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất.
Vì vậy, cơ quan báo chí muốn thu phí hiệu quả bắt buộc phải nghiên cứu công nghệ lõi hoặc đặt hàng bên thứ ba với những yêu cầu hết sức cụ thể về định danh người dùng, đăng nhập định danh, ghi nhớ truy cập... Chỉ khi có một công cụ bảo vệ hiệu quả tường phí, lúc đó mới có thể tính đến phương án tiếp theo.
Báo điện tử thu phí không thể áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống giống như ở các sạp báo hay giao báo tận nhà. |
Bước tiếp, vấn đề khó khăn hơn cả là câu chuyện kinh doanh khi đã có tường phí. Không giống mô hình phân phối báo giấy đến các sạp báo trên cả nước, mô hình thu phí báo điện tử đòi hỏi có một phương thức kinh doanh phù hợp. Bởi mặt hàng nội dung online cơ bản là không thể áp dụng mô hình nhận hàng trả sau (COD) hoặc trả góp.
Một trong số các phương thức mà cơ quan báo chí phương Tây thường áp dụng là chạy quảng cáo trên những nền tảng như Google hay Facebook. Song phương pháp này có hiệu quả ở thị trường Việt Nam hay không còn là một dấu hỏi rất lớn, do tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) và tỷ lệ chấp nhận trả tiền (pay rate) ở Việt Nam trên các nền tảng này là rất thấp. Đồng nghĩa với chi phí bỏ ra sẽ là vô cùng lớn cho cơ quan báo chí mà hiệu quả thu về khó đoán định.
Một phương pháp khác phổ biến hơn ở Việt Nam là gọi điện, nhắn tin quảng cáo, vốn có khả năng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, mà chủ yếu là các độc giả không am tường về mặt công nghệ. Tuy vậy, Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/10 sẽ khiến cơ quan báo chí gặp khó nếu chọn kinh doanh theo phương án này.
Nhưng ngay cả khi có độc giả trả tiền, cơ quan báo chí cũng phải đảm bảo lưu trữ thông tin người dùng một cách cẩn trọng. Những thông tin có giá trị gắn với tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng chắc chắn trở thành miếng mồi ngon cho tin tặc tấn công một khi được lưu trữ một cách sơ hở hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật khắt khe nhất.
Nhìn chung, tăng cường bảo mật, tích hợp hệ thống, đẩy mạnh quảng cáo cùng nhiều chi phí khác có thể tạo ra rào cản lớn với thu phí báo chí ngay từ khi bắt đầu xây dựng. Chưa kể thói quen và hành vi người dùng không hề dễ dàng thay đổi trong ngày một ngày hai ở nước ta.
Phương Nguyễn
Lối đi nào cho 'tường phí' báo chí trả tiền?
Tường phí cho báo chí trả tiền không phải bài toán dễ giải với các cơ quan báo chí Việt Nam, dù đã có sẵn nhiều mô hình thành công ở nước ngoài.