Họa sĩ Đặng Thanh Dương và Thiếu tá Bùi Thị Hải Dương tổ chức triển lãm mỹ thuật Song Dương, diễn ra từ 12-16/10 tại Art Space - Trung tâm Phát triển và sáng tạo mỹ thuật thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
52 tác phẩm trong triển lãm là những xúc cảm, khoảnh khắc, nốt trầm thinh lặng, một khái niệm nhân sinh... khác nhau.
Thiếu tá, hoạ sĩ Bùi Thị Hải Dương hiện đang công tác tại Bộ Công an, từng sáng tác rất nhiều nhưng 10 năm qua tạm gác cọ. Quay trở lại với giá vẽ từ năm 2023, dường như mọi cảm xúc của chị cứ tuôn trào trên toan. Chỉ 10 tháng, chị sáng tác hơn 30 tác phẩm, khiến nhiều người kinh ngạc bởi sức sáng tạo rất "sung".
"Nhiều người hỏi động lực nào để tôi sáng tác nhiều tác phẩm trong thời gian ngắn như vậy. 4 tuổi cầm cọ, chính niềm đam mê hội họa bất tận đã thôi thúc tôi quay trở lại với giá vẽ bằng tất cả cảm xúc chân thật và bản năng của mình, không màu mè, kỹ năng hay kỹ xảo nào", Thiếu tá, họa sĩ Bùi Thị Hải Dương bày tỏ.
Có lẽ vì thế, Bùi Thị Hải Dương thỏa sức tung tẩy trên toan, những vệt màu lúc ẩn hiện, tương phản, lúc hài hòa, khi ào ạt dữ dội, khi lại mong manh, tan vỡ... Họa sĩ đã thả trôi tâm hồn và tinh thần vào tác phẩm để cho xúc cảm thăng hoa. Sự thăng hoa ấy là những câu chuyện nhảy múa của đường cọ đầy màu sắc, nhìn có vẻ dứt khoát nhưng kỳ thực lại bay bổng, tất cả tạo nên tác phẩm sâu lắng mà dữ dội.
Tất cả các tác phẩm được sáng tác trên giấy dó của Bùi Thị Hải Dương đều không đề tên. Chị muốn khi người thưởng lãm chiêm ngưỡng tác phẩm sẽ tự suy tư theo cách hiểu của mình chứ không gò ép họ đi theo chủ đề định sẵn.
"Trong số tác phẩm trưng bày tại triển lãm, có hai bức họa tôi vẽ khi cảm xúc quá đau buồn về sức tàn phá của cơn bão Yagi đổ vào Việt Nam", họa sĩ chia sẻ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Huy Nguyễn nhận xét, sự thăng hoa của xúc cảm trong tranh của Bùi Thị Hải Dương là những khắc khoải tự sự và cảm xúc bất chợt, những hồn nhiên tươi trẻ và những tâm sự thường nhật... Tất cả đều có thể trở thành một câu chuyện xúc cảm riêng biệt khác lạ. Trước những tác phẩm của cô, người thưởng lãm như cảm nhận được nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ và những câu chuyện ẩn hiện phía sau những mảng màu lôi cuốn, níu kéo và chiêm nghiệm.
Với họa sĩ Đặng Thanh Dương, mỗi tác phẩm mang đến triển lãm là một mạch nguồn cuộc sống, của tự nhiên, đất trời vạn vật, với những nét cọ mạnh mẽ, khoáng đạt. Chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của anh là núi rừng Tây Bắc.
Là người con của Yên Bái nên anh yêu say đắm cảnh sắc quê hương. Từng vẽ nhiều phong cảnh về Tây Bắc, tranh được nhiều nhà sưu tập mua nhưng với triển lãm này, Đặng Thanh Dương muốn mang cái nhìn mới lạ về Tây Bắc cho giới mộ điệu. Nét đẹp của rừng, núi đá vôi... thể hiện trong tác phẩm của anh theo phong cách bán trừu tượng.
Đây cũng là bước ngoặt theo Đặng Thanh Dương sẽ rất khó khăn trên con đường nghệ thuật, nhưng với anh nó là lẽ đương nhiên của một hoạ sĩ - phải luôn tìm tòi cái mới. "Tôi sẽ theo đuổi phong cách bán trừu tượng trong tương lai", anh khẳng định.
Các vệt màu trượt dài tạo nên những triền dốc hoang vu, những thung sâu gợi mở, mảng miếng chồng lấn, giao hòa không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc hiển hiện trong tác phẩm của Đặng Thanh Dương. Màu sắc và bố cục trong tranh của anh dàn trải, mạnh mẽ mang tính khái quát và biểu trưng về sự vật, không gian, vùng đất và trải nghiệm trên những chặng đường anh đi qua.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận xét, vẫn giữ bút pháp cảm tính mạnh mẽ, vẫn lấy cảm hứng sáng tạo từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, tranh của Đặng Thanh Dương trong triển lãm lần này ngả dần sang xu hướng trừu tượng biểu hiện, dùng cảm xúc để dẫn hướng bố cục, tốc độ vẽ và hòa sắc. Mối liên hệ máu thịt của Đặng Thanh Dương với núi cao sông dài Tây Bắc là một thuận lợi tự nhiên khi tiếp cận ngôn ngữ hội họa này, hy vọng nghệ sĩ sẽ duy trì cảm xúc sáng tạo lâu bền và tiếp tục trình làng những tác phẩm gây bất ngờ mới.
Ảnh: T.Lê