Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng vừa ra mắt bạn đọc cuốn Những kẻ giời hành với thông điệp nhân văn sâu sắc: Bạn có thể đã trót “hư”, nhưng hãy cố gắng đừng “hỏng”.


Những kẻ giời hành là cuốn sách có nội dung hư cấu, thuộc thể loại tiểu thuyết. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống xung quanh một nghĩa trang, thời điểm những năm 1980-90 của thế kỷ trước với những nhân vật thường dân dưới đáy một xã hội thu nhỏ, tệ nạn xã hội và tội phạm trong cuộc đấu tranh giữa thật và giả, thiện và ác…

Với thông điệp nhân văn sâu sắc: Bạn có thể đã trót “hư”, nhưng hãy cố gắng đừng “hỏng”. Hình như đã sinh ra và sống ở cõi đời này, ai trong chúng ta, cũng không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, đều bị “giời hành”…

{keywords}

Nhà văn Đặng Vương Hưng trong buổi ra mắt sách

Tiểu thuyết Những kẻ giời hành đã lọt vào danh sách 15 tác phẩm xuất sắc nhất tham dự Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” và được nhiều thành viên giám khảo cuộc thi đánh giá là đã góp phần làm “phát lộ” một cây bút văn xuôi có nghề.

Đại tá, nhà văn Chu Lai nhận xét: “Một khu nghĩa trang, một con người, một cảnh đời, một nỗi niềm, một tình yêu, một đêm trắc trở, một kỷ niệm ùa về, một dáng hình con gái, một bến đỗ bình an, một khát khao đàn bà, một tâm đức vị tha, một lạnh lùng độc ác… Tất cả đều có trong cuốn sách này! Mà đà đi, hơi thở của từng con chữ, từng trang viết cứ lặng lẽ cảm hóa, như thôi miên người đọc... Tác giả đã biết khai thông cái mạch huyệt đậm chất folklore đời thường, để bật lên những góc khuất cuộc đời. Đó là cái rất khó mà không phải cây bút thuần thục, có nghề nào cũng làm được”.

Còn nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng tiểu thuyết khá hấp dẫn, có cảm xúc nhân văn, nhiều đoạn, nhiều chương đọc xúc động. Ý tưởng về cuộc sống nhốn nháo thời hậu chiến được tác giả mô tả sinh động, có ẩn dụ. Những giấc mơ, hồn ma, không khí nghĩa địa làng… gây ấn tượng và nhân vật khá rõ nét, có ngôn ngữ, có sắc thái, không bị sơ lược.

“Có thể coi Những kẻ giời hành là những phiên bản chồng và ghép của cuộc sống. Trong đó, con người với những số phận đã không hẹn mà gặp cùng nhau hội ngộ bởi những nguyên cớ hiện tại khởi nguồn từ quá khứ. Sự tham lam, bảo thủ, cơ hội, lừa lọc, phản trắc... cùng lòng tốt và sự tha thứ, hy sinh, những giá trị nhân văn cùng đan chen và thể hiện như hai mặt không thể tách rời.

Ảo và thực, cũ và mới, quá khứ và hiện tại, thiện và ác… với những nhân vật điển hình, sinh động, hiện lên rõ nét trong tác phẩm qua thủ pháp đồng hiện của nhà văn. Câu chuyện bắt đầu xuất phát ở nơi gặp gỡ và chia biệt của kẻ sống, người chết, khiến ta có thể soi mình vào quá khứ để nhận ra rằng: Triết lý “nhân quả” linh nghiệm đến nỗi không phải chờ đến kiếp sau!”, nhà phê bình Chu Thị Thơm nhận xét.

Tại lễ ra mắt "Những kẻ giời hành", hai cuốn "Không thể mồ côi" của tác giả Minh Vân và “Chuyện đời tự kể” của Trung tướng Lê Ngọc Nam cũng được giới thiệu. Đây đều là những tác phẩm xuất sắc lọt vào tốp cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

T.Lê