Những hệ luỵ từ vi phạm bản quyền phần mềm

Sự phổ cập của những phần mềm không có bản quyền ít nhiều cũng tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội được tiếp cận với những ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, vi phạm bản quyền PM không chỉ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp PM Việt Nam, mà còn có thể gây ra những hệ lụy cho cả nền kinh tế khi Việt Nam gia nhập WTO...

Doanh nghiệp phần mềm: Nạn nhân trước tiên

Trong các đợt thanh tra bản quyền PM, ngoài những sản phẩm phổ thông của nước ngoài như Windows, Microsoft Office, Adobe, Corel hay Photoshop, một số sản phẩm PM thương mại của Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện trong danh sách những sản phẩm bị vi phạm như từ điển Lạc Việt của công ty Lạc Việt hay bộ gõ Vietkey của nhóm Vietkey Group.

Theo tính toán của công ty Lạc Việt, khoảng 90% máy tính ở Việt Nam đang dùng sản phẩm từ điển Lạc Việt không có bản quyền. Còn ông Đặng Minh Tuấn, trưởng nhóm Vietkey Group cho biết tình trạng vi phạm bản quyền khiến sản phẩm Vietkey không thu hồi đủ vốn cần thiết để phát triển tiếp cho sản phẩm này. “Chúng tôi phải làm một số PM thuộc lĩnh vực khác để có nguồn kinh phí đảm bảo tồn tại và phát triển tiếp”, ông Tuấn nói.

Không chỉ các sản phẩm phổ thông, nhiều phần mềm đóng gói có đối tượng người dùng hẹp hơn cũng bị vi phạm bản quyền, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Ông Lữ Thành Long, giám đốc Công ty MISA chuyên cung cấp các gói phần mềm kế toán, cho biết các sản phẩm của MISA cũng bị bẻ khóa khá nhiều, thậm chí ở các địa phương còn có tình trạng các cửa hàng tin học mạo danh là đại lý của MISA để bán hàng. MISA cũng đã phát hiện được một số cửa hàng mạo danh đại lý của công ty để bán hàng, nhưng cũng không biết làm gì ngoài việc tăng cường cảnh báo người dùng. “Bởi nếu khởi kiện thì cũng không bõ vì hình thức xử phạt loại hình tội phạm này rất nhẹ”, ông Long nói.

Theo các doanh nghiệp, với tình trạng vi phạm bản quyền PM một cách “vô tư” như hiện nay, các doanh nghiệp PM là nạn nhân trước tiên. “Làm ra phần mềm chuyên nghiệp phải tiêu tốn rất nhiều tiền, nếu người dùng không chịu trả tiền, doanh nghiệp không có điều kiện để phát triển phần mềm tốt”, ông Lữ Thành Long nói.

Tình trạng vi phạm bản quyền PM cao cộng với chi tiêu cho PM của thị trường doanh nghiệp đang góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn trong thị trường PM nội địa. Các doanh nghiệp PM không nhận được sự hỗ trợ tích cực thị trường nên không có đầu tư để phát triển sản phẩm tốt, thế nên các doanh nghiệp cũng không trông đợi nhiều từ các giải pháp của các doanh nghiệp PM. “Đó là cái vòng luẩn quẩn đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp PM trong nước”, ông Trần Lương Sơn, giám đốc Công ty phần mềm Việt (VietSoftware) nhận xét.

“Chúng ta muốn phát triển công nghiệp PM mà lại không tôn trọng bản quyền thì không bao giờ xây dựng được công nghiệp PM”, GS. TS Nguyễn Quang A, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng VPBank nói. Theo ông Quang A, không có cách nào thúc đẩy thị trường PM hiệu quả bằng cách làm cho người dùng tôn trọng vấn đề bản quyền. “Khi tôn trọng bản quyền, lúc đó chúng ta mới biết thực sự chi phí của mình là thế nào.”

Kinh tế đất nước: Không ngoài vòng ảnh hưởng

Theo nghiên cứu của Hãng dữ liệu quốc tế IDC, với những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền PM cao như Việt Nam, cắt giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, làm ngành CNTT tăng trưởng hơn và cải thiện hình ảnh quốc gia.

Nghiên cứu của IDC thực hiện vào tháng 12/2005 ước tính, nếu Việt Nam giảm được tỷ lệ vi phạm bản quyền PM khoảng 10% trong vòng bốn năm (từ 2006-2009, trung bình mỗi năm 2,5%), ngành CNTT nội địa có thể tăng thêm khoảng 720 triệu USD doanh thu, nhà nước thì có thêm 43 triệu USD tiền thuế, hơn 4.000 việc làm mới và đóng góp cho nền kinh tế đất nước hơn 1 tỷ USD trong vòng bốn năm đó.

IDC phân tích, giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền PM đem đến những lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Khi vi phạm bản quyền PM giảm, cả người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ và nền kinh tế đều có lợi. Vi phạm bản quyền giảm có thể tạo ra nhiều việc làm hơn, người dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn bởi cạnh tranh sẽ cao hơn khi các doanh nghiệp phần mềm có nhiều cơ hội phát triển hơn. Nền kinh tế và chính phủ cũng có lợi từ giảm vi phạm bản quyền phần mềm. Theo nghiên cứu trên của IDC, nếu giảm được tỷ lệ vi phạm bản quyền trên toàn cầu khoảng 10%, các chính phủ sẽ có thêm khoảng 67 tỷ USD tiền thuế.

Một trong những nguyên nhân của vi phạm bản quyền PM cao là lý do kinh tế. Các nhà cung cấp PM phổ thông áp dụng chính sách một giá bởi một lẽ PM là sản phẩm có thể chuyển giao không biên giới. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam quá thấp so với giá các sản phẩm PM. Tuy nhiên, cũng có những ý cho rằng, tôn trọng bản quyền cũng giống như bỏ con săn sắt bắt con cá rô.

Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) cho rằng, nếu làm mạnh bản quyền, trong ngắn hạn, chúng ta có thể phải chi nhiều tiên hơn cho PM, nhưng doanh số ngành PM sẽ tăng. Khi bản quyền được tôn trọng, doanh nghiệp có điều kiện phát triển toàn diện hơn, chúng ta mới có cơ hội phát triển ngành công nghiệp đúng nghĩa.

“Tôn trọng bản quyền khi đó mình mới biết thực sự chi phí của mình là thế nào. Khi doanh nghiệp bỏ tiền cho PM họ sẽ phải tìm cách bù đắp bằng cách khác, tạo ra kích thích sáng tạo”, GS. TS Nguyễn Quang A nói.

Đỗ Duy