Bánh mì giò chả Dũng Hạnh nằm trên phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) đã kinh doanh hơn 29 năm. Bà Thu Hạnh (áo đỏ, chủ quán) cho biết trước đây quán chỉ là một xe hàng nhỏ ở ngoài mặt đường giao với ngõ Lê Đại Hành, được một thời gian bà thuê mặt bằng trong nhà để có thể phục vụ cả khách ăn tại chỗ và mang về. |
"Cửa hàng tôi bán nhiều loại giò chả cho thực khách lựa chọn như chả mỡ, chả cốm, giò bò và giò lụa, loại khách mua nhiều nhất vẫn là chả mỡ vì nó có độ béo, bùi và giòn vừa phải. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được 100 kg các loại", bà Thu Hạnh cho biết. |
Giò chả ở đây luôn được hấp cách thủy theo miếng khổ to. Khách mua mang về sẽ được nhân viên cắt theo từng miếng nhỏ. Việc này giúp giò chả khi ăn sẽ có độ ẩm nhất định, không bị khô và gây ngán. |
Mỗi ngày cửa hàng này tiêu thụ hơn 1.000 ổ bánh mì, 100 bánh dày và xôi nén ăn kèm với giò chả. 6h30 sáng khách đến quán rất đông, họ thường là những người đi chợ mua giò chả cho bữa trưa. Ngoài ra nhiều nhân viên văn phòng cũng ghé vào tìm đồ ăn sáng. Gần đến bữa trưa, quán phải nhập thêm hơn 300 chiếc. |
Chị Hồng (quận Hai Bà Trưng) là khách quen của quán mua hơn 5 kg giò chả vừa để cho gia đình vừa đem đi biếu. "Tôi đã ăn nhiều hàng giò chả khác nhưng chỉ quen ở đây, giò chả ở đây làm vừa miệng, khi ăn tôi cảm nhận thấy không có chất bảo quản", chị nói. |
Bánh mì hàng này vẫn giữ được nét truyền thống so với những hàng hiện đại khác. Ở đây có giò lụa, chả mỡ và ăn kèm với dưa chuột, rau sống, tương ớt. Giá mỗi chiếc khoảng 25.000-30.000 đồng. |
Trên phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) có một cửa hàng bánh mì nổi tiếng khác là Nguyên Sinh, mở bán từ năm 1942. Đây là một trong những cửa hàng đồ Tây đầu tiên ở Hà Nội do người Việt mở ra. |
"Khách đến đây chủ yếu vào khung giờ buổi trưa (từ 11h30 đến 13h chiều), những đồ ăn kèm tôi đều nêm nếm để hợp khẩu vị tất cả thực khách, kể cả du khách trong nước lẫn khách nước ngoài. Thịt nguội, jambon, pate là những món ăn được nhiều người lựa chọn", bà Hoàng Thanh Hường (68 tuổi, chủ quán) chia sẻ. |
Đồ ăn ở đây rất đa dạng và phong phú, đem đến nhiều lựa chọn cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 15-20 kg pate, thịt nguội, jambon và xúc xích các loại. |
Ngoài bánh mì làm theo kiểu truyền thống, hàng Nguyên Sinh còn phục vụ nhiều lựa chọn, bán riêng theo từng suất, ăn kèm với bánh mì và salad tạo nên các hương vị khác nhau, giá từ 50.000-120.000 đồng/chiếc. |
Chị Vân (áo đen), cho biết thường xuyên ăn bánh mì ở đây vì rất hợp khẩu vị. "Giá mỗi suất so với ở các hàng khác là khá cao, nhưng đổi lại tôi thấy chất lượng tốt", chị nói. |
Bánh mì Lãn Ông nằm trên phố Chả Cá (quận Hoàn Kiếm) đã tồn tại được hơn 33 năm. Đây là hàng gia truyền từ thời ông bà để lại cho chị Thủy (chủ quán). |
"Khoảng thời gian từ 7h-8h và trưa từ 12h-13h quán đông khách nhất. Khách chủ yếu mua mang về hoặc đặt qua các ứng dụng giao hàng trực tuyến", chị Nguyễn Thanh Loan (bên phải, nhân viên) nói. |
Khung giờ cao điểm lượng khách tăng cao, hàng bánh mì này phải chuẩn bị trước túi để đóng. Nhân viên sẽ phết bơ, pate vào bánh mì rồi để vào lò làm nóng, khi khách đến mua mới bổ sung thêm nguyên liệu tùy theo nhu cầu. Mỗi hàng này bán được khoảng 500-600 ổ, giá mỗi chiếc từ 30.000-50.000 đồng. |
"Bánh mì ở đây tôi ăn cảm thấy vừa miệng, ăn được, giá cũng hợp lý so với mặt bằng ở phố cổ", bạn trẻ Nguyễn Đức Quân nói. |
(Theo Zing)