LTS: Cuốn sách “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông xuất bản nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019) vừa ra mắt, được bạn đọc chào đón. Được sự đồng ý của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, TuanVietnam xin chuyển tới bạn đọc phóng sự “Từ Sài Gòn tới Nhà Trắng – Những gì tôi nhìn thấy khi Mỹ thua cuộc” của David Hume Kennerly, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Mỹ Gerald Ford in trong cuốn sách đặc biệt này.

David Hume Kennerly là một nhiếp ảnh gia, một nhà báo Mỹ, từng giành giải Pulitzer năm 1972 cho những bức ảnh chụp về chiến tranh Việt Nam, Campuchia, về người tị nạn Đông Pakistan… Là nhiếp ảnh gia riêng của Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Kennerly đã có cơ hội chứng kiến và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử trong chuỗi ngày cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam.

Tâm trạng chán nản, thất vọng, lo âu là điểm chung không thể giấu diếm hiện rõ trên nét mặt những nhân vật quyền lực của chính quyền Mỹ thời bấy giờ, đã được ghi lại qua những bức ảnh tư liệu quý giá vào đúng lúc kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng, đẫm máu ở Việt Nam.

{keywords}
Ngày 30-3-1975: Francis đã thoát được trên một thuyền kéo nhỏ từ một tàu lớn, và đó là nơi tôi tìm thấy ông. Ông vẫy tay khi chúng tôi bay trên đầu ông, và chúng tôi đã đáp xuống Vịnh Cam Ranh để đón ông trước khi ông và Spear quay hướng về Sài Gòn. Nha Trang bị bỏ rơi vào ngày đó, và tôi chuyển hướng để bay sang Phnom Penh.

 

{keywords}
Ngày 30-4-1975: Tôi quay trở lại Sài Gòn kịp thời để dự một phiên họp trong đó Đại tướng Weyand và phái đoàn của ông gặp gỡ với Tổng thống Nam Việt Nam đang bị bao vây, Nguyễn Văn Thiệu, tại văn phòng ông ta trong Dinh Tổng thống ở Sài Gòn. Đó không phải là một cuộc họp vui vẻ, và phía Mỹ không có nhiều điều để cung cấp cho ông. Khi chụp một bức ảnh ông Thiệu tại bàn làm việc của ông, với một bức tranh phong cảnh Việt Nam sau lưng ông, tôi đã tự hỏi ông sẽ còn ngồi trên chiếc ghế đó bao lâu nữa. Chỉ 18 ngày sau đó, sự việc đã diễn ra như thế.

 

{keywords}
Ngày 5-4-1975: Đại Tướng Weyand đã thuyết trình với ông Ford tại ngôi nhà của Tổng thống ở Palm Springs, California. Weyand không lạc quan, nhưng hy vọng rằng quân đội miền Bắc Việt Nam đang xâm lấn có thể bị chặn đứng nếu Quốc hội phê chuẩn thêm viện trợ. Tổng thống rõ ràng không thích những gì ông đang nghe.

 

{keywords}
Ngày 5-4-1975: Ngày sau đó, với tập ảnh đen trắng đã chụp trong cuộc viễn du sang Việt Nam, tôi đã có một buổi trình chiếu và thuyết minh trực tiếp cực kỳ bức xúc với ông Ford. Chúng tôi đã duyệt qua từng bức ảnh một. Ông nhìn cuộc di tản từ Nha Trang, những chiếc tàu chất đầy các binh sĩ Nam Việt Nam bỏ chạy tại Vịnh Cam Ranh, và các trẻ em tỵ nạn tại Campuchia. Tôi nói, “Bất kỳ ai nói rằng Việt Nam còn tồn tại ba hay bốn tuần nữa là nói láo với ông".  Tôi nói với ông những gì tôi nhìn thấy, cùng với nhận định của những người tại Việt Nam mà tôi kính trọng, và sự hiểu biết của tôi về xứ sở này, tổng kết bằng một kết luận duy nhất về tương lai của cuộc xung đột: “Cuộc chiến đã kết thúc".  Khi trở lại Nhà Trắng vài ngày sau đó, tôi đã thay thế tất cả các ảnh màu về những biến cố xã hội vui tươi của Tổng thống bằng các bức hình lớn, hoàn toàn đen trắng tương phản trong tập chứng liệu của tôi về hồi kết sắp xảy ra của Việt Nam và Campuchia. Vào buổi đêm, một nhân viên Nhà Trắng bực tức đã hạ chúng xuống. Tổng Thống thì giận dữ và đã hạ lệnh treo chúng trên các bức tường bên cánh Tây. “Treo chúng lên” ông nhấn mạnh, “mọi người cần phải hay biết về những gì đang xảy ra ở đó".

 

{keywords}
Những người bạn mới của tôi từ Cơ quan CIA đã tán đồng khá nhiều những đánh giá mà tôi đã trao đến Tổng thống. Trong bức ảnh hiếm hoi này về các viên chức CIA thuyết trình trực tiếp trước Tổng thống, trưởng ban Viễn Đông sự vụ Ted Shackley và Phó Giám Đốc nhân Viên tình báo của Cơ quan CIA, George Carver, đang thể hiện quan điểm và nói với Tổng thống những đánh giá thẳng thắn của họ.

 

{keywords}
Ngày 5-4-1975: Tổng Thống Ford và phu nhân đã bay lên San Francisco sau khi được thuyết trình bởi Đại tướng Weyand và các trợ lý, để đón tiếp một chiếc máy bay chở đầy trẻ mồ côi Việt Nam đến Hoa Kỳ, như một phần của chiến dịch Babylift, di tản trẻ em ra khỏi Đông Nam Á.  Đó là một cảnh tượng buồn thảm. Nhiều đứa trẻ có cha là người Mỹ và được xem sẽ gặp rủi ro nếu cộng sản nắm quyền. Tính đến chuyến bay cuối cùng ra khỏi Nam Việt Nam, hơn 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em đã được di tản. Cùng với chiến dịch Đời sống mới (Operation New Life), hơn 110.000 người tỵ nạn đã được di tản ra khỏi Nam Việt Nam vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

{keywords}
Ngày 5-4-1975: Hàng ngàn đứa trẻ đã được không vận ra khỏi Nam Việt Nam và được các gia đình trên khắp thế giới nhận làm con nuôi. Đã có một thảm kịch đi liền với cuộc không vận, một chiếc máy bay C-5A của không quân Mỹ chở các cô nhi bị nổ tung, làm chết 138 người, gồm cả 78 đứa trẻ.

 

{keywords}
Ngày 9-4-1975: Vào lúc chúng tôi quay lại Tòa Bạch Ốc, các lực lượng miền Bắc Việt Nam đã tiến sát đến Sài Gòn hơn. Hầu hết phần phía bắc của xứ sở đã bị mất, và chỉ còn lại một phần của phía nam. Cả Giám đốc cơ quan CIA, William Colby, lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Jim Schlesinger đều có vẻ buồn bã khi tôi chụp ảnh họ tại Phòng Họp Nội các trước khi có phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia về Đông Dương.

 

{keywords}
Ngày 11-4-1975: Ông Ford để lộ một số lo lắng sau khi ra lệnh thi hành chiến dịch Eagle Pull, nhằm di tản tất cả người Mỹ ra khỏi Campuchia. Vào ngày 21-4, và hơn một tuần sau khi chiến dịch Campuchia hoàn tất, Tổng thống và Kissinger đặt tiêu điểm vào các vấn đề tiếp diễn tại Việt Nam. Trong một cuộc đàm thoại được xếp loại mật, Kissinger cho hay ông đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin về việc dàn xếp một cuộc ngưng bắn để bốc người Mỹ đi. Sau đó ông đã thảo luận các vấn đề với Martin, Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam.  Ngày 23-4, tình hình Việt Nam trở nên rõ ràng đối với Tổng thống, và ông không sợ thừa nhận sự thật. Trong một bài diễn văn đọc trước các sinh viên tại Đại học Tulane, ông đã nói: “Hôm nay, nước Mỹ đã lấy lại được cảm giác kiêu hãnh từng có trước khi có chiến tranh Việt Nam. Nhưng không thể đạt được điều đó bằng cách lại giao tranh một cuộc chiến đã kết thúc theo quan điểm của người Mỹ. Theo tôi thấy, đã đến lúc hướng đến một nghị trình cho tương lai, để thống nhất, để băng bó các vết thương của dân tộc, và để tái lập sức khỏe và niềm tự tin lạc quan của đất nước". Đây là lần đầu tiên ông công khai nói rằng cuộc chiến tranh đã “chấm dứt”.

 

{keywords}
Ngày 24-4-1975: Trong một phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia báo cáo tình hình Việt Nam đang trên đường đến bờ vực thẳm ra sao, Tổng thống được Bộ trưởng Quốc Phòng Schlesinger cho hay có khoảng 1700 người Mỹ còn ở Sài Gòn. Tổng thống nói ông muốn con số đó rút xuống còn 1090 người vào ngày hôm sau. Bộ Trưởng Schlesinger nói, “Đó là một số lượng lớn trong một ngày". Tổng thống đáp lại, “Đó là những gì tôi ra lệnh. Sẽ có một lệnh khác là vào ngày chủ nhật, tất cả các nhân viên phi chính phủ và không cần thiết phải rời khỏi nơi đó. Nhóm còn lại sẽ lưu lại cho đến khi có lệnh rút hết họ về”. Sự quan tâm chính yếu của Tổng thống là nhịp độ di tản không khiến dẫn đến một sự hoảng loạn trong người dân Việt Nam.

 

{keywords}
Từ trái qua phải: Giám đốc Cơ Quan CIA William Colby, Bộ trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger và Chủ tịch Ban Tham mưu liên quân - Đại Tướng George Brown, 7:30 tối, hôm 28-4-1975: Giám Đốc Cơ Quan CIA mở đầu cuộc thảo luận tại phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia với một báo cáo rằng “Việt Cộng đã bác bỏ đề nghị ngưng bắn của ông (Dương Văn Minh) hiện đang là Tổng thống của Nam Việt Nam”. Họ đã đưa thêm một yêu cầu thứ ba, đòi hỏi giải tán lực lượng vũ trang Nam Việt Nam". Ông nói tiếp rằng tình hình trở nên nguy hiểm hơn, và rằng pháo binh của địch có tầm bắn bao trùm Phi trường Tân Sơn Nhất. Vào lúc 4 giờ sáng, họ đã nã một loạt hỏa tiễn vào Tân Sơn Nhất. Đây là loạt đạn đã giết chết các Thủy quân lục chiến". Ông cũng nói rằng các tên lửa đất đối không đã được bố trí trong khu vực làm gia tăng hơn nữa yếu tố bất trắc. 7:45 tối, ngày 28-4-1975: Chủ tịch Ban Tham mưu liên quân Đại tướng George Brown nói tới việc đưa 70 chuyến bay C-130 vào Tân Sơn Nhất, với 35 máy bay bay vào hai lần để di tản 400 nhân viên còn lại của Phòng Tùy viên quân sự trú đóng ở đó. Lo ngại các tên lửa đất đối không, ông nói kiểm soát viên không lưu tại mặt đất sẽ có quyền quyết định rằng liệu chiến dịch có khả thi hay không: “Dĩ nhiên, chúng ta phải làm nhiệm vụ của mình, nhưng nếu độ rủi ro trở nên quá lớn, chúng ta có thể phải ngưng cuộc không vận lại”.  8:08 tối, ngày 28-4-1975: Cuộc thảo luận kế đó hướng đến việc điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ khai hỏa vào đội quân đang tiến tới của Bắc Việt để bảo vệ cuộc di tản. “Nếu chúng ta khai hỏa, chúng ta phải đưa toàn thể Tòa Đại sứ đi” Henry Kissinger nói.  “Bắc Việt có ý định sỉ nhục chúng ta và xem ra sẽ không khôn ngoan nếu để người của chúng ta ở lại đó”. Tổng thống nói, “Tôi đồng ý. Mọi người phải rời đi. Giờ đây chúng ta phải đưa ra hai quyết định: Thứ nhất, hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc di tản người Việt Nam. Thứ nhì, nếu chúng ta khai hỏa, người của chúng ta sẽ ra đi. Chúng ta có sẵn sàng cho một cuộc không vận bằng trực thăng hay không?” Tướng Brown trả lời “Vâng, nếu Tổng thống hay Đại sứ Martin ra lệnh như thế, chúng ta có thể có các máy bay bay đến đó trong vòng một tiếng đồng hồ". Kissinger nói, ”Chúng ta không nên để lọt tin tức ra ngoài rằng đây là ngày cuối cùng của cuộc di tản thường dân”. Đã có thêm những sự thảo luận về việc cuộc di tản này tiến hành như thế nào, và nếu Tân Sơn Nhất bị đóng cửa, sẽ bắt đầu cuộc di tản bằng máy bay trực thăng. Đại tướng Brown nói, “Tôi không muốn nhìn thấy các công dân Mỹ đứng ở đó chờ đợi chiếc máy bay cuối cùng”. Ông cũng khuyến cáo một sự không yểm để bảo toàn cho cuộc không vận bằng máy bay trực thăng. Tổng thống đã kết thúc phiên họp qua câu nói, “Chúng ta có thể chờ đợi cho đến khi chúng ta thấy liệu các máy bay C-130 có thể bay vào trong hay không. Nếu chúng không thể bay vào, chúng ta sẽ tiến hành Giải Pháp 3 [di tản sau cùng bằng máy bay trực thăng]. Quyết định sẽ được cưỡng hành bất luận các máy bay C-130 có thể hay không thể bay vào. Mọi người đồng ý như thế chứ? Mọi người gật đầu. 

 

{keywords}
9:15 tối 28-4-1975: Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ là người có lời nói sau cùng về các quyết định lớn. Tôi luôn luôn thấy tính nhân đạo là nền tảng của mọi phán đoán mà Tổng thống Ford đã đưa ra. Vào buổi tối hôm nay, ông đã đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Trong ảnh này, ông đang suy ngẫm về những hậu quả có thể xảy ra, trong khi người vợ của ông, đệ nhất phu nhân Betty Ford, đang ngồi bên cạnh. Thật buồn khi nhìn thấy con người đáng kính này phải đưa ra một quyết định khó khăn – nhưng cần thiết – như thế.

 

{keywords}
10:28 tối ngày 28-4-1975: Tin tức nhanh chóng được chuyển tới mà không ai muốn nghe – Henry Kissinger báo cáo rằng các đường băng tại Tân Sơn Nhất không thể sử dụng cho cuộc di tản. Tệ hơn nữa, dân chúng vượt ra ngoài sự kiểm soát và tràn ngập các đường bay. Giờ đây bất kỳ máy bay gắn cánh cố định nào cũng không thể đáp xuống nữa. Đó là lúc để xét đến Giải pháp 3, được đặt ám hiệu là Chiến dich Cơn Gió Thường Xuyên (Operation Frequent Wind). Thời điểm cho cuộc di tản cuối cùng của Sài Gòn bằng máy bay trực thăng đã kề cận.

 

{keywords}
10:33 tối ngày 28-4-1975: Nước Mỹ đã thua trận tại Việt Nam. Gánh nặng của thực tế đó được thể hiện rõ ràng khi Tổng thống Ford nói chuyện với Schlesinger và ra lệnh thi hành Chiến dịch Cơn Gió Thường Xuyên, cuộc di tản cuối cùng những người Mỹ ra khỏi Việt Nam.  Bà Betty Ford và tôi là những người khác duy nhất trong phòng với Tổng thống khi ông thực hiện cuộc gọi sau cùng này, và mặc dù ông không có lựa chọn nào khác, đó là một quyết định khó khăn cho ông.

 

{keywords}
11:22 tối ngày 28-4-1975: Tôi dành phần còn lại của buổi tối để theo dõi các tham dự viên giám sát các khía cạnh trọng yếu của cuộc di tản cuối cùng. Tướng Scowcroft có mặt tại trung tâm kiểm soát, và mọi tin tức đều qua ông rồi được chuyển cho Kissinger và các viên chức khác tại Nhà Trắng lên trực tiếp Tổng thống. Điều tôi nhận thấy rõ hơn bất kỳ điều gì khác là sự bất lực sau khi quyết định được đưa ra – họ không thể làm gì hơn nữa, giờ đây mọi việc tùy thuộc vào các quân nhân tại hiện trường.

 

{keywords}
11:22 tối ngày 28-4-1975: Chánh Văn phòng Nhà Trắng Donald Rumsfeld theo dõi tình hình biến chuyển mau lẹ. Ít tháng sau, ông sẽ trở thành Bộ trưởng quốc phòng của ông Ford, vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất chưa từng có của quốc gia, và rồi, 25 năm sau, là Bộ trưởng quốc phòng của Tổng thống George W. Bush, trở thành vị Bộ trưởng quốc phòng lớn tuổi nhất của quốc gia.

 

{keywords}
11:34 sáng ngày 29-4-1975: Trước khi có phiên họp với các lãnh đạo hai Đảng tại Phòng họp Nội Các, Tổng thống đã ngồi xuống nói chuyện với Thượng nghị sĩ Robert Byrd, tiểu bang West Virginia. Phiên họp nhằm trả lời các câu hỏi về cuộc di tản và giải quyết các vấn đề cấp ngân sách mà Tổng thống yêu cầu để trợ giúp dân tỵ nạn. Tổng Thống đã nói với họ rằng có hơn 45.000 người Việt Nam có mức rủi ro cao đã được đưa ra ngoài nước trong ít ngày qua. Kissinger nói với các lãnh đạo quốc hội rằng ông ước lượng 90% của nhóm đó sẽ đến Hoa Kỳ, nhưng các quốc gia khác cũng đã được tiếp xúc để tiếp nhận một số người.  Ông nghĩ rằng 50.000 người sẽ là con số cao nhất sẽ đến Hoa Kỳ. Một trong các dân biểu nói rằng 50.000 là tất cả số người mà quốc gia này có thể thu nhận. Kissinger nói, “Không có cách nào mà tổng số có thể vượt xa con số 50.000 người”. Ông đã hơi sai lạc trong sự ước lượng đó. Tính đến 1980, số người Việt Nam vượt thoát khỏi chế độ cộng sản tại đất nước họ đến bến bờ Hoa Kỳ là hơn 230.000 người, và dân số gốc Việt Nam ngày nay (2015) là hơn 1.250.000 người, nhóm dân sinh đẻ tại nước ngoài lớn thứ sáu tại Hoa Kỳ.

 

{keywords}
4:21 chiều ngày 29-4-1975: Tôi đã bám sát Kissinger gần hết hai ngày cuối cùng của vở kịch di tản khỏi Việt Nam. Ông đã có mặt tại nơi mà hoạt cảnh xảy ra và xem ra đã chuyển động không ngừng. Tôi chạy qua lại từ văn phòng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của ông tới Văn Phòng Bầu Dục, rồi tới phòng họp nội các và bất kỳ nơi nào mà câu chuyện dẫn dắt tôi đến. Không ngạc nhiên khi câu chuyện thường xuyên là Kissinger. Trong suốt cả ngày, Đại sứ Martin đã thỉnh cầu nhiều trực thăng hơn để di tản nhiều người Việt Nam hơn nữa, nhưng thời giờ và sự kiên nhẫn của Tổng Thống thì có hạn. Ông đã trực tiếp ra lệnh cho Đại Sứ Martin phải đưa những người Mỹ sau cùng ra ngoài – và Đại sứ phải cùng đi với họ. Kissinger đã nói đùa, một cách đáng ngưỡng mộ, “Ông Đại sứ đã mang 500 người trong số 100 người Việt Nam di tản cuối cùng ra ngoài”. Vào 4:58 chiều, giờ Washington, Martin đã trèo lên nột chiếc trực thăng và bay ra ngoài. Với ông và Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.  Kissinger nhìn nhận rằng Đại Sứ Martin “ở vào một vị thế rất khó khăn. Ông cảm thấy có một nghĩa vụ tinh thần với những người mà ông có liên hệ, và ông đã gắng sức để cứu vớt họ càng nhiều càng tốt. Đó không phải là lỗi lầm xấu xa nhất mà một người có thể phạm phải". Khi cuộc di tản gần đến hồi kết thúc (hay như tất cả chúng tôi đã nghĩ), tôi chụp được ảnh một Kissinger đầy năng lực đang vòng qua một góc nhà khi ông tiến tới Văn Phòng Bầu Dục để cập nhật tình hình lên Tổng Thống.

 

{keywords}
4:23 chiều ngày 29-4-1975: Kissinger xông vào phiên họp kinh tế của Tổng Thống để nói với Tổng Thống rằng cuộc di tản khỏi Sài Gòn gần như hoàn tất, và ông nghĩ Đại Sứ Martin sẽ sớm bay ra ngoài. Tôi luôn luôn sững sờ trước mọi sự khích động và căng thẳng bao quanh chiến dịch này, song công việc vẫn tiến hành như thường lệ tại Tòa Bạch Ốc. Lịch trình của Tổng Thống trong ngày hôm đó đã có nhiều phiên họp liên quan đến tình hình Việt Nam, nhưng cũng có nhiều phiên họp không liên hệ gì [đến Việt Nam].

 

{keywords}
5:18 chiều ngày 29-4-1975: Một bầu không khí hân hoan tràn ngập khi Kissinger báo tin vui cho ông Ford rằng cuộc di tản đã được khép lại. Đại Sứ Hoa Kỳ sau cùng đã ra đi, và đó là thời điểm để dứt bỏ. Tôi đã chụp vài ngàn bức ảnh bắt tay nhau trong cuộc đời mình và nhận thấy chúng đều có khuynh hướng rất giống nhau. Bức ảnh này trông không có gì khác biệt – Tổng thống Hoa Kỳ chúc mừng viên cố vấn an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của mình về việc giám sát cuộc di tản thành công người Mỹ và hàng chục ngàn người Việt Nam ra khỏi Việt Nam. Không may, lời chúc mừng “làm rất tốt” này lại hơi quá sớm. 

 

{keywords}
5:25 chiều ngày 29-4-1975: Kissinger và tùy tùng của ông đi bộ đến Tòa nhà Văn Phòng Hành Pháp cũ để loan báo với báo chí rằng cơn ác mộng quốc gia mới nhất của chúng ta đã đi qua sau cuộc di tản thành công và an toàn tất cả những người Mỹ muốn rời khỏi Sài Gòn.

 

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger với Thư ký Báo chí Nhà Trắng ở phía sau ông, thông báo kết thúc thành công cuộc di tản bằng trực thăng những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam tại phòng họp trong Tòa nhà Văn phòng Hành Pháp cũ tại khu phức hợp Tòa Bạch Ốc. Lời loan báo cũng hơi sớm.

 

{keywords}
6:11 chiều ngày 29-4-1975: Chưa đầy một giờ sau khi Kissinger đưa ra lời quả quyết với báo chí và phần còn lại của thế giới rằng “Tôi tin tưởng rằng mọi người Mỹ muốn ra đi đã ra đi”. Scowcroft, Phó cố vấn an ninh quốc gia, đã thả quả bom lên đầu thượng cấp của mình khi thông báo rằng 11 lính Thủy quân lục chiến vẫn còn ở lại trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Theo quyển hồi ký của Rumsfeld, Known and Unknown, “Kissinger và Schlesinger đều đổ tội cho Bộ kia phải chịu trách nhiệm về việc thông tin sai lạc. Tổng thống cảm thấy rằng Schlesinger phải chịu trách nhiệm và nói rằng ông “rất điên tiết” về sự việc đó. Rumsfeld nghĩ rằng những gì đã nói với nhân dân Mỹ trong cuộc họp báo “đơn giản không đúng sự thực.” Ông nói, “Cuộc chiến tranh này đã bị đánh dấu bởi quá nhiều lời dối trá và sự né tránh đến nỗi sẽ không đúng nếu chấm dứt cuộc chiến bằng lời nói dối sau cùng của chúng ta.” Tổng thống đồng ý.  Sau này trong cùng năm đó, ông Ford đã đưa Rumsfeld lên thay thế Schlesinger làm Bộ trưởng quốc phòng.  6:341 chiều ngày 29-4-1975: các nhân viên Hội đồng An ninh quốc gia tại văn phòng Kissinger tranh nhau nhận tin tức về những gì đang diễn ra, và về việc khi nào – và sẽ xảy ra hay không – các lính Thủy Quân Lục Chiến bị mắc kẹt sẽ được cứu ra.

 

{keywords}
6:15 chiều ngày 29-4-1975: Kissinger dạo bước quanh văn phòng chờ đợi tin tức từ Sài Gòn về số phận các lính Thủy quân lục chiến bị mắc kẹt. Căn phòng bao trùm bầu không khí lo lắng.

 

{keywords}
6:30 chiều ngày 29-4-1975: Kissinger và Scowcroft cùng xem đồng hồ khi đang chờ đợi thông tin về việc 11 lính Thủy quân lục chiến được cứu khỏi Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.  Các máy bay trực thăng đang trên đường quay lại Sài Gòn để bốc họ ra.

 

{keywords}
7:50 tối ngày 29-4-1975: Kissinger và Scowcroft, trong trang phục chính thức trước bữa quốc yến chiêu đãi Quốc vương Jordan, đang đón chờ tin tức về các lính Thủy quân lục chiến bị mắc kẹt.

 

{keywords}
8:01 tối ngày 29-4-1975: Tổng Thống Ford rời khỏi bữa tiệc tối với Quốc Vương Jordan để nhận một cuộc điện thoại tại phòng nhân viên đưa đón khách của Nhà Trắng từ Schlesinger; ông này đã báo cáo rằng các lính Thủy quân lục chiến bị bỏ lại trên nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn sau cùng đã được cứu thoát và rằng sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam giờ đây đã thực sự chấm dứt. Tổng thống cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi biết rằng mọi việc đều được an toàn và không có tổn thất nào trong cuộc di tản sau cùng.

 

{keywords}

Sau cùng, đã có lý do để ăn mừng. Kissinger phản ứng trước thông tin 11 lính Thủy quân lục chiến đã được bốc khỏi Tòa Đại sứ Hoa Kỳ an toàn và khỏe mạnh.

 

 

{keywords}
8:11 tối ngày 29-4-1975: Ít phút sau khi nhận được tin rằng các lính Thủy quân lục chiến cuối cùng đã được cứu thoát khỏi Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, và rằng lần này cuộc di tản đã thực sự kết thúc, Tổng thống Ford trở lại bữa tiệc với Quốc vương Hussein. Sự nhẹ nhõm của ông được thể hiện rõ ràng.  Đây là lúc để chúc tụng.  Tổng thống đã nâng ly rượu và nói về mối quan hệ mật thiết và quan trọng với Vương Quốc Jordan. Họ đã cụng ly, hớp một chút rượu, và mọi người vỗ tay tán thưởng. Hai tiếng “Việt Nam” không hề được nhắc tới. Sau hai ngày thực sự kéo dài lê thê, tôi đi đến quán rượu ưa thích để cụng ly rượu của chính mình với những người bạn đã cùng tường thuật về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Và để nhỏ vài giọt lệ./.

Ngô Bắc (biên dịch)