TIN BÀI KHÁC:
Hãng BBC của Anh mới đây đã đưa ra danh sách những đường băng khắc nghiệt nhất thế giới.
Đường băng bất chấp cái chết
Sân bay Tenzing-Hillary của Nepal, nằm tại thị trấn Himalaya được xây dựng cho các nhà thám hiểm và chinh phục đỉnh Everest. Đường băng dài 460m với dốc nghiêng 12%, chỉ cho phép trực thăng và máy bay cánh cố định cỡ nhỏ đáp xuống.
Phía bắc đường băng là núi non hiểm trở, phía nam là con dốc dài gần 600m. Những đặc điểm này khiến cho các phi công không được mắc bất kì sai sót nào khi điều khiển máy bay.
|
Sân bay này được đặt theo tên 2 nhà thám hiểm nổi tiếng nhất trong khu vực: Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, những người đầu tiên chinh phục được đỉnh Everest.
Đường băng dưới nước
|
Sân bay Barra ở Scotland nằm trong vịnh cạn của bãi biển Traigh Mhor trên đảo Barra. Khi thủy triều dâng cao, đường băng của sân bay bị chìm dưới nước và không thể nhìn thấy được.
Các đường băng của sân bay được bố trí thành hình tam giác và đánh dấu bằng cọc gỗ để giúp các phi công nhận diện vị trí trên bãi cát. Đây là sân bay duy nhất trên thế giới sử dụng bãi biển làm đường băng và thời gian bay phụ thuộc vào thủy triều.
Đường băng nhiệt đới trên đảo
|
Đối với các phi công, hạ cánh tại sân bay quốc tế Male của Maldive là vô cùng khó khăn. Đường băng duy nhất ở đây chỉ cao hơn 2m so với mực nước biển và chiếm toàn bộ chiều dài của đảo Hulhule.
Nếu chỉ một chút sai lầm, máy bay có thể bị lao xuống Ấn Độ Dương ngay lập tức.
Đường băng cực ngắn
|
Việc hạ cánh tại sân bay Juancho E Yrausquin, trên hòn đảo Caribbe của Saba, không dành cho những người yếu tim.
Nguyên nhân là do đường băng ở đây chỉ dài khoảng 396m, ngắn nhất thế giới (thông thường, đường băng dài khoảng 1.800m đến 2.400m), khiến các máy bay nhỏ phải nhanh chóng giảm tốc độ mới có thể hạ cánh được.
Đường băng hại thần kinh nhất
|
Sân bay Telluride Regional Colorado là sân bay thương mại cao nhất Bắc Mỹ với độ cao 2.767m so với mực nước biển. Đường băng của Telluride nằm trên cao nguyên của dãy núi Rocky, bên cạnh những ngọn đồi cao và cách sông San Miguel 300m.
Khi hạ cánh ở đường băng này, cảm giác vô cùng sợ hãi nhưng hành khách sẽ nhanh chóng cảm nhận được vẻ đẹp của núi non hùng vĩ.
Đường băng làm đứng tim
|
Sân bay Kai Tak của Hong Kong là một trong những kì quan của hàng không trong thời gian hoạt động từ năm 1925 đến 1998. Sân bay nằm ở một bến cảng và có nhiều tòa nhà cao tầng ở hai bên, đường băng tương đối ngắn cho máy bay lớn, nhất là Boeing 747.
Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, các hành khách nhìn ra cửa sổ và có thể nhìn rõ vào nhà của người dân bởi khoảng cách quá gần, do đó hành khách đã đặt biệt danh cho đường băng này là "Kai Tak đứng tim".
Phí Quý