Qua điện thoại, Hà Tây hỏi vay bố 120.000 tệ (425 triệu đồng) để mua nhà.
Người cha im lặng một lúc rồi nói, ở quê kiếm tiền không dễ, còn phải đi khám bệnh nữa. Sau đó, có lẽ thấy áy náy, ông nói, đó là một số tiền lớn, ông chỉ có thể giúp được một chút.
Hà Tây cảm thấy hơi hụt hẫng. Rõ ràng, bố không muốn đưa cho anh tiền.
Hà Tây và vợ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) mới tìm được một căn nhà cũ rộng 60m2. Hai vợ chồng đã tiết kiệm được 600.000 tệ, chỉ còn thiếu 120.000 tệ là họ có thể sở hữu nhà.
Việc người cha từ chối đưa tiền cho Hà Tây khiến nhóm chat gia đình bàn tán xôn xao. Trong đó, người bức xúc nhiều nhất là em gái của Hà Tây. Cô gọi điện thoại cho cha và nói rằng, mức lương của Hà Tây ở Thâm Quyến là 10.000 tệ/tháng (35 triệu đồng), anh ấy sẽ trả lại cho cha trong vòng chưa đầy 2 năm. “Bố phải giúp anh ấy và phải tin tưởng vào anh ấy”.
Ngày hôm sau, Hà Tây gọi điện thoại cho mẹ. Mẹ nói, bố không phải là không muốn cho anh vay tiền nhưng ông muốn anh mua nhà ở gần quê hương hơn.
Hà Tây tự nhiên thấy bối rối.
Hà Tây và bố - ông Hà Minh Vĩ vốn ít trò chuyện với nhau. Thế nhưng, khi thiếu tiền mua nhà anh vẫn bấm số của bố.
Cuộc nói chuyện hôm đó không ngoài dự đoán, hai người đều tắt máy với tâm trạng không vui. Ông Hà Minh Vĩ tức run vì thấy đứa con nào cũng nghĩ đến tiền của mình, không vắt kiệt sẽ không buông tha. Hà Tây cũng phẫn nộ. Tốt nghiệp nhiều năm như vậy, anh chưa từng xin bố một xu, cũng không yêu cầu bố phải lo cho mình chuyện kết hôn.
“Anh trai tôi kết hôn năm ngoái, anh tiêu của bố ít nhất 200.000 tệ”, Hà Tây cố nuốt giận vào lòng.
Ảnh minh họa của Sina |
Ông Hà Minh Vĩ có nửa đời đầu là một nông dân, nửa đời sau ông dành thời gian làm việc ở các công trường xây dựng. Nước da ngăm đen, dáng người gầy gò và đôi bàn tay ông đầy vết chai, sẹo. Ông luôn làm việc chăm chỉ hơn những người khác. Khi không có việc gì để làm, ông là người lo lắng hơn bất cứ ai.
Nhiều người nói với ông rằng, đừng quá lo lắng về những khó khăn trước mắt vì những đứa con tốt nghiệp đại học và nghiên cứu sinh của ông sẽ đền đáp cho ông. Nhưng ông thật không ngờ, phía sau mình chỉ là một cái hố không đáy.
Quan niệm truyền thống
Gia đình truyền thống ở Trung Quốc luôn tồn tại quan niệm cha mẹ nuôi dưỡng con cái và con cái nuôi dưỡng lại cha mẹ. Đó là mối quan hệ “hỗ trợ lẫn nhau” dưới ảnh hưởng của Nho giáo.Trong khi các gia đình ở phương Tây lại đi theo “mô hình tiếp sức”. Cha mẹ nuôi dạy con cái nhưng khi con đến tuổi trưởng thành, cộng đồng đời sống gia đình sẽ bị giải thể.
Trong vài thập kỷ qua, xã hội Trung Quốc đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, con cái trưởng thành ít sống với cha mẹ. Giới học thuật từng dự đoán, gia đình Trung Quốc sẽ hướng tới mô hình tiếp sức như phương Tây. Nhưng sau những năm 90, mọi người đã phát hiện ra rằng, không phải như vậy. Những đứa con dù đã lập gia đình vẫn cần sự giúp đỡ của bố mẹ.
Nhiều đứa con không có khả năng tự lập. Áp lực và khó khăn của chúng trước cuộc sống khiến các bậc cha mẹ dù đã già vẫn liên tục bị nhắc nhở “nhiệm vụ của bạn vẫn chưa kết thúc”.
Về việc không cho con tiền, ông Hà Minh Vĩ nói với phóng viên rằng, trong tương lai, các con sẽ không thể lo cho ông nên ông phải tự lo cho mình.
Ý nghĩ này bắt đầu từ việc, Hà Minh Vĩ cảm thấy ở tuổi 59, sức khỏe của ông đã không còn tốt như trước. Các phản ứng cơ thể của ông không còn nhanh nhạy nữa.
Mười ngày trước khi Hà Tây gọi điện, một mảnh gỗ nhỏ sắc nhọn rơi từ trên cao xuống. Ông nghĩ rằng, mình có thể né được. Nhưng rốt cuộc, mảnh gỗ nhỏ đã đập vào đỉnh đầu của ông. Máu rỉ ra trên tóc và trán ông. Lúc đó, ông bắt đầu nghĩ về cuộc sống của mình: “Nếu bị liệt hoặc liệt nửa người thì sao?”.
Trì hoãn tuổi trưởng thành
Mạnh Nhiên năm nay 26 tuổi. Anh có công việc ổn định từ khi tốt nghiệp cao đẳng và có thu nhập không tồi. Năm ngoái anh kết hôn và đã chào đón đứa con đầu lòng của mình.
Với hàng loạt các sự kiện lớn đã diễn ra như: cưới vợ, mua nhà, mua xe, Mạnh Nhiên nhẩm tính tổng chi phí lên tới 800.000 tệ (hơn 2,8 tỷ đồng). Nếu không dựa vào bố mẹ, anh không chắc mình có thể kết hôn trước tuổi 40.
Cha của Mạnh Nhiên là một công chức bình thường. Ông đã về hưu cách đây 3 năm. Mẹ anh làm quản lý ở một cửa hàng nhỏ, thu nhập chỉ đủ tiền sinh hoạt. Vậy nhưng, bố mẹ đã dành dụm cả đời cho Mạnh Nhiên và em gái ăn học. Trước ngày Mạnh Nhiên kết hôn, bố đưa cho anh tờ phiếu gửi tiết kiệm và nói: “Bố mẹ đã cho con món tiền cuối cùng của mình”. Anh chợt cảm thấy có chút áy náy.
Tay bố lúc ấy run rẩy, suýt chút nữa làm rơi tờ phiếu, Mạnh Nhiên mới sửng sốt: “Chẳng lẽ là parkinson?”. Sau đó, anh muốn đưa bố đi kiểm tra nhưng ông từ chối.
Trước đây, anh luôn cảm thấy bố là người quyền lực, vạm vỡ nhưng bây giờ khi nhìn lại, Mạnh Nhiên thấy cha đã già đi nhiều, đôi mắt trũng sâu và ánh mắt hỗn loạn. Giây phút ấy, anh mới nhận ra mình thực sự đã làm phiền bố mẹ nhiều.
Ảnh minh họa của Sina |
Nỗi cô đơn của người già
Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Tưởng Dân Phong (66 tuổi) chỉ có một điều ước duy nhất.
Ông dự định sẽ dùng số tiền tiết kiệm cuối cùng để đổi lấy một ngôi nhà mới. Ở ngôi nhà đó, ông có thể ngồi ở ban công và tận hưởng ánh nắng cả buổi sáng. Ông muốn thoát khỏi căn phòng trọ dột nát và chật chội ở Hồ Nam. Căn phòng mà mỗi khi trời mưa, ông lại phải lấy chậu hứng nước.
Vợ mất sớm, Tưởng Dân Phong đã lao động hết mình để kiếm tiền, nuôi dạy hai con thành sinh viên đại học. Hiện, cô con gái đã học xong cao học và lấy chồng xa, con trai tuy kém hơn nhưng cũng đã thành lập được công ty riêng. Sau khi con trai kết hôn, ông đưa toàn bộ số tiền mình có lúc đó để cho con mua một căn nhà mới.
Ông nghĩ, nhiệm vụ của mình với con như vậy là đã kết thúc. Đã đến lúc ông nghĩ cho bản thân mình. Nhưng nhà chưa mua được thì ông đổ bệnh. Lúc đó là cuối năm 2019. Ông Tưởng đang ở nhà thì bị cảm. Ông đã đi mua thuốc về uống. Nhưng hôm sau, bệnh tình không thuyên giảm, chân tay ông run rẩy, đầu đau, không còn sức để đứng dậy. Ông gọi điện cho các con nhưng cả hai đang ở xa nên không thể về nhà.
Chuyện hôm đó khiến ông có phần chán nản. Ông chợt nghĩ, không biết một ngày nào đó mình chết ở nhà thì có ai phát hiện ra không?
Tưởng Dân Phong không trách lũ trẻ, ông hiểu sự bất lực đằng sau hiện thực này. Mỗi người đều kiệt quệ cho cuộc sống của chính mình, ông sẽ chỉ là gánh nặng cho các con khi bản thân về già.
Vậy nên ông quyết định không mua nhà nữa mà nghe theo lời khuyên của bạn bè vào viện dưỡng lão, ít ra vào đó ông cũng có bạn, chết cũng có người ở bên cạnh. Nhưng không ngờ, sau trận dịch, viện dưỡng lão ở gần nhà ông xảy ra chuyện nên tạm thời ông không thể vào đó.
Tình trạng của ông Tưởng rất phổ biến ở các thành phố hạng ba như Hồ Nam. Nhìn thoáng qua, các công viên, quảng trường, trung tâm mua sắm và phương tiện giao thông công cộng đều chật ních người già, những người trẻ hầu hết đều là những người di cư. Ở đây, cấu trúc gia đình truyền thống “tương trợ” đã bị phá vỡ. Nhưng ở thời điểm mà xu hướng già hóa ngày càng trở nên nghiêm trọng thì ngay cả ở các thành phố lớn, tình hình có lẽ cũng không mấy lạc quan.
Hà Tây sau đó đã hiểu lý do tại sao cha anh lại yêu cầu anh về quê mua nhà. “Bởi vì bố tôi ý thức rất rõ về một thực tại phũ phàng là khi già đi ông chỉ có thể dựa vào chính mình nếu các con không ở gần bên”.
Linh Giang (Theo Sina)
Cảnh sống khó tin trong những ‘hang động xi măng’
Bên trong căn hộ xây thô, chàng thanh niên ngồi ăn mỳ gói. Một trận mưa lớn khiến phòng khách của anh ngập nước, đồ đạc nổi lềnh bềnh.