Một cuộc điều tra đặc biệt của SBS Vietnamese tiết lộ chuyện nhiều du học sinh và những di dân Việt Nam mới đến Úc bị bóc lột trong ngành phục vụ ăn uống. Một số nhân viên bị trả mức lương ít ỏi chỉ $6 một giờ.

Việc này tiết lộ vấn nạn lạm dụng sức lao động trong cộng đồng di dân người Việt, khi nhiều nạn nhân bị những người chủ đồng hương trả mức lương thấp hơn quy định bên cạnh điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Kết luận quan trọng từ cuộc điều tra của SBS Vietnamese

{keywords}

Bên trong một nhà hàng Việt ở Melbourne | Photo: Olivia Nguyen

Cuộc điều tra của SBS Vietnamese, bắt đầu bằng một camera ghi hình bí mật, đã hé lộ phần nào câu chuyện đằng sau những tô phở, chiếc gỏi cuốn hay bánh mì Việt Nam mà người Úc đang thưởng thức hàng ngày. Nhiều sinh viên Việt Nam và di dân mới đến đi làm công, đang bị bóc lột, thường bởi những người chủ đồng hươngcủa mình.

Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS cho thấy nhiều sinh viên Việt Nam bị yêu cầu làm việc trong suốt 12 tiếng đồng hồ tại nhà hàng Việt, với mức lương mỗi ngày từ $100 đến $130.

Việc hỏi lương khi đi xin việc là một vấn đề cấm kỵ trong nền văn hóa châu Á, do đó, nhiều sinh viên cho biết phải làm việc mà không biết lương của mình là bao nhiêu cho đến khi nhận được số tiền đầu tiên.

Du học sinh thường làm việc trong điều kiện vất vả, với mức lương thấp nhất mà họ chia sẻ với SBS là $6 một giờ.

Một số sinh viên chia sẻ thủ đoạn mà các chủ nhà hàng Việt áp dụng để tránh đóng thuế và qua mặt các cơ quan chức năng của chính phủ.

Lần đầu tiên, các tiểu thương người Việt lên tiếng bào chữa cho việc làm này, và chia sẻ các nhà hàng phải tìm cách thuê nhân công giá rẻ để sống còn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Fair Work Ombudsman nói rằng việc những chủ nhân di dân bóc lột chính đồng hương của mình “vô cùng nghiêm trọng”. Việc này có thể xảy ra vì thái độ “im lặng” bao trùm trong nền văn hoá Á châu, đặc biệt là khi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa là lý do khiến các công nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tố cáo hay khiếu nại.

Hiện không có một con số chính xác về số lượng sinh viên quốc tế và người di dân là nạn nhân của các vụ bóc lột khi đi làm tại Úc. Đã có nhiều lời kêu gọi chính phủ nên đưa ra các hành động thích hợp hơn.

Nhiều chủ tiểu thương là người di dân không hiểu và tuân thủ luật lao động tại Úc, bởi những thử thách về văn hóa và sự khác biệt trong hệ thống luật pháp tại Úc và Việt Nam.

Làn sóng quan ngại và khiếu nại trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Úc

{keywords}

Victoria Street Richmond - một khu vực sung túccủa cộng đồng người Việt tại Melbourne| Photo: Hung Dao

8 tháng trước, SBS Vietnamese được thông tin về một làn sóng lo âu và tức giận ngày càng gia tăng của nhiều du học sinh Việt Nam đang ở Úc khi đi làm thêm tại các nhà hàng Việt. Tranh cãi bắt đầu từ câu chuyện của một nạn nhân chia sẻ cô bị bóc lột bởi một nhà hàng Việt.

Câu chuyện này thu hút hàng trăm lượt bình luận trong một diễn dàn trên Facebook của sinh viên Việt Nam ở Úc với gần 32,000 thành viên. Nhiều du học sinh chia sẻ các kinh nghiệm buồn khổ và tiêu cực tương tự. Điều đáng chú ý là nhiều sinh viên cho biết họ chấp nhận thực tế bị bóc lột này, thay vì đi tìm giải pháp để bảo vệ bản thân.

Sinh viên quốc tế thường làm nhiều hơn số giờ quy định trong visa của họ (40 tiếng trong mỗi 2 tuần) để trang trải các chi phí cần thiết. Do đó, người chủ có thể lợi dụng điểm yếu này bằng cách đe dọa báo cáo với Bộ Di trú, ngăn cản sinh viên tố cáo việc bị chủ bắt nạt hay đòi hỏi quyền lợi chính đáng.

Nhiều du học sinh chia sẻ với SBS Vietnamese họ không nhận thức được mức lương tối thiểu ở Úc và sự hỗ trợ của Uỷ ban Công bằng tại Nơi làm việc Fair Work Ombudsman. Một số sinh viên đề nghị lập ra danh sách những nhà hàng bóc lột sinh viên để báo cho Fair Work Ombudsman.

{keywords}

Hội chợ Tết của người Việt ở Footscray, Melbourne | Photo: Daniel Le

Vấn đề này vẫn tiếp diễn hàng ngày, chưa có dấu hiệu cải thiện và có vẻ tệ hại hơn. Cách đây 2 tuần, một nhóm 5 - 7 du học sinh chia sẻ câu chuyện cũng tại diễn đàn này: Một nhà hàng Việt Nam tại South Yarra, Victora từ chối trả lương cho một nữ nhân viên vì một số lý do “buồn cười” như “lông mi của sinh viên rớt vào ổ bánh mì”. Thậm chí, người chủ còn đe dọa nếu du học sinh dám báo cáo với Fair Work Ombudsman.

Nhóm sinh viên này đã quyết định khiếu nại nhà hàng nơi họ làm việc với Fair Work Ombudsman và Consumer Affair Victoria.

Bên dưới là ảnh chụp màn hình câu chuyện các sinh viên Việt Nam chia sẻ trên diễn đàn mà SBS Vietnamese vừa nhắc tới

{keywords}

Nhiều du học sinh chia sẻ các kinh nghiệm buồn khổ và tiêu cực tương tự nhau khi đi làm thêm ở Úc.

Đoạn phim ghi hình bí mật cho thấy công nhân bị bóc lột

{keywords}

Trong vai một sinh viên Việt Nam đi xin việc có mang theo một camera bí mật, SBS Vietnamese gõ cửa nhiều nhà hàng tại miền Tây và Đông Nam Melbourne, hỏi chuyện và bí mật ghi hình các quản lý và chủ người Việt để tìm hiểu “mức giá thị trường” cho tiền lương mà du học sinh Việt Nam được trả khi làm việc ở khu vực này.

Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên mà chúng tôi đã hỏi chuyện, không ai trả mức lương trên $10 một giờ, trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của Úc là $17,70 một giờ. Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS tiết lộ nhiều nhân viên được yêu cầu phải làm việc 12 tiếng đồng hồ với mức lương từ $100 đến $130 cho một ngày làm việc.

Dễ bắt gặp nhất trong suốt quá trình đi xin việc là “trả tiền mặt” và “10 đồng một giờ”.

Một quản lý nhà hàng ở St Albans tỏ ra ngạc nhiên khi anh nghe “người xin việc” cho biết cô có mức lương $17 mỗi giờ (mức lương tối thiểu theo luậtđịnh của Úc) ở những chỗ làm khác. “17 đồng hả? 17 đồng mà lương phục vụ anh đâu trả nổi 17 đồng”.

Một chủ nhà hàng Việt ở Sunshine đòi giữ một tuần lương của nhân viên như số tiền thế chân.

“Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ”.

Rồi ông thẳng thừng từ chối nói ra mức lương. Đến khi người đi xin việc tiếp tục hỏi về tiền lương, ông nổi giận từ chối không thuê cô nữa: “Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!”.

Hỏi lương khi đi xin việc bỗng trở thành một điều gì đó... có phần kỳ lạ ở đây!

“Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ”.

“Người xin việc” SBS tiếp tục hỏi lương một chủ nhà hàng Việt khác trong khu vực thì thì nhận được phản ứng: “Trời đất ơi, vô làm thử trước đi, con thử việc cái đi đã”.

Một quản lý đại diện nhà hàng “trấn an” người xin việc khi hỏi lương “em đừng có lo, cứ làm”. Còn “chân thành” hơn, một nhân viên ở một cửa hàng khác còn nhắc khéo “người xin việc” SBS rằng: “Ở đây, đi xin việc cấm kỵ nhất là hỏi lương!”.

Khi SBS TV quay trở lại với máy quay phim và phóng viên, câu trả lời của những chủ nhà hàng này hoàn toàn thay đổi. Họ cho biết “chưa bao giờ nghe đến mức lương $10 một giờ” hay là “không chắc nữa”. Thậm chí, có chủ nhà hàng giờ đây khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc, chứ không thuê mướn nhân viên từ bên ngoài.

Đặc biệt, một chủ nhà hàng thừa nhận đang trả cho nhân viên $9 một giờ trước ống kính của SBS TV và cố giải thích cho chúng tôi hiểu vì sao chỉ trả nhân viên được mức đó.

(Còn nữa...)

(Theo Trinh Nguyen - Olivia Nguyen/ SBS)