Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Những dòng chảy vô danh của tác giả Ngô Quang.

Đời người cũng như nước, chảy qua khắp mọi nẻo đường trước khi trở về với đất. Thái đã từng nói với tôi như vậy khi cả hai mới lên mười tuổi. Bữa đó là giữa mùa gặt, trăng tròn vành vạnh in trên dòng chảy của con sông trước nhà tôi. Hai đứa trẻ nằm trên mui ghe, gió thổi rào rào qua tóc. 

Trước nhà tôi có một con sông nhỏ ngang chỉ chừng hai mét, sông chỉ dài từ đầu xóm đến cuối xóm chưa đến một cây số là đã hòa mình vào một dòng sông lớn hơn. Đó là một dòng phụ của một con sông nhỏ khác, được nạo vét theo chương trình mở rộng tưới tiêu của nhà nước. 

z5371133409951 c87a59a34be1ee3b49f4f3233ea34520.jpg
Tranh: Ngô Quang

“Mày thấy không, chỉ cần máy xúc tạo ra con đường, nước sẽ chảy đến, thế đôi bờ không phải là đường đi của nước chứ còn gì”, Thái lý sự. Tôi gật gù bảo nghĩ thế cũng đúng, nhưng nếu như thế thì trên Trái Đất này có hàng vạn con đường dành cho nước, tôi lấy cuốn sách về sông ra chỉ cho Thái: “Đây này, đây là con sông Nin, nó to và dài như thế này, đây là sông Hằng, nó sâu thế này, đây là sông Dương Tử… vậy những con sông này chính là những “đại lộ” cho nước chảy qua đúng không”.  

Thái ngồi trên ghe, thõng chân xuống, đá đá nước rồi bảo tôi: “Đâu phải con sông nào cũng có tên đâu. Tao từng đi qua rất nhiều dòng nước, nó chẳng có tên gì cả”. Tôi không tin, con sông nào mà chẳng có tên...

Nhưng quả thật, giữa chằng chịt mạng lưới sông ngòi ở Đồng bằng sông Cửu Long, có những con sông lớn ai ai cũng biết như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên… tuy nhiên, cũng có vô số những dòng chảy nhỏ xíu, hình thành như những nhánh phụ li ti của những dòng sông lớn hơn. Thái bảo phải sống trên ghe mới hiểu, năm tháng đồng hành cùng sông, sông như đất, ghe như nhà. Những nơi đi qua, Thái thuộc lòng cái mạng lưới chằng chịt đó bằng những kỷ niệm hoặc qua lời kể của gia đình. Con sông này neo lại lúc má đẻ chị Thanh, khúc sông kia là chỗ chị Hạnh rửa chén lỡ rớt mất cái nồi đất, khúc sông nọ là bữa ba đi nhậu về bước hụt chân té ùm xuống.

Nhà Thái lênh đênh sông nước, mùa gặt lại về quê tôi để cắt lúa mướn. Gia đình Thái gồm ba má, hai chị gái và Thái. Hai chị gái của Thái lúc đó tầm mười tám tuổi, hay lên nhà chơi cùng chị gái tôi. Những trưa nắng, dừa phủ bóng soi mình xuống lòng sông, tôi nằm trên mui ghe ngó lên, gió mát rượi và trời cao xanh vời vợi. Thái bảo sống trên ghe đã lắm, bầu trời nơi nào cũng là bầu trời của nhà mình. Dòng nước nào cũng là bạn, bến sông nào cũng là nhà. Tôi cột vào bến nhà tôi những miếng vải đỏ và dặn Thái, nếu đi lạc thì cứ tìm bến có miếng vải đỏ này mà về. Những miếng vải bay phấp phới như niềm vui hai đứa trẻ con.

Đó là những mùa gặt vui nhất vì tôi được má cho xuống ghe nhà Thái chơi, bình thường má không cho tôi đi xuống sông một mình. Năm dài tháng rộng, tôi cứ chờ đến mùa lúa chín, tôi để dành sách đọc cho Thái nghe. Thái không biết chữ, ghe đậu chỗ này một vài con trăng lại nhổ sào xuôi về hướng khác nên Thái không được học hành gì. Có hôm tôi theo gia đình Thái đi bán muối, ghe băng băng qua những dòng nước và dừng lại ở một đoạn ghe xuồng tấp nập neo sào họp chợ. Khoảng sông đó gọi là ngã năm, ngã bảy, người người đến bán mua, rộn rịp cả vùng. Thái móc túi ra được vài tờ tiền nhàu nhĩ đãi tôi ăn đá bào. Mặt mày đứa nào cũng ngời ngời trong nắng, niềm vui tròn trịa tuổi thơ chảy ròng ròng những giọt mồ hôi. Vì vui quá nên năm nào cũng vậy, tôi bịn rịn, mặt thằng Thái cũng buồn so khi ghe rời bến. Lời hẹn mùa lúa tới nghe sao nó xa mút chỉ cà tha. 

Có một mùa, lúa vàng trĩu bông mà ghe nhà Thái chưa thấy ghé lại. Tôi bồn chồn hỏi má tại sao, tại sao. Má bảo chắc họ có việc đến trễ đôi ngày nhưng rồi đã qua nửa mùa gặt mà bến sông vẫn trống không, đến khi cánh đồng trơ lại rơm rạ mới thấy bóng ghe nhà Thái. Tôi mừng quýnh mừng quáng, nhảy tưng tưng trên bờ, vẫy vẫy tay chờ xuồng cập bến. Bụng nghĩ nay thằng Thái sao không ra chống ghe mà để các chị chống, cũng không ra vẫy tay lại với tôi như mọi lần. 

Tôi ào xuống bến, liên tục gọi Thái ơi, ra chơi Thái ơi. Nghe tiếng gọi, tự nhiên cả nhà thằng Thái khóc nấc. Má Thái quẹt nước mắt bảo thằng Thái đã nằm lại ở một khúc sông trên đường xuôi về đây, bữa đó nó chống xuồng, chiếc vỏ lãi nhà ai chạy nhanh quá đà, nó rớt xuống sông, đầu đập vào mạn xuồng… Ba má Thái neo ghe tìm cả tháng nay nhưng vẫn không thấy xác. 

Đầu óc tôi lùng bùng, tôi cười méo xẹo bảo mọi người đừng đùa. Mãi mấy hôm sau tôi mới chấp nhận rằng Thái đã nằm lại một đáy sông nào đó, nơi những dòng chảy vô danh cuồn cuộn không ngơi. Chắc nhà Thái đau xé ruột xé gan mỗi lần đi qua khúc sông đó vì bây giờ nó được đặt tên bằng một kỷ niệm kinh hoàng, thằng Thái đã chết nơi khúc sông đó. Có lẽ vì thế mà ghe nhà họ đã không còn quay lại kể từ chuyến đó. Bến nhà tôi chờ đợi tháng năm. Nhợt nhạt thời gian. 

Sau này lớn lên, tôi theo xuồng ghe của ba đi qua nhiều con sông, kênh rạch nơi chằng chịt sông ngòi xứ đồng bằng châu thổ này, tôi mới hiểu ra lời Thái, không phải dòng sông nào cũng có một cái tên. Nhưng tôi tin, những dòng sông đó cũng chẳng buồn vì nếu lòng đã đậm đà ký ức, thì cần gì gọi một cái tên, con nước nào chẳng trôi chảy về xuôi. Và dù Thái không về bến nhà tôi nữa nhưng sông nước ngập tràn, tôi tin Thái sẽ theo đường đi của nước mà tìm về dòng cũ, mà trôi về hòa cùng biển lớn trước lúc hóa thân thành người, thành một ký ức khôn nguôi trong tôi. Tôi tin có một ngày, Thái sẽ theo dòng, trôi ngang bến sông, mảnh vải đỏ tôi vẫn cột nơi bến xưa, chỉ cần nhìn Thái sẽ biết, Thái luôn sống trong trái tim này trước khi theo dòng ra biển lớn, hòa cùng đại dương sâu thẳm, rồi Thái sẽ được đi qua những đại lộ sông Nin, sông Hằng…. Tôi tin Thái sẽ mang theo những kỷ niệm ngày đó, vun đắp cảm tình trên những chặng đường mới sẽ qua. 

Năm dài tháng rộng, dòng sông trước nhà không còn là phương tiện giao thông chính của xóm làng, xe cộ chạy tấp nập trên đường nhựa thuận tiện. Nhiều năm không được nạo vét, sông cứ cạn dần, khô hẳn nước vào mùa nắng, rác rến phủ kín lòng sông. Đôi bờ giờ đây không còn là con đường cho nước về theo dòng cũ, hàng dừa khô cằn không còn đắm mình dưới mặt nước trong. Mỗi lần về quê, ngồi dưới gốc dừa năm xưa, tôi vẫn đau đáu một dấu hỏi rằng, đôi bờ này không còn đường cho nước chảy vậy liệu còn có cách nào đưa Thái và gia đình Thái trở về bến sông ngày cũ để tôi và những gia đình mong nhớ người xưa được trọn vẹn một lần gặp gỡ, dù chỉ là một lần giữa dòng nhân gian chập chùng không tên đang chảy mãi, chảy mãi về phía vô cùng.... 

Ngô Quang

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong 324.jpg