Danh sách doanh nghiệp rút khỏi Nga ngày một dài hơn khi chính phủ các nước tiến hành các biện pháp trừng phạt với nước này, loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay đóng cửa không phận. Cùng với việc đồng rúp sụt giá mạnh, Mỹ cấm vận ngân hàng trung ương Nga, kinh doanh tại Nga trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cân nhắc rủi ro về cả uy tín lẫn tài chính, một số công ty kết luận tiếp tục làm ăn ở đây không còn an toàn.
Nhiều hãng dù đã đầu tư vào Nga hàng thập kỷ cũng tuyên bố rút lui, chẳng hạn các công ty năng lượng như Exxon, BP, Shell. Các hãng phim lớn như Disney, Warner Media thông báo ngừng phát hành phim ở nước này. Nga đang cố gắng ngăn chặn làn sóng “tháo chạy” bằng các biện pháp kiểm soát vốn mới.
Một cửa hàng re:Store tại trung tâm Moscow. re:Store là một trong những nhà bán lẻ Apple lớn nhất tại Nga. (Ảnh: CNN)
Dưới đây là danh sách các hãng công nghệ đã thông báo rời khỏi Nga trong những ngày vừa qua.
Ô tô
Ngày 1/3, Ford cho biết tạm dừng hoạt động tại Nga. Nhà sản xuất xe hơi của Mỹ sở hữu 50% cổ phần trong Ford Sollers, liên doanh đang tuyển dụng ít nhất 4.000 nhân sự cùng với công ty Sollers của Nga. Ford “đặc biệt quan ngại về tình hình tại Ukraine”, tuy nhiên, công ty không dừng hoạt động tại ba thành phố Nga (St. Petersburg, Elabuga và Naberezhnye Chelny), nơi đặt các nhà máy của mình.
General Motors (GM) nói sẽ tạm thời ngừng xuất khẩu sản phẩm sang Nga cho tới khi có thông báo tiếp theo. Thực tế, Nga không phải thị trường lớn của GM: Mỗi năm họ chỉ bán được 3.000 xe thông qua 16 đại lý ở đây, chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh số hơn 6 triệu xe trên toàn cầu.
Toyota thông báo ngừng sản xuất xe tại Nga và ngừng xuất khẩu sang nước này do gián đoạn chuỗi cung ứng. “Như mọi người khác trên thế giới, Toyota đang theo dõi diễn biến tại Ukraine với sự quan tâm lớn đến an toàn của người dân Ukraine và mong muốn hòa bình sớm trở lại”, hãng xe Nhật phát biểu.
Hàng không
Boeing dừng hỗ trợ cho các hãng hàng không Nga. Người phát ngôn công ty xác nhận tạm dừng dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, bảo trì và tạm dừng các hoạt động lớn tại Moscow, tạm thời đóng cửa văn phòng tại Kyiv. Do xung đột tiếp diễn, Boeing tập trung đảm bảo an toàn cho người lao động trong khu vực.
Airbus cũng có động thái tương tự Boeing. Không chỉ dừng hỗ trợ các hãng hàng không Nga, Airbus còn tạm dừng cung ứng bộ phận cần thiết cho nước này.
Big Tech
Apple thông báo ngừng bán sản phẩm tại Nga. Công ty “đặc biệt quan ngại” về tình hình Nga – Ukraine. Ngoài ra, nhà sản xuất iPhone hạn chế truy cập các dịch vụ kỹ thuật số như Apple Pay tại Nga, gỡ ứng dụng của truyền thông nhà nước Nga khỏi App Store toàn cầu (trừ Nga).
Hồi đầu tuần, Meta nói chặn truy cập hai hãng tin RT và Sputnik tại Liên minh Châu Âu. Công ty đưa ra động thái sau khi nhận được yêu cầu từ một số chính phủ và EU để ngăn chặn các biện pháp tiếp theo của truyền thông nhà nước Nga. Meta còn sử dụng thuật toán để ngăn nội dung của truyền thông nhà nước Nga xuất hiện nổi bật trên bảng tin người dùng.
Twitter cũng thông báo giảm sự hiện diện và chia sẻ nội dung của truyền thông Nga. Netflix từ chối phát các kênh truyền hình quốc gia Nga trong nước, điều mà luật pháp Nga yêu cầu Netflix tuân thủ từ tuần này.
Spotify cho biết đã đóng cửa văn phòng tại Nga vô thời hạn và hạn chế các chương trình do truyền thông liên quan đến nhà nước Nga sở hữu, vận hành. Dịch vụ streaming cũng gỡ tất cả nội dung từ RT và Sputnik tại châu Âu cùng các khu vực khác.
Cuối tuần trước, YouTube bắt đầu chặn các kênh truyền thông Nga tại Ukraine, bao gồm RT. Nền tảng video của Google cũng hạn chế tối đa khuyến nghị đến các kênh này. Google và YouTube không còn cho phép các hãng tin nhà nước Nga bật quảng cáo kiếm tiền.
Theo Daniel Tannebaum, một Giám đốc tại hãng tư vấn Oliver Wyman, chưa bao giờ một nền kinh tế lớn trên thế giới hứng chịu các hành động toàn diện như vậy. Ông dự đoán sẽ còn nhiều doanh nghiệp rời khỏi Nga hơn.
Du Lam (Theo CNN)