Trên "tuyến lửa" chống tội phạm ma tuý, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại. Có những người hy sinh khi tuổi đời con rất trẻ, với bao hoài bão, nhiệt huyết... Cái giá của bình yên hôm nay được các anh vun đắp bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.
VietNamNet khởi đăng tuyến bài “Những chiến sĩ hy sinh trong trận chiến chống tội phạm ma tuý” như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người ngã xuống giữa thời bình. Chúng tôi kể lại hành trình ấy bằng tất cả sự trân trọng và biết ơn.
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, chiến tranh đã lùi xa. Nhưng giữa thời bình, vẫn còn một "mặt trận" khốc liệt, nơi lực lượng công an đang ngày đêm đương đầu với hiểm nguy - cuộc chiến chống tội phạm ma túy.
Người dân, thân nhân, đồng đội đưa tiễn liệt sĩ, Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Trọng Tùng
Đêm 17/4, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), không khí căng như dây đàn. Các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh đang siết chặt vòng vây, triệt phá đường dây ma túy quy mô lớn do Nguyễn Hữu Đằng cầm đầu. Khi Đằng bị bắt quả tang cùng 16 bánh heroin, đồng bọn của y không chịu buông súng. Một cuộc truy bắt diễn ra gần trạm thu phí Đại Yên.
Giữa màn đêm tĩnh lặng, tiếng súng AK chát chúa vang lên. Nhóm tội phạm buôn ma tuý này không chỉ liều lĩnh chống trả để tẩu thoát mà còn xả đạn hòng giải cứu đồng bọn. Giữa làn đạn ấy, Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải, đã ngã xuống ở tuổi 29.
Sự hy sinh của Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng đội, là lời khẳng định đanh thép về sự khốc liệt của cuộc chiến chống tội phạm ma tuý – cuộc chiến không khoan nhượng.
Bùi Đình Khánh - đối tượng tham gia đường dây buôn bán ma tuý, xả súng khiến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải hy sinh.
Thiếu tá Khải là một trong những chiến sĩ công an đã ngã xuống trên trận lửa chống tội phạm ma tuý. Cuộc chiến chống tội phạm ma túy đã cướp đi nhiều người con ưu tú khi họ đang ở độ tuổi đẹp nhất, với bao ước mơ và nhiệt huyết cống hiến.
Năm 2020, tại Nghệ An, Đại úy Sầm Quốc Nghĩa, 29 tuổi, người dân tộc Thái, một trinh sát ma túy tinh nhuệ của Công an huyện Quế Phong, cũng vĩnh viễn ra đi. Anh là con trai duy nhất trong gia đình. Khi đối mặt với nhóm tội phạm, anh bị tấn công bằng dao. Dù trọng thương, anh vẫn kịp ra tín hiệu cho đồng đội trước khi trút hơi thở cuối cùng. Hình ảnh người vợ trẻ là cô giáo mầm non ôm con gái 3 tuổi lặng nhìn linh cữu chồng là nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Năm 2023, Đại úy Trần Trung Hiếu, 30 tuổi, cán bộ Công an xã Xuân Hồng (Hà Tĩnh), hy sinh sau nhiều ngày chống chọi với vết thương do bị đối tượng ma túy dùng kéo đâm vào cổ. Người thân, đồng đội và nhân dân đã hiến máu để nỗ lực giữ anh ở lại với cuộc đời nhưng bất thành.
Mặt trận chống tội phạm ma tuý tại miền Nam cũng đầy sóng gió. Ngày 3/3/2025, hạ sĩ Nguyễn Ngọc Minh Nhật, chiến sĩ Cảnh sát cơ động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngã xuống sau nhát dao của đối tượng khi bị kiểm tra ma túy. Anh hy sinh khi mới 24 tuổi.
Những sự ra đi đột ngột ở độ tuổi 20, 30 ấy là vết cắt sâu vào lòng người ở lại, là minh chứng cho cái giá của sự bình yên.
Xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ) từng là "thánh địa" của tội phạm ma tuý. Ảnh: GoogleMap
Nếu những hy sinh quả cảm của các chiến sỹ nêu trên cho thấy mối nguy hiểm luôn thường trực trong trấn chiến chống tội phạm ma tuý, thì các "điểm nóng" ở vùng núi Tây Bắc cho thấy một cuộc chiến với tội phạm có tổ chức và mức độ đối đầu vũ trang khốc liệt.
Lóng Luông (tỉnh Sơn La) và Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Hòa Bình) là những cái tên từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trong nhiều năm. Nằm ở địa thế hiểm trở, gần khu vực "Tam giác vàng", đây là nơi các trùm ma túy khét tiếng chọn làm sào huyệt, biến những bản làng yên bình thành "boongke" kiên cố.
Năm 2018, tại bản Tà Dê (xã Lóng Luông), lực lượng công an đã mở chiến dịch quy mô lớn, tấn công vào "sào huyệt" của 2 trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận. Chúng không chỉ xây nhà kiên cố với hầm trú ẩn, tường rào nhiều lớp mà còn lắp đặt hệ thống camera giám sát dày đặc, tích trữ lượng lớn vũ khí quân dụng (hơn 50 khẩu súng, hàng chục quả lựu đạn, gần 8.000 viên đạn), bình gas, xăng, sẵn sàng tử thủ.
Cuộc đấu súng kéo dài nhiều ngày, lực lượng chức năng phải dùng cả xe bọc thép mới có thể triệt phá hoàn toàn hang ổ tội phạm.
Trước đó, năm 2014, cũng tại Vân Hồ (Sơn La), Đại úy Lường Phát Chiêm đã hy sinh trong một trận đấu súng khốc liệt với nhóm vận chuyển gần 200 bánh heroin. Hơn 100 chiến sĩ đã bao vây, nhưng nhóm tội phạm gần 30 tên, trang bị AK và carbine, đã chống trả dữ dội khi bị phát hiện. Đại úy Chiêm ngã xuống, để lại người vợ trẻ và cậu con trai chưa đầy 2 tuổi.
Tại Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), tháng 2 năm 2010, trận đánh tiêu diệt trùm ma túy Vàng A Khua khiến 3 chiến sỹ công an hy sinh. Đại tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, người trực tiếp chỉ huy chuyên án, cùng hai đồng đội là Trung úy Sùng A Trư và Thượng úy Bùi Quốc Đại đã dũng cảm áp sát mục tiêu và bị đối tượng bắn trả quyết liệt.
Những trận đánh này cho thấy tội phạm ma túy không chỉ liều lĩnh mà còn có tổ chức, có vũ trang và sẵn sàng biến nơi ẩn náu thành "pháo đài" tử thủ, thách thức pháp luật.
Năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cả nước đã triệt phá gần 30.000 vụ, bắt giữ hơn 51.000 đối tượng, thu giữ hàng tấn ma túy cùng hàng trăm khẩu súng.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long trao Huân chương Chiến công tặng các các nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm ma túy. Ảnh: Bộ Công an
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), từ năm 1997 đến nay, đã có 29 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, quân đội và người dân hy sinh trong cuộc chiến chống “cái chết trắng”, trong đó có 23 cán bộ công an. Hơn 700 chiến sĩ khác bị thương, phơi nhiễm HIV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Dù vậy, cuộc chiến chống tội phạm ma túy không chỉ đo bằng số vụ án được phá, số ma túy bị thu giữ. Nó còn được đo bằng máu và nước mắt. Phía sau những con số là những gia đình mất đi người thân, những đứa trẻ lớn lên thiếu vắng vòng tay cha, là tiếng khóc nghẹn của những người mẹ, người vợ...Nỗi đau ấy không thể diễn tả bằng lời. Nhưng chính trong sự mất mát ấy lại nảy nở những hạt mầm của lòng quả cảm và sự tiếp nối thế hệ.
Hang Kia từng là "lãnh địa" của các trùm ma túy khét tiếng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu chuyện của gia đình liệt sĩ, Đại tá Hà Thái Yềm - Phó trưởng Công an huyện Mai Châu là một minh chứng khiến nhiều người cảm động. Ngày Đại tá Yềm hy sinh, con trai ông – Thượng tá Hà Tiến Dũng cũng là một chiến sĩ công tác tại Công an huyện Mai Châu. Nén nỗi đau, anh vững vàng viết tiếp sứ mệnh cha để lại.
Trong suốt 8 năm làm Phó trưởng công an huyện Mai Châu, Thượng tá Hà Tiến Dũng tham gia phá nhiều chuyên án ma tuý, bắt nhiều đối tượng cộm cán, giúp chuyển hoá thành công bản ma tuý Hang Kia... Hành trình của Thượng tá Dũng đi luôn khắc ghi lời cha dặn: "Hãy sống sao để không phải hổ thẹn".
Trên trận tuyến chống tội phạm ma tuý, không có hy sinh nào bị lãng quên. Sự hy sinh ấy được nhân dân khắc ghi.
24 năm từ ngày Trung uý Phạm Văn Cường nằm xuống khi tham gia vào chuyên án ma tuý quy mô lớn. Nơi anh hy sinh - km17 trên quốc lộ 279, thuộc bản Na Hai (Pom Lót, Điện Biên), Tỉnh uỷ Điện Biên, Công an tỉnh và nhân dân đã khởi công khu tưởng niệm người chiến sỹ trẻ nhiệt huyết.
Cuộc chiến chống ma túy vẫn còn đó, dai dẳng và đầy thử thách. Những đường dây mới hình thành, tội phạm còn liều lĩnh lập cả xưởng sản xuất ma tuý quy mô lớn; những thủ đoạn mới tinh vi hơn kèm theo đó là những hiểm nguy rình rập...
Nhưng nhìn vào những tấm gương đã ngã xuống, nhìn vào ý chí kiên cường của những người đang tiếp bước để tin rằng, dù gian khổ đến đâu, thì trên trận tuyến ấy luôn có những chiến sỹ với lòng quả cảm, họ dành cả tuổi xuân, gác lại hạnh phúc riêng để giữ bình yên cho nhân dân.