- Trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến bàn về Dự thảo Điều lệ trường Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hình như chỉ tập trung vào các tên gọi như “Hội đồng tự quản”, “Chủ tịch” và “Phó chủ tịch”… có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc áp dụng các danh xưng quá kêu như vậy có thể sẽ khiến các em hình thành tư tưởng tự mãn, háo danh…
Chơi bài trước giờ vào lớp. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thật ra, những ảnh hưởng của mô hình hội đồng tự quản hay chủ tịch sẽ chỉ là những ảnh hưởng trên lý thuyết vì nếu muốn đánh giá có ảnh hưởng tốt hay xấu thì cần phải sau một thời gian tương đối dài, chúng ta sẽ tiến hành làm nghiên cứu so sánh giữa các học sinh theo mô hình cũ (lớp trưởng, lớp phó…) với các em học sinh học trong các lớp theo mô hình mới (hội đồng tự quản, chủ tịch, phó chủ tịch…). Khi có kết quả so sánh đó, chúng ta mới có thể đưa ra kết luận chuẩn xác về việc liệu có sự khác biệt nào giữa hai mô hình tổ chức lớp học ở bậc tiểu học hay không. Do đó, những ý kiến lạc quan hay lo ngại về mô hình mới hiện nay đều là không chắc chắn vì không dựa trên bằng chứng có được qua nghiên cứu thực nghiệm.
Vì thế theo chúng tôi, cần chú ý nhiều hơn đến những vấn đề khác của việc tổ chức, thực hiện giáo dục tiểu học hiện nay và những điều được ghi trong Dự thảo.
Chẳng hạn Điều 23 qui định về Hội đồng trường qui định rằng hội đồng có nhiệm vụ gắn nhà trường với gia đình và xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục, nhưng trong qui định về cơ cấu của hội đồng lại không có sự hiện diện của đại diện phụ huynh học sinh mà chỉ có đại diện của các phòng ban trong trường mà thôi. Nếu muốn gắn nhà trường với gia đình và xã hội thì ít ra trong hội đồng trường phải có đại diện của phụ huynh học sinh và một đại diện khác bên ngoài nhà trường để tham gia bàn bạc nhằm định hướng hoạt động của nhà trường cách phù hợp hơn là chỉ những thành viên trong nội bộ nhà trường. Nếu nói đã có Ban đại diện Cha mẹ học sinh rồi nên không cần đại diện của cha mẹ học sinh trong hội đồng trường là không hợp lý vì ban đại diện cha mẹ học sinh trong thời gian qua chủ yếu là tham gia đóng góp vật chất cho nhà trường chứ không được tham gia và việc định hướng quá trình hoạt động, giáo dục của nhà trường. Mặt khác, nếu cho rằng việc thiết kế mô hình “Hội đồng tự quản” của học sinh nhằm nâng cao tính chủ động của các em thì trong Hội đồng trường phải có đại diện là học sinh nữa.
Điều 43 về quyền học sinh qui định học sinh được học ở một trường tại nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú. Qui định này có vẻ hợp lý nhưng lại tạo cơ hội cho việc chạy trường và tạo sự bất bình đẳng. Chẳng hạn hiện nay tại TP.HCM, có những trường tiểu học qui định học sinh phải có hộ khẩu thường trú 5 năm trở lên mới được vào trường nhưng khi công bố danh sách học sinh thì không ghi rõ số năm thường trú của các em. Nên có thể những em có hộ khẩu thường trú từ 4 năm trở xuống bị loại ra và nhường chổ học đó cho những em từ nơi khác đến, tức những em trái tuyến. Do đó cần qui định là các em thường trú tại địa phương thì được học tại trường của địa phương hay phải thường trú trong khoảng thời gian bao nhiêu năm thì mới được học nhằm tránh việc bị loại oan của các em và tạo khe hở cho chạy trường như hiện nay.
Điều 20 và 21 qui định về nhiệm vụ của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng có yêu cầu Hiệu trưởng phải tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết/tuần và Phó Hiệu trưởng là 4 tiết/tuần. Chúng tôi cho rằng điều này là không phù hợp vì ở tiểu học, giáo viên chủ nhiệm là người đảm nhận tất cả các môn học chính, do đó các vị Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng sẽ xen vào dạy cái gì và dạy như thế nào?
Điều 51 về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội nới về việc huy động mọi lực lượng và nguồn lực của cộng đồng góp phần tham gia các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường. Chúng ta đều biết lâu nay Ban đại diện cha mẹ học sinh chủ yếu được mời gọi đóng góp cho việc xây dựng cơ sở vật chất chứ không được tham gia vào các hoạt động giáo dục. Do đó cần phải qui định xem phụ huynh học sinh sẽ tham gia vào các hoạt động giáo dục như thế nào, tức phải làm rõ những cơ chế phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong các hoạt động giáo dục. Đồng thời, cần phải làm rõ xem liệu việc huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất có dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc bị bắt buộc tự nguyện như trong thời gian dài vừa qua hay không./.
Theo chúng tôi, điều lệ hoạt động trường tiểu học mới phải làm sao khắt phục được những vấn đề không hay đang tồn tại trong giáo dục tiểu học trong thời gian vừa qua như việc chạy trường, tình trạng lạm thu, vai trò của gia đình và xã hội trong quá trình tham gia vào quá trình giáo dục học sinh, chứ không phải là cải cách các danh xưng./.
- Lê Minh Tiến
Xem thêm: