Cho con đi học mầm non ở Nhật, điều khiến tôi thực sự bất ngờ là những gì bé học được ở trường mầm non ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Sau khi được nhà trường hướng dẫn chuẩn bị kĩ càng, con bắt đầu đi học trường mầm mon ở Nhật còn mẹ thì mỗi ngày lại có một bất ngờ to bự về những điều mà trường mầm non ở Nhật đã dạy cho lũ trẻ.
Học sinh mầm non ở Nhật trong giờ tản bộ hàng ngày. (Ảnh: Internet) |
Yêu thiên nhiên và học cách thích nghi với thời tiết khắc nghiệt
Các bé mẫu giáo ở Nhật được làm quen với môi trường thiên nhiên từ rất sớm. Trong trường luôn có khu vực trồng rau để lũ trẻ học cách quan sát cây cối lớn lên như thế nào.
Đôi khi các bé được đưa ra vườn để thu hoạch rau củ, và thi thoảng đến đón con, tôi lại hoan hỉ mang về các “sản phẩm nông nghiệp” của trường cho bữa tối, khi là vài quả cà chua, khi thì dưa chuột, khi thì củ cải trắng.
Con tôi sau khi đi nhà trẻ về thì hay học được tính xấu khiến mẹ rất bực mình là tự cởi tất ra, cho dù trời rất lạnh.
Các sàn nhà ở trường đều có hệ thống sưởi vào mùa lạnh và khá trơn nên mỗi khi tới lớp, bé đều phải cởi tất để chạy chơi cho tiện. Bọn trẻ cũng được ăn mặc khá phong phanh, đây cũng là cách để gia đình và nhà trường tăng sức đề kháng cho bé.
Tuy biết điều này, nhưng tôi vẫn buồn phiền thừa nhận là tôi vẫn mặc cho con rất nhiều vì phổi của bé khá yếu, bé hay ốm khi tới lớp và thường xuyên phải nghỉ.
Các mẹ Nhật khi nghe nói điều này thì thường cười nhẹ nhàng và nói, đứa trẻ nào cũng sẽ phải trải qua giai đoạn như vậy thì mới có thể khỏe mạnh được.
Sức đề kháng của bé có vẻ cải thiện dần khi bé sang tuổi lên hai, nhưng cái làm tôi bất ngờ hơn cả là những gì bé học được ở trường mầm non ở Nhật ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Ngày hội thể thao ở trường, cha mẹ cùng tham dự với các bé. (Ảnh: Mẹ Masao) |
Mỗi ngày đi học là một ngày bận rộn
Mỗi ngày đến trường với lũ trẻ là một ngày ăm ắp các hoạt động. Chúng được tập thể dục khi mới tới lớp, được đọc sách ehon, học chơi đồ chơi theo giờ và cất gọn khi hết giờ.
Mỗi ngày, dù phong hàn gió rét, bọn trẻ đều được ra ngoài đi tản bộ. Với lũ trẻ dưới 3 tuổi, để đảm bảo an toàn, cô giáo đưa chúng lên những xe đẩy màu vàng, trông như những chú gà con trên xe đẩy rất vui mắt.
Học sinh mầm non ở Nhật trong giờ tản bộ hàng ngày. (Ảnh: Internet) |
Với trẻ trên 3 tuổi, chúng được hướng dẫn cầm vào một chiếc dây thừng và dắt đi dạo bộ theo những quãng đường ngắn từ 0,3 - 0,5km quanh khu dân cư gần nhà trẻ. Vừa được vận động, các bé sẽ vừa được các cô giáo giảng giải về môi trường sống xung quanh, từ cỏ cây tới xe cộ, nhà cửa….
Tới hè, chúng tôi phải chuẩn bị quần áo bơi và khăn tắm để mỗi ngày chúng được học làm quen với nước và tập bơi. Sau kỳ nghỉ hè, bước vào kỳ học mới, chúng lại được tập luyện rất nhiều để chuẩn bị cho kỳ đại hội thể thao hàng năm. Đây là dịp gần gũi nhất để phụ huynh cùng tham dự hoạt động với con của mình.
Giáo viên mầm non tuyệt vời
Các bé được học làm thủ công mỗi ngày, và hàng tháng đều có sản phẩm đáng yêu mang về cho cha mẹ để luyện các kỹ năng khéo tay cơ bản. Chúng còn được học làm các sản phẩm thủ công theo các lễ hội thường niên, qua đó học văn hóa truyền thống, từ lễ đuổi quỷ setsubun tới lễ hội bé gái, ngày lễ trẻ em, lễ Giáng sinh…
Các cô giáo ở Nhật có một trí sáng tạo và óc tưởng tượng rất tuyệt vời để có thể hướng dẫn những đứa trẻ nhỏ tý cũng có thể làm nên những sản phẩm đẹp đẽ. Một cô giáo mầm non ở Nhật đã được học rất nhiều thứ để có nhiều kỹ năng toàn diện đến thế. Hầu hết các cô giáo ở lớp đều có thể đánh đàn, làm thủ công, múa hát, tập thể dục, kỹ năng sư phạm và một sức khỏe bền bỉ.
Những tác phẩm tranh thủ công treo tường do cô giáo và các con cùng làm. (Ảnh: Mẹ Masao) |
Không những thế, điều khiến tôi thấy hạnh phúc hơn cả là sự chu đáo, kiên nhẫn của cô giáo dành cho con mình mỗi ngày. Bé nhà tôi tới lớp khi còn đang bập bẹ học nói, và vì tôi kiên quyết chỉ dạy tiếng Việt cho bé ở nhà nên tới nay bé đã có chút lẫn lộn ngôn ngữ.
Có một thời gian dài, bé không hiểu các chỉ dẫn cô đưa ra, và cô giáo của bé đã dành hẳn một chiều để được tôi dạy nói các chỉ dẫn bằng tiếng Việt như “lại đây”, “ngồi xuống”… để cho bé quen dần. Ơn trời tới nay bé đã hiểu các chỉ dẫn bằng cả hai thứ ngôn ngữ.
Rèn các thói quen tự lập
Các bé cũng được các cô phối hợp cùng gia đình dạy những kỹ năng cơ bản như biết tự xúc ăn, tự lau tay, tự kéo quần lên sau khi được thay bỉm, từ đó dần dần bé tập được phản xạ kéo và tự tụt quần. Bé còn học các phản xạ cởi áo khoác và cởi hoặc đi giày cũng như tự cất giày vào ô quy định của mình.
Một em bé 2 tuổi được rèn luyện kỹ năng này thường xuyên sẽ có thể tự làm các kỹ năng này với chút sự trợ giúp của mẹ cho tới khi bé 3 tuổi. Đây có lẽ là “thu hoạch” tuyệt vời nhất đối với tôi, vì cùng với sự giúp đỡ của nhà trường, em bé nhà tôi đã hình thành nên nếp sinh hoạt chỉn chu, tự giác và tự lập một cách dễ dàng.
Làm quen với âm nhạc từ sớm
Trẻ em ở Nhật còn được làm quen với âm nhạc rất sớm, chúng được học hát mỗi ngày, từ các bài đồng dao, dân ca tới nhạc trẻ em.
Tháng nào em bé nhà tôi cũng được học ba bài hát mới, điều này khiến tôi cũng phải tức tốc mua đĩa nhạc trẻ em và lên youtube tham khảo để học cùng con.
Dạo gần đây, bé hay hát bài hát Omoide no arubamu, bài hát chia tay trường mẫu giáo lên tiểu học, thường được hát trong lễ tốt nghiệp mẫu giáo. Khi lời hát vang lên là thời khắc mà rất nhiều học sinh lẫn phụ huynh đều xúc động rơi nước mắt.
Không có gì khó hiểu khi lời hát đều ghi lại những tháng năm mầm non đầy kỷ niệm, là thời gian đẹp đẽ và tuyệt vời nhất mà một trẻ em ở Nhật có được.
(Theo Mẹ Masao/Trí thức trẻ)