Hạt sen vốn được sử dụng như một vị thuốc quý có có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ kiện tỳ, kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi, kém ăn… Tuy nhiên, trong các trường hợp đầy bụng, khó tiêu, táo bón nên hạn chế dùng.
Sử dụng hạt sen đúng cách
Sen là cây thuốc quý đã được biết đến từ lâu, tất cả các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc. Trong đó, hạt sen cũng được nghiên cứu và có nhiều tác dụng khác nhau. Những năm gần đây, các nhà thực vật học đã chứng minh bằng thực nghiệm rằng trong hạt sen có chất kiềm, glucôxit thơm có tác dụng an thần. Sau khi ăn hạt sen, tuyến tụy tiết ra chất insulin làm người ta dễ ngủ hơn.
Theo tài liệu cổ thì hạt sen (liên nhục) có vị ngọt, sáp (làm cho chặt lại, kín lại), tính bình (không nóng, không lạnh), có tác dụng chữa di tinh, mộng tinh, tiêu chảy, mất ngủ, chậm tiêu, đầy bụng, ăn kém, chữa khát do sốt cao, mất nước. Hạt sen có giá trị dinh dưỡng cao 100g hạt sen có chứa 350 calo, 63-68 gam carbohydrate, 17-18gam protein, nhưng chỉ có 1,9-2,5 gam mỡ, còn lại là các thành phần khác như: nước (13%), khoáng chất (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho). Trung bình, cứ một ao-xơ hạt sen khô (28 gam) cung cấp khoảng 5 gam protein chất lượng cao, ngoài ra còn giàu chất xơ lại không chứa đường, hương vị thơm ngon hợp với sở thích của nhiều người.
BS Trịnh Xuân Trường – Bệnh viện Y học cổ truyền Nam Á, cho biết, hạt sen (còn gọi là Liên nhục, Liên tử) có vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tỳ kiện tỳ, kích thích tiêu hóa, chữa đầy hơi, kém ăn. Hạt sen không có nhiều tác dụng chữa mất ngủ. Thậm chí nếu dùng không đúng cách thì còn không mang lại hiệu quả.
Trong hạt sen gồm hai thành phần là hạt và tâm sen. Búp trong hạt sen được gọi là tâm sen mới là thành phần có tác dụng chữa mất ngủ. Đông y thường hay dùng kết hợp tâm sen và hạt sen có tác dụng kích thích tiêu hóa, kiện tỳ và chữa chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, an thần.
Nếu trong trường hợp hạt sen đã bỏ đi tâm sen thì sẽ không có tác dụng chữa mất ngủ. Khi đó, hạt sen chỉ có tác dụng kiện tỳ - kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Trong chữa mất ngủ, dùng không tâm sen cũng có tác dụng rất tốt.
Bác sĩ Trường lưu ý khi dùng hạt sen để có tác dụng chữa mất ngủ, suy nhược cơ thể và thần kinh thì ta nên kết hợp cả hạt sen và tâm sen. Nên dùng loại hạt sen được sấy khô có giữ nguyên tâm sen. Còn chỉ bị đau đầu, mất ngủ không thì khuyến cáo dùng riêng tâm sen tốt hơn dùng chung. Hạt sen có tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng trong các trường hợp đầy bụng, khó tiêu, táo bón nên hạn chế dùng.
Những tác dụng của hạt sen
1. Giúp phòng chống lão hóa
Hạt sen và củ hạt sen có chứa một loại enzyme đặc biệt có tác dụng "hàn gắn, phục hồi" protein trong cơ thể con người bị tổn thương và cuối cùng làm cho làn da luôn trẻ trung. Chính vì lợi thế này các hãng bào chế dược phẩm, mỹ phẩm hiện nay đang tìm kiếm, chiết xuất enzyme để đưa vào các sản phẩm chống lão hóa của họ.
Trong Y học cổ truyền của người Ấn Độ thường tận dụng tối đa tác dụng của hoa sen, hạt sen, lá sen để làm tăng sắc đẹp cho phụ nữ. Đặc biệt, hoa sen rất giàu axít linoclic protein, phốt pho, sắt, vitamin A và C, được dùng trong spa thư giãn hoặc tinh dầu sen được pha vào bồn nước tắm, giúp khử tế bào da già cỗi và lưu thông khí huyết.
2. Tăng cường cơ chế bài tiết melamin có tác dụng cho tóc
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học thử nghiệm phân tử của Mỹ thì tinh dầu chiết từ cánh, nhị và ngó sen có tác dụng tốt trong việc bài tiết melamin, đặc biệt là hợp chất có tên plamitic acid methyl ester, thông qua cơ chế có tên là melanogenesis, đây chính là hợp chất giúp cho tóc của con người không bị bạc, gẫy hoặc bị lão hóa sớm do thiếu melamin.
3. Có tác dụng điều trị một số bệnh
Với lợi thế về mùi vị, màu sắc và dưỡng chất nên hạt sen được con người sử dụng khá phổ biến để làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Hạt sen có tác dụng bổ dưỡng an thần, đặc biệt là dùng để chữa tiêu chảy kéo dài và bệnh suy dinh dưỡng, chữa thiếu máu...
4. Là món ăn thanh mát trong mùa hè
Từ lâu trong dân gian người ta đã chế biến hạt sen thành nhiều món ăn có giá trị bổ dưỡng cao giảm khát mùa hè như chè sen, mứt sen, chè hạt sen long nhãn, chè hạt sen đậu xanh, thịt gà hầm hạt sen, móng giò hầm hạt sen... vừa ngon miệng, hấp dẫn lại có giá trị dinh dưỡng cao mà không gây hại cho cơ thể.
5. Chữa đau đầu
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong hạt sen có chứa nhiều protid, glucid… và nhiều vitamin nhóm B, vitamin PP và vitamin C (có nhiều trong sen tươi). Do đó, hạt sen được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh đau đầu, mất ngủ (đặc biệt là đau nửa đầu).
6. Giúp trẻ thông minh hơn
Hạt sen rất giàu canxi, đạm, photpho, bà bầu nên ăn hạt sen, sẽ có tác dụng ích tâm, bổ thận, kiện tỳ, cố tinh, an thần có công dụng dưỡng tâm, ích trí, rất tốt cho sự phát triển thần kinh và trí não thai nhi. Vì thế, các mẹ nhớ ăn hạt sen trong quá trình mang bầu để các bé sinh ra khỏe mạnh và thông minh hơn.
(Theo Trí Thức Trẻ)