Dẫu còn một số tranh luận, nhưng không thể phủ nhận, Hồ Quý Ly (Lê Quý Ly: 1336 - 1407) là một nhà cải cách lớn trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Dưới bàn tay của ông, Đại Việt chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình nhà nước quý tộc sang mô hình nhà nước quan liêu, với mức độ tập trung quyền lực vào triều đình trung ương.
Công cuộc cải cách thời kỳ này có những nét tiến bộ tuy vẫn còn những sai sót nhất định.
Hồ Quý Ly là người làng Bồ Đạt, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, ông có hai người cô trong họ làm phi tần của Trần Minh Tông, một bà sinh ra Trần Nghệ Tông, một bà sinh ra Trần Duệ Tông. Đến đời vua Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly được tin dùng và được giữ các chức vụ quan trọng như: Khu mật Đại sứ (1371), Tiểu Tư không (1377), Thống chế Đô hải tây, tước Trung tuyên Hầu (1380) Đồng bình Chương sự, được vua ban cho gươm và cờ đề chữ “Văn võ toàn tài, quan thần đồng đức”. Ông còn được vua gả em gái là công chúa Huy Ninh.
Hồ Quý Ly từng được cử giữ những chức vụ cao nhất trong triều. Năm 1395 Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chết, ông được cử làm Phụ chính Thái sư, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn quyền hành trong nước.
Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), ông lên ngôi cho mình, lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu.
Ông đổi sang họ Hồ, lập nên nhà Hồ. Ông làm vua chưa được một năm, sau đó nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng hoàng cùng coi việc nước.
Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, ông đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách về nhiều mặt, thay đổi chính sách cũ, đề ra chính sách mới.
Những biện pháp này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội Đại Việt, thủ tiêu những yếu tố cát cứ của quý tộc nhà Trần, xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung vững mạnh. Những cải cách của ông tương đối toàn diện và có hệ thống nhất, bao gồm nhiều lĩnh vực từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.
Hồ Quý Ly tìm cách chấn chỉnh và tăng cường quân đội, loại bớt người yếu, bổ sung những người khỏe mạnh, kể cả các sư tăng, tăng cường quân số và các lực lượng quân sự địa phương, cho xây dựng một kinh thành mới bằng đá kiên cố ở An Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là Tây Đô thường gọi là Thành nhà Hồ. Nhà Hồ cũng chú ý cải tiến kỹ thuật quân sự. Hồ Nguyên Trừng (con trai cả Hồ Quý Ly) đã chế tạo ra những khí tài mới: súng lớn thần cơ, thuyền chiến Cổ Lâu đi biển.
Đáng chú ý, ông đã mở đường cho những người có năng lực tham gia vào những việc quốc gia đại sự, cho dù những người này không thuộc dòng dõi quý tộc.
Năm 1375, ông tham mưu cho vua Trần Duệ Tông xuống chiếu tuyển chọn tướng từ các vị quan viên biết luyện tập võ nghệ, có tài thao lược. Người ứng tuyển không nhất thiết phải thuộc dòng dõi tôn thất.
Hồ Quý Ly còn được ghi nhận là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc, cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã dịch thiên “Vô dật” trong Kinh thư ra chữ Nôm để dạy vua và hoàng tử, hậu phi, con cái nhà quan, cung nữ; soạn sách Thi nghĩa (giải thích Kinh thi) bằng chữ Nôm; làm thơ Nôm.
Ông phản đối lối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân để xét việc trước mắt. Năm Nhâm Thân (1392), ông soạn sách “Minh Đạo” gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử và những nghi vấn có căn cứ về sách “Luận ngữ”, một trong những tác phẩm kinh điển của nho giáo.
Sử liệu cho thấy, Hồ Quý Ly rất quan tâm đến việc cải cách, nâng cao tính hiệu quả và thực tiễn của giáo dục, thi cử.
Cụ thể, ông cho mở rộng hệ thống giáo dục ở địa phương, đặt các học quan, cấp học điền. Ông còn quan tâm đến việc mở thêm trường học ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông và định lại phép thi cho có quy củ.
Từ năm 1383, ông đã cho lập một thư viện trên núi Lạn Kha và dùng Trần Tôn làm viện trưởng để dạy học trò. Ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử đặt ra cấp thi hương (từ năm 1396). Ngay sau khi lên ngôi, ông mở khoa thi Hội (Thái học sinh) lấy đỗ 20 người, trong đó có Nguyễn Trãi. Quy chế và nội dung khoa cử cũng được cải tổ. Ấn định phép thi 4 trường, bỏ ám tả cổ văn thay vào kinh nghĩa.
Năm 1397, ông cho mở trường ở các châu, phủ ở vùng đất Bắc bộ, có quan giáo thụ trông coi, đôn đốc việc học. Năm 1404, Hồ Quý Ly lại đặt thêm kỳ thi viết chữ và thi toán. Phép thi cử thời Hồ được lấy làm chuẩn mực cho Đại Việt xuyên suốt mấy trăm năm sau.
Năm 1396, để trưng thu nguyên liệu đồng trong dân phục vụ cho việc đúc súng, Hồ Quý Ly lệnh cho dân đổi hết tiền đồng sang tiền giấy mang tên Thông Bảo Hội Sao. Những ai làm tiền giả hoặc còn chứa và sử dụng tiền đồng sẽ bị xử tội chết, tịch thu gia sản. Việc lưu hành tiền giấy, tuy giúp tiết kiệm nguyên liệu, là phương thức giao dịch tiến bộ. Nhưng trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa nước ta thời kỳ này chưa thực sự phát triển, tiền đồng được đảm bảo giá trị bằng vật liệu làm ra tiền. Khi đổi sang tiền giấy, tâm lý người dân cho rằng giấy là vật liệu giá trị thấp, dẫn đến hoài nghi về tiền tệ mới. Điều đó khiến cho đời sống nhân dân bị xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình với nhân dân.
Năm 1397, Hồ Quý Ly xuống lệnh định lại cơ chế các địa phương “Lộ trông coi phủ, phủ trông coi châu, châu trông coi huyện. Các việc hộ tịch, tiền thóc, ngục tụng đều làm chung thành sổ sách của một lộ, đến cuối năm báo lên sảnh để làm bằng cứ mà khảo xét”. Trách nhiệm các cấp liên đới nhau từ trên xuống dưới, việc quản lý của triều đình nhờ đó mà dễ dàng hơn.
Để hạn chế thế lực của giới quý tộc cũ, Hồ Quý Ly ban hành chính sách “hạn điền” và “hạn nô”. Các chính sách này nhắm vào giới quý tộc nhà Trần đang ngày càng thoái hóa, có xu hướng cát cứ, xây dựng những lãnh địa riêng của mình như những lãnh chúa. Tuy mang lại lợi ích cho nông dân và dẹp bỏ những nền tảng kinh tế, xã hội của triều cũ nhưng mặt trái là những chính sách này đã tác động rất lớn đến nhóm lợi ích của các tầng lớp nắm giữ tài lực, cũng là tầng lớp có uy tín, có thế lực nhất trong nước lúc đó.
Mặc dù nhiều chính sách của Hồ Quý Ly còn dang dở, nhưng những minh chứng trên cho thấy, Hồ Quý Ly là người có nhiều điểm sáng tích cực, có tầm nhìn, mạnh dạn canh tân đất nước.
Trong khoảng 35 năm nắm quyền ở triều Trần và triều Hồ, ông đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách về nhiều mặt, thay đổi chính sách cũ, đề ra chính sách mới. Những biện pháp đó nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung vững mạnh.
Diệu Bình
Ảnh: Mỹ Hòa
Video: Vũ Điệp, Hồng Kiên, Mạnh Hùng
10/11/2021 05:50 (GMT+07:00)