Ngày 19 và 20/8 tới đây, gần 1.300 ứng viên sẽ tham dự kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ trong kỳ tuyển dụng viên chức năm học 2020-2021 cho các đơn vị THPT công lập trên địa bàn TPHCM.
Đây là kỳ tuyển dụng với rất nhiều đổi mới, trong đó đáng chú ý là ứng viên được lựa chọn nơi công tác ngay từ khâu đăng ký dự tuyển.
Những hạn chế của cách làm cũ
Trường THPT Hồ Thị Vy, huyện Hóc Môn mới đi vào hoạt động từ đầu năm học 2019. Năm nay, trường đăng ký tuyển thêm 15 viên chức và nhận được 21 hồ sơ dự tuyển.
Ông Lê Thanh Tòng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết qua sàng lọc ban đầu thì 20 hồ sơ đủ điều kiện, chất lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu, và đáng nói là hầu hết ứng viên là người trên địa bàn huyện Hóc Môn và khu vực lân cận. “Một trường mới, lại ở xa trung tâm thường khó thu hút giáo viên hơn khu vực nội thành”, ông Tòng chia sẻ.
Thực tế, những năm vừa qua các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, nhất là Cần Giờ rất khó tuyển mới và giữ chân giáo viên. Nguyên nhân nằm ở cơ chế tuyển viên chức của ngành giáo dục của thành phố chưa linh hoạt.
“Ví dụ, theo đặt hàng của các trường thì tổng chỉ tiêu môn Toán cần 30 giáo viên. Chúng tôi nhận 500 hồ sơ ứng viên, qua các vòng thi sẽ chọn 30 người có kết quả cao nhất. Những người trúng tuyển sẽ nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Sở GD-ĐT.
Theo phân công nghĩa là ứng viên trúng tuyển đang cư trú ở khu vực trung tâm có thể sẽ nhận nhiệm vụ giảng dạy ở ngoại thành, xa hàng chục cây số. Vậy nên nhiều người đã từ bỏ kết quả tuyển dụng, vì các trường ngoài công lập, trường quốc tế sẵn sàng chào đón những ứng viên ưu tú này”, một cán bộ của Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ.
Nhiều điểm mới "chưa từng có"
Trước thực tế này, năm nay Phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham mưu cho Ban Giám đốc Sở thực hiện nhiều điểm mới trong công tác tuyển dụng viên chức.
Trước hết là toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển thực hiện trực tuyến. Việc này đã rút ngắn thời gian cho cả ứng viên và hội đồng tuyển dụng viên chức.
Trước đây, ứng viên mua hồ sơ dự tuyển tại Sở GD-ĐT, hoàn thiện hồ sơ có xác nhận địa phương rồi mới nộp về Sở. Cách làm cũ vừa kéo dài quy trình vừa gây ra sự quá tải cả vào thời điểm bán và nộp hồ sơ. Việc áp dụng quy trình trực tuyến không những khắc phục được hạn chế trên mà còn đảm bảo an toàn trong tình hình dịch Covid-19.
Một điểm mới chưa từng có ở các kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục TP.HCM trước đây là năm nay cho phép ứng viên lựa chọn nơi công tác ngay từ bước đăng ký dự tuyển. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng người trúng tuyển từ bỏ kết quả vì nơi công tác không như mong đợi.
Ngoài ra, dữ liệu tuyển dụng được công khai trên website của Sở GD-ĐT nên ứng viên có thể đánh giá được mức độ cạnh tranh ở từng trường.
“Cùng chỉ tiêu giáo viên môn Toán, nhưng trường A đang có 7 hồ sơ, trong khi trường B mới có 3 hồ sơ, như vậy ứng viên có thêm cơ sở cân nhắc nơi dự tuyển. Cho nên năm nay chúng tôi rất mừng là khu vực Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ thu hút khá nhiều ứng viên”, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ.
Không những đổi mới cơ chế tuyển dụng theo hướng có lợi cho ứng viên, kỳ tuyển viên chức ngành giáo dục TP.HCM năm nay lần đầu tiên cho phép hiệu trưởng các trường THPT tham gia hội đồng tuyển dụng.
“Chúng tôi trực tiếp đối chiếu hồ sơ ứng viên, tham gia hội đồng tuyển dụng ở hai vòng thi. Như vậy, hiệu trưởng không chỉ đánh giá chuyên môn mà còn thấy được tác phong của ứng viên có phù hợp với ngôi trường của mình hay không. Còn trước đây, cả ứng viên và các trường hoàn toàn bị động tiếp nhận nhân sự theo sự phân công của Sở, về giảng dạy rồi mới thấy không phù hợp với môi trường công tác”, một hiệu trưởng ở Quận 3 bày tỏ.
Với nhiều điểm mới như vậy nên hiệu trưởng các trường chia sẻ cũng rất hồi hộp trước ngày đánh giá chuyên môn ứng viên.
“Tôi cũng hồi hộp, chưa biết chất lượng nhân sự của phương án mới này ra sao, phương án nào thì hay hơn cho trường mình. Bây giờ cùng một vị trí và cùng có một chỉ tiêu, trường A có 7 hồ sơ, trường B chỉ có 1 hồ sơ. Có thể ứng viên thứ 2 ở trường A tốt hơn ứng viên duy nhất của trường B. Tôi chỉ sợ bỏ sót ứng viên có chất lượng, nên cũng trông chờ cách điều hành của Sở trong kỳ đánh giá chuyên môn ngày 19 và 20/8”, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) cho biết.
Cách tuyển dụng này khiến các trường phải nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng tầm uy tín, thương hiệu để thu hút được ứng viên có chất lượng, tuyển chọn được giáo viên giỏi.
Vòng đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ vào ngày 19 và 20/8 tới đây dự kiến được chia thành nhiều ca thi theo hội đồng tuyển dụng của từng trường và cũng để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.
Băng Tâm
Quận ở TP.HCM tuyển 21 giáo viên tiếng Anh, nhưng không có ứng viên
Tại TP.HCM, có quận cần 21 giáo viên Tiếng Anh nhưng không có ứng viên dự tuyển, có quận tuyển được 1 người nhưng sau đó cũng bỏ nhận nhiệm sở.