VietNamNet xin giới thiệu bài phân tích của Gregory B. Poling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á kiêm Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Thông cáo báo chí hôm 13/7 của ông Pompeo liệt kê các yêu sách hàng hải cụ thể của Trung Quốc ở Biển Đông bị Mỹ coi là bất hợp pháp. Sáng 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã giải thích rõ hơn những luận điểm này trong phát biểu trước Hội nghị Biển Đông thường niên của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Mỹ đang định kỳ điều các tàu chiến hải quân tới Biển Đông nhằm thực thi sứ mệnh "ủng hộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Ảnh: The National Interest |
Các chuyển biến về chính sách
Theo Gregory B. Poling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á kiêm Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, tuyên bố của ông Pompeo về cơ bản không làm thay đổi tính trung lập của Mỹ đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Washington vẫn không muốn đào sâu kiểm chứng lịch sử về việc nước nào có chủ quyền đối với các đảo, nhưng bày tỏ công khai quan điểm với những tranh chấp hàng hải về các quyền vùng nước và đáy biển.
Ngay đoạn mở đầu thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nói rõ rằng, các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu khắp Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn bất hợp pháp". Phần còn lại của văn bản giải thích cụ thể tuyên bố có nghĩa là gì.
Mỹ ngày càng kiên quyết ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, vốn được triệu tập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Cách đây 4 năm, PCA đã ra tuyên chiến thắng cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.
Quan điểm mới của Mỹ tuân theo phán quyết của PCA, lên án việc phía Trung Quốc đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ và khí đốt cũng như thực hiện các hoạt động kinh tế khác bên trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những quốc gia khác ở Biển Đông. Mỹ cũng coi việc Trung Quốc ngăn cản các nước láng giềng thực hiện những quyền đó là bất hợp pháp.
Trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Vào thời điểm đó, Washington xác nhận phán quyết của tòa PCA là ràng buộc theo UNCLOS và kêu gọi cả hai nước nói trên tuân thủ.
Mặc dù thường chỉ trích Trung Quốc vì các hoạt động đánh bắt cá, khai thác dầu khí cũng như "quấy rối các nước láng giềng" bên trong các vùng EEZ và thềm lục địa của những nước này ở Biển Đông, nhưng Chính phủ Mỹ dưới thời ông Obama và những người tiền nhiệm từng tránh cáo buộc đó là "bất hợp pháp", mà chỉ mô tả chúng "gây mất ổn định" và "khiêu khích".
Thực tế khiến ở Đông Nam Á từng có ý kiến cho rằng, Mỹ chỉ ưu tiên các quyền "tự do hàng hải" của chính nước này chứ không phải "tự do của các vùng biển", bao gồm cả các quyền kinh tế của những nước trong khu vực theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của ông Pompeo do đó đánh dấu lần đầu tiên Washington có phát biểu đanh thép, khẳng định các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm các nguyên tắc ứng xử và luật pháp quốc tế.
Tác động của chính sách mới
Là bước mở đầu trong một nỗ lực dài hạn nhằm thể hiện sự hậu thuẫn của Mỹ với các đối tác cũng như buộc Trung Quốc phải "trả giá", tuyên bố chính sách mới của Mỹ có thể tạo ra ý nghĩa lớn lao. Tác động trực tiếp nhất của sự thay đổi chính sách này sẽ ở mặt trận ngoại giao.
Cụ thể, việc kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế chống lại các hoạt động "bất hợp pháp" sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những nỗ lực chống các động thái chỉ đơn thuần mang tính quấy nhiễu hoặc gây bất ổn. Một quốc gia khao khát giành vị trí lãnh đạo toàn cầu sẽ hứng chịu tổn hại hơn nhiều khi bị buộc tội vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Giới chức Mỹ có thể sẽ bắt đầu sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn trong các tuyên bố tại các diễn đàn quốc tế, không chỉ ở Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nhóm "Bộ tứ kim cương" (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), nhóm G7 mà còn nhiều cuộc họp song phương và đa phương khác, đồng thời gây áp lực buộc các đối tác và đồng minh làm điều tương tự.
Mỹ sẽ không còn giữ im lặng trước những yêu sách, hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và điều đó có thể khiến Bắc Kinh suy giảm đáng kể uy tín trước quốc tế.
Cách tiếp cận này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, vì bất kỳ chính quyền tương lai nào đều sẽ cảm thấy khó rút lại chính sách mới như vậy. Thực tế, chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông cáo của Ngoại trưởng Pompeo, các chủ tịch và thành viên đến từ hai đảng đối lập trong hai Ủy ban đối ngoại Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều ra tuyên bố ủng hộ.
Trung Quốc cũng có thể bắt đầu phải trả giá về kinh tế vì chính sách mới của Mỹ. Bằng cách tuyên bố phần lớn các hoạt động hàng hải của Bắc Kinh là phi pháp, Washington có trong tay căn cứ để triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty và thực thể Trung Quốc đã làm những việc đó.
Điều này sẽ tạo ra nhóm đối tượng bị đưa vào "danh sách đen" lớn hơn so với đã nêu trong các luật trừng phạt Mỹ phê chuẩn trước đây. Ví dụ, các đạo luật trình lên Quốc hội Mỹ vào năm 2017 và năm 2019 có phạm vi hẹp hơn, chỉ tập trung vào việc Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Trong phát biểu tại hội nghị CSIS hôm 14/7, trợ lý Stilwell đã đặc biệt hướng sự chú ý tới vai trò của các doanh nghiệp quốc doanh trong các hoạt động hàng hải trái phép của Trung Quốc. Theo ông Stilwell, Washington đang cân nhắc có biện pháp phạt những thực thể này.
Tất nhiên, chính sách mới của Mỹ cũng sẽ dẫn đến các diễn biến tiêu cực, đặc biệt là việc làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong ngắn hạn, cũng như khiến Bắc Kinh có các phản ứng, động thái quyết đoán hơn để chứng tỏ việc không chịu lép vế hay khuất phục.
Tuy nhiên, về dài hạn, nếu chính sách này kết hợp thành công với việc gia tăng áp lực với Bắc Kinh, nó có thể giúp hướng Trung Quốc tới sự thỏa hiệp mà cộng đồng quốc tế mong muốn. Đó có thể là giải pháp tốt nhất để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình.
Tuấn Anh
Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, chiến tranh lạnh 2.0 bùng nổ?
Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã bắt đầu, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ như trước đây.
Mỹ đáp trả tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
Đã có nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và vì mục tiêu này, Bắc Kinh tiến hành tập trận, tuần tra để chống lại bất kỳ thách thức nào trong khu vực.