Hàng loạt các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc khó tránh khỏi một đợt giảm tốc kinh tế kéo dài sau 3 thập kỷ tăng trưởng với tốc độ hai con số.
Nhiều chỉ số cho thấy kinh tế TQ đang đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng trì trệ kéo dài và không dễ lấy lại được đà tăng trưởng cao như trước.
Đồng NDT của Trung Quốc liên tục mất giá. |
Lượng xấu khẩu dầu diesel của TQ trong tháng 8 đạt mức kỷ lục sau khi xuất khẩu nhôm và thép nhiều chưa từng có. Xuất khẩu diesel của TQ khi đó tăng tới 77% so với cùng kỳ lên hơn 722 ngàn tấn.
Trong năm 2016, theo dự báo của Citigroup, sản lượng thép của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể tiếp tục giảm thêm 2,6% do kinh tế giảm tốc. Trong giai đoạn 1990-2014, sản lượng thép thô của nước này liên tục tăng trưởng tới hơn 12 lần và là một thước đo cho sự phát triển của kinh tế TQ.
Sản lượng điện và tăng trưởng tín dụng cũng là các chỉ số được nhiều chuyên gia phân tích tin dùng hơn cả và được xem là một biểu hiện thấy điều gì đang thực sự diễn ra trong nền kinh tế.
Trước đó, sự sụt giảm chưa từng có của kho dự trữ ngoại hối cũng là một tín hiệu xấu đối với kinh tế TQ.
Năm 2015, TQ chứng kiến lần đầu tiên trong lịch sử dự trữ ngoại hối giảm và xuống đáy trong hơn 2 năm. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết, dự trữ ngoại hối đã giảm hơn 500 tỷ USD trong năm vừa qua xuống còn 3.330 tỷ USD.
Xuất khẩu cũng là vấn đề đáng bàn, theo AFP, trong năm 2015, lần đầu tiên kể từ 2009 xuất khẩu của nước này suy giảm. Tổng kim ngạch thương mại giảm 7% so với 2014 xuống còn khoảng 3,7 ngàn tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy, trong tương lai, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ không thể tạo ra một bước ngoặt thần kỳ như trước đây.
Năm ngoái, TQ cũng đã phải chứng kiến 1.000 tỷ USD tháo chạy khỏi nước này. Hiện tượng tháo chạy của các NĐT khiến nhiều người không khỏi liên tưởng về một tương lai không mấy sáng sủa của nền kinh tế nước này trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế xuất khẩu tốc độ cao sang mô hình ổn định hơn tập trung vào dịch vụ và tiêu dùng.
Nỗ lo giảm tốc
Có quá nhiều những nhận định khác nhau về nền kinh tế TQ. Nhiều chuyên gia cho rằng, TQ sẽ chứng kiến một cú hạ cánh cứng và rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, không có gì phải lo cho TQ, nền kinh tế nước này vừa có một bước tiến lớn. Tiêu dùng đã tăng trở lại và dịch vụ đang ngày càng đóng góp lớn hơn vào GDP… TQ còn nhiều dư địa để kích thích tài khóa nếu cần thiết…
Mặc dù vậy, sự lo ngại là phổ biến. Theo thống kê của Google, nếu như trong năm 2014, các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất về nước này là: TQ nền kinh tế lớn nhất thế giới, TQ vượt Mỹ, TQ nền kinh tế số 1 thế giới… thì các từ khóa chủ yếu trong năm 2015 là “kinh tế Trung Quốc sụp đổ”, “kinh tế Trung Quốc khủng hoảng”, "cuộc chiến tiền tệ"...
Cú sốc chứng khoán bắt đầu từ nửa cuối tháng 6/2015 khiến TTCK TQ bốc hơi gần 50%, tương đương mất 5 ngàn tỷ đồng đã khiến thế giới lao vào tìm hiểu xem vấn đề gì đang xảy ra với một huyền thoại về tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế mà chỉ trước đó vài tháng được xem là có thể vượt Mỹ để lên vị trí số 1 chỉ trong một vài năm sau đó.
Trung Quốc đối diện với khá nhiều vấn đề trong quá trình phát triển kinh tế. |
Cú lao dốc trên TTCK nhiều thời điểm đã được chặn lại. Tuy nhiên, những nỗ lực này liên tục tan thành mây khói với những cú sốc sập sàn trong những ngày đầu năm mới 2016.
Sau một thời gian hàng thập kỷ tăng trưởng nhanh, nền kinh tế TQ cần phát triển chậm lại để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có chất lượng hơn. Thay vì dựa vào đầu tư và xuất khẩu, nền kinh tế được hướng sang tiêu dùng và dịch vụ.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm hơn là điều khó chấp nhận. TQ đã liên tục bơm tiền để kích tăng trưởng kinh tế và khiến TTCK bùng nổ tăng trưởng gấp 2,5 lần trong một thời gian ngắn ngủi 1 năm tính cho đến giữa 2015.
Nỗ lực giữ tăng trưởng cao và sự mất cân bằng trong nền kinh tế là rủi ro lớn đối với thị trường tài chính TQ cũng như thế giới.
V. Minh