Việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước 6 tháng cuối năm ước tính sẽ làm giảm thu ngân sách đến 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lại được hưởng lợi.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự án Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành trong một vài ngày tới với thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm ước tính sẽ làm giảm thu ngân sách 8.000-9.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo thống kê từ 2 lần giảm lệ phí trước bạ trước đó vào năm 2020 và 2022, chính sách này góp phần kích cầu mua ô tô của người dân, giúp nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn với tổng doanh số tăng từ 15-20% so với thời gian trước và sau khi có hỗ trợ.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ gia tăng số lượng xe ô tô xuất xưởng, qua đó tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cho các địa phương trong thời gian tới.
Có 8 địa phương được hưởng lợi khi thu từ 2 sắc thuế này, là các tỉnh, thành phố có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đóng chân trên địa bàn, gồm: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.
Cụ thể: Tại Vĩnh Phúc có nhà máy của Honda và Toyota Việt Nam; Hải Dương có Ford Việt Nam; Hải Phòng có VinFast, Ninh Bình có nhà máy của Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công; Quảng Nam có nhà máy của THACO (sản xuất các dòng xe KIA, Mazda, Peugoet, BMW,...); Bình Dương có nhà máy của Mitsubishi Motors Việt Nam; TP. HCM có nhà máy của Mercedes-Benz Việt Nam.
Trước đó, từ đầu năm tới nay, UBND các tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình cùng Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) liên tục kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo hướng giảm 50% so với hiện hành, áp dụng từ 1/7.
Mức thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi
Với xe sử dụng động cơ đốt trong, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được tính theo dung tích xi lanh. Xe có động cơ dưới 1.5L chịu mức thuế 35%; loại trên 1.5-2.0 L chịu thuế 40%, trên 2.0-2.5L chịu 50%, trên 2.5-3.0L chịu 60%, trên 3.0-4.0L chịu 90%, trên 4.0-5.0L chịu 110%, trên 5.0-6.0L chịu 130% và trên 6.0L chịu 150%.
Với ô tô điện, từ ngày 01/3/2022- 28/2/2027, ô tô điện chạy pin dưới 9 chỗ ngồi được giảm từ 15% xuống mức 3%; từ 10-16 chỗ ngồi và bán tải được giảm từ 10% xuống mức 2%; từ 16-24 chỗ ngồi được giảm từ mức 5% xuống mức 1%.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Ngoài việc ế ẩm chung bởi thị trường ảm đạm, các mẫu xe nhập khẩu còn "khó chồng khó" khi Chính phủ giảm lệ phí trước bạ 50% cho riêng xe sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/7 tới.
Trong tháng 5, lượng xe sản xuất trong nước tăng không đáng kể nhưng xe nhập khẩu lại giảm mạnh so với tháng trước, kéo lượng xe mới được bổ sung cho thị trường giảm tháng thứ 2 liên tiếp.
Thời điểm trước ngày 1/7, nhiều khách hàng có nhu cầu mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã nhanh tay đặt cọc giữ xe, vừa hưởng trọn ưu đãi từ các đại lý, lại vẫn được giảm thêm 50% phí trước bạ.