Khoảng vài năm trở lại đây, khi thị trường mỹ thuật Việt Nam ít nhiều có những khởi sắc mới thì giá tranh Việt trên thị trường quốc tế với những nhà đấu giá chuyên nghiệp quốc tế như Christie’s, Sotheby’s Hong Kong, Drouot Pháp đã đạt được những mốc kỷ lục vượt xa những dự báo ban đầu.
Đa số những tác phẩm chạm đỉnh đó đều là của những họa sĩ bậc thầy thời mỹ thuật Đông Dương. Đây là điều đáng tự hào nhưng đồng thời những sự kiện này cũng giúp chúng ta nhìn lại, để nhận chân những giá trị đích thực của mỹ thuật Việt trong lịch sử.
Những bức tranh chạm đỉnh hơn triệu đô trên thị trường quốc tế
Bức tranh “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ. |
Một trong những sự kiện gây chấn động giới mỹ thuật trong nước có lẽ là cuộc bán đấu giá tại Sotheby’s Hong Kong ngày 2/4/2017 khi bức tranh Đời sống gia đình của họa sĩ Lê Phổ được gõ búa với giá 1.172.080 USD.
Được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1937-1939 cùng chất liệu mực nho, bột màu trên vải bố với kích thước 82 cm x 66 cm, bức tranh là một tác phẩm thực sự quyến rũ với hình ảnh người mẹ đang âu yếm đứa con trước hiên nhà mà hậu cảnh phía sau là những lớp không gian mở ra một khung cảnh bình yên. Có lẽ chính nét Á Đông của người mẹ mặc chiếc áo dài xanh toát ra vẻ dịu dàng này đã gây chú ý cho các nhà sưu tập. Đây cũng là phong cách, lối tạo hình đặc trưng của Lê Phổ trong hầu hết những bức tranh vẽ về phụ nữ.
Bức tranh chạm đỉnh thứ hai cũng thuộc về Lê Phổ với tác phẩm Khỏa thân được bán tại nhà đấu giá tranh Hong Kong Christie ngày 26/5/2019 với giá 1,4 triệu USD.
Khác hoàn toàn với tác phẩm vẽ chân dung người phụ nữ Á đông kể trên, tác phẩm này lại có dáng vẻ như những bức tranh vẽ Venus của châu Âu khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Điều khác biệt là cô gái nằm dài trên tấm vải như vừa tắm xong, bên cạnh là một bình hoa, tạo ra một không gian lãng mạn. Bức tranh sơn dầu này được vẽ vào năm 1931, cũng là giai đoạn ông thử nghiệm những cách tạo hình khác nhau và ít nhiều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ nghệ thuật Pháp.
Tác phẩm “khỏa thân” của Lê Phổ. |
Bức tranh thứ 3 cũng trên ngưỡng 1 triệu USD là bức tranh lụa hiếm hoi của họa sĩ Tô Ngọc Vân có tên là Tan mộng đã được bán đấu giá cũng thời điểm với bức Khỏa thân của Lê Phổ kể trên. Bức tranh này đã từng xuất hiện trong triển lãm Art du Vietnam: La fleur du pecher et l’oiseau d’azur tại Bảo tàng Hoàng Gia Bỉ năm 2002.
Bức tranh này cũng được sáng tác vào khoảng năm 1932 - thời gian ông còn học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nên có thể cách tạo hình ít nhiều ảnh hưởng từ tranh lụa Nguyễn Phan Chánh với màu nâu sồng nền nã. Nhìn vào hình ảnh và cách diễn tả tâm trạng của hai người phụ nữ (có thể là mẹ, con) trong bức tranh dường như toát lên một khung cảnh xã hội Việt thời đó và phong cách hội họa Đông Dương ít nhiều cuốn hút.
Tác phẩm “Tan mộng” của họa sĩ Tô Ngọc Vân. |
Bức tranh thứ 4 cũng đạt giá trên 1 triệu USD là bức tranh sơn mài Phong cảnh chùa Thầy của Phạm Hậu vẽ khoảng những năm 1930. Đây cũng là giai đoạn các họa sĩ Việt Nam đang nghiên cứu để hoàn thiện chất liệu sơn ta cho thể loại tranh sơn mài. Bức tranh này dường như đã ghi dấu ấn đầu tiên với các sắc nâu cánh gián và cách thức dát vàng.
Tác phẩm 'Phong cảnh chùa Thầy' của Phạm Hậu. |
Cuối cùng, phiên đấu giá gần đây nhất ngày 18/4/2021 Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ đã phá hầu hết các kỷ lục trước đó của tranh Việt với giá bán 3.1 triệu USD tại nhà đấu giá tranh Sotheby’s Hong Kong. Mức giá này theo nhận định của các chuyên gia là gấp gần 3 lần so với giá ước định ban đầu là khoảng 900.000-1.200.000 USD.
Bức tranh này cũng có thời điểm sáng tác tương đương với những tác phẩm kể trên khoảng năm 1930 và được đem trưng bày tại Paris năm 1931 trong triển lãm thuộc địa. Tác phẩm đã được bán cho một phụ nữ gốc Việt có tên là Dothi Dumonteil và bà đã giữ bức tranh này trong nhiều thập kỷ. Đây là bức tranh thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ vẫn mang phong cách hiện thực chân phương và giản dị.
Bên cạnh những tác phẩm kể trên, hàng loạt những tác phẩm của các họa sĩ Việt thời trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Lê Thị Lựu (bức Người phụ nữ và những đứa con với giá khoảng 870.000 USD); Nguyễn Phan Chánh: Em bé cho chim ăn có giá 853.921 USD, Người bán ốc có giá 600.000 USD; bức bình phong Dân làng của Nguyễn Gia Trí có giá gần 782.381 USD; đặc biệt là Lê Phổ với bức Gia đình có giá khoảng 750.000 USD, Nhìn từ đỉnh đồi được bán với giá 840.000 USD, Hai người phụ nữ ngắm bể cá vàng giá khoảng 760.000 USD...
Trong các phiên đấu giá từ năm 2014 đến năm 2019 của Sotheby’s. Christie's nếu theo dõi liên có thể thấy giá tranh Việt bắt đầu nhích dần lên từng bước một. Đa số mức bán này thường gấp vài lần so với mức dự kiến ban đầu. Và cú chạm đỉnh ở tác phẩm Chân dung cô Phượng của Mai Trung Thứ với giá 3,1 triệu USD có lẽ là một hệ quả tất yếu.
'Chân dung cô Phượng' có giá 3,1 triệu USD. |
Thấy gì từ những đỉnh mốc của giá tranh Việt?
Có thể nói sau những thành công vang đội của tranh Việt trên thị trường quốc tế như vậy cho thấy tranh Việt, đặc biệt những tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thời kỳ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã thu hút được sự chú ý của giới sưu tập tranh thế giới.
Ngoài yếu tố đó ra, những tác giả Việt có được những mức giá tranh trên thường là những người đã được biết đến ở thế giới. Đặc biệt như họa sĩ Lê Phổ, tranh của ông hầu như luôn xuất hiện trong các phiên đấu giá và lần nào cũng được trả mức giá ngất ngưởng. Tiếp đến là Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Họ đều là những họa sĩ sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã có thời gian sống và làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là Pháp. Đây không chỉ là điều kiện để họ có thể tiếp tục phát huy sở trường của mình mà còn là cơ hội để các nhà sưu tập yêu thích phong cách nghệ thuật Á Đông biết đến nhiều hơn so với những tác giả trong nước.
Một vấn đề khác khi nhìn vào những tác phẩm đạt giá trên triệu đô, về mặt nghệ thuật, đa số có cách thức tạo hình hòa quyện nhuần nhuyễn giữa thẩm mỹ phương đông và lối tạo hình phương Tây bên cạnh những chất liệu đặc trưng như sơn mài hay lụa. Đặc biệt là ở tranh Lê Phổ luôn có một nét quyến rũ của lối tranh ước lệ gợi nhiều hơn tả. Đây cũng là một dấu ấn đặc trưng của mỹ thuật Việt thời Đông Dương được thế giới công nhận.
Để kết lại bài viết này, tôi muốn đề cập đến sự kiện sau khi bức tranh Mai Trung Thứ được bán với giá chạm đỉnh, thì ở Pháp, ngày 7/7 vừa qua, đã khai mạc triển lãm 'Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ' với 140 tác phẩm của ông tại Bảo tàng Ursuline tại TP. Macon. Mặc dù triển lãm này không mấy liên quan đến sự kiện bán đấu giá kể trên nhưng rõ ràng nó cho ta thấy đã có một mối quan tâm đặc biệt của thế giới đối với mỹ thuật Việt Nam.
Và thiết nghĩ ở Việt Nam chúng ta cũng cần có những động thái tương tự để mỹ thuật Việt được biết đến nhiều hơn nữa, làm nền tảng cho những hy vọng về tranh Việt chiếm được ưu thế, đạt tới những mức giá kỷ lục trong tương lai.
Trang Thanh Hiền
Những bức tranh làm thay đổi lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Thế hệ họa sĩ đầu tiên cùng những tìm tòi sáng tạo đã vượt lên cùng những tác phẩm bất hủ ghi nhận những dấu ấn không thể phai mờ bằng những tác phẩm để đời.