Không thể phủ nhận vai trò và lợi ích của mình trong việc kết nối mọi người và cung cấp những tiếng nói phản biện, góp phần cho sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của các dịch vụ xuyên biên giới, nhiều trang mạng xã hội đang cho thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là Facebook, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng lại không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

{keywords}
Facebook có những dấu hiệu của việc phạm pháp khi đây là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng lại không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, sau một thời gian theo dõi, rà soát, Facebook hiện đang có rất nhiều sai phạm tại Việt Nam, chủ yếu trên 3 lĩnh vực lớn là quản lý nội dung thông tin, vi phạm các quy định về quảng cáo, bên cạnh đó là những vấn đề về thuế đối với các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới.

Dung túng cho các nội dung bịa đặt, xuyên tạc cá nhân, tổ chức

Facebook đã không tiến hành bóc gỡ những fanpage, tài khoản của các tổ chức được Bộ Công An liệt kê trong danh sách khủng bố, phản động. Ví dụ như Việt Tân, Con đường Việt Nam, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời và nhiều tổ chức phản động lưu vong khác.

Đây các fanpage, tài khoản thường xuyên đăng tải các tin tức vu khống, bịa đặt về tình hình Việt Nam, với mục đích chủ yếu nhằm chống phá chế độ, xúc phạm danh dự, cá nhân của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, còn có rất nhiều các tài khoản phái sinh chia sẻ lại bài viết của các trang này trên Facebook.

{keywords}
Do không được quản lý về mặt nội dung, Facebook đang trở thành công cụ để những kẻ cơ hội mượn gió bẻ măng nhằm tiến hành các chiến dịch nói xấu cá nhân, tổ chức. 

Theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), Cục đã nhiều lần gửi email, làm việc chính thức và đấu tranh với Facebook. Tuy nhiên Facebook đều dùng những lý do khác nhau để từ chối việc gỡ bỏ các tài khoản.

Cục PTTH&TTĐT đặc biệt lưu ý tới những tài khoản, fanpage được lập ra với mục đích nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, trong suốt thời gian qua, Cục đã kiên trì đấu tranh, tuy nhiên Facebook vẫn tiếp tục dung túng để cho những tài khoản này tồn tại.

Lý luận được đưa ra của Facebook là các bài đăng không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội này. Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy rằng, đây là những bài đăng với mục đích bôi nhọ, xúc phạm hình ảnh lãnh tụ Việt Nam.

{keywords}
Tại Thái Lan, từng có trường hợp người dân bị xử tù vì nói xấu hoàng gia trên Facebook. 

Trên thế giới, dù ở chế độ nào, việc bôi nhọ, xúc phạm hình ảnh lãnh tụ của một quốc gia hay một tổ chức tôn giáo luôn là những vấn đề tối kỵ.

Hồi năm 2017, Tòa án quân sự Băng Cốc đã kết án 35 năm tù giam với một người đàn ông 34 tuổi vì việc đăng tải các bài đăng xúc phạm hoàng gia Thái Lan trên Facebook. Điều tương tự cũng có thể dễ dàng nhận thấy ở các quốc gia theo Hồi giáo.

Sau khi làm việc với diện cơ quan chức năng Việt Nam, Facebook có gỡ bỏ những bài đăng này nhưng với số lượng rất hạn chế. Do vậy, có thể thấy Facebook đang có dấu hiệu thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật Việt Nam.

Quảng cáo tiền giả, quảng cáo chính trị bất hợp pháp

Một vi phạm rất rõ ràng của Facebook chính là việc cung cấp quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam.

Trong số này, có cả việc quảng cáo tiền giả, vũ khí, vật liệu cháy nổ, pháo, buôn bán người, buôn bán hàng giả, động vật hoang dã, các mặt hàng không được phép quảng cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng như rượu hay thuốc lá.

{keywords}
Các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp đang được quảng cáo nhan nhản trên Facebook mỗi ngày. Trong số đó có cả những đồng tiền giả được kẻ xấu tung ra nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam. 

Facebook cũng cho phép quảng cáo tràn lan cờ bạc và lô đề trên mạng. Mạng xã hội này cũng có vai trò quan trọng trong việc tiếp tay cho đường dây đánh bạc qua mạng của Rikvip - TipClub phát triển tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, dù vụ án đánh bạc qua mạng của Rikvip - TipClub đã được đưa ra xét xử, nhiều quảng cáo game bài khác vẫn đang xuất hiện nhan nhản trên Facebook.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là loại hình quảng cáo được thế giới biết đến với thuật ngữ “quảng cáo chính trị”. Đó cũng là lý do chính phủ Mỹ và nhiều nước Châu Âu đang đấu tranh để yêu cầu Facebook làm rõ vai trò của mình khi nhiều đối tượng lợi dụng các dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội này nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử chính trị.

Tại Việt Nam, vào những dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, xuất hiện rất nhiều quảng cáo chính trị nhắm vào một số đối tượng cụ thể, mà trực tiếp là một số cán bộ lãnh đạo nhằm tác động tới suy nghĩ, nhận thức của các cán bộ đảng viên và người dân.

Không chỉ vậy, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng ghi nhận đã có rất nhiều chiến dịch truyền thông được tổ chức một cách quy củ trên Facebook để nói xấu các tổ chức, cá nhân như Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, VFF,...

Chưa nói đến tính đúng sai của các thông tin được quảng cáo, việc sử dụng công cụ quảng cáo nhằm mục đích chính trị là một hành vi vi phạm phát luật. Không chỉ Việt Nam, chính phủ nhiều quốc gia như Mỹ và các nước Châu Âu đang tích cực lên án hành vi phạm pháp này.

Khi làm việc về vấn đề này, Facebook cho biết sẵn sàng ngăn chặn trong trường hợp nhận được thông báo của cơ quan quản lý Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện các lực lượng chức năng, đây là cách làm thiếu trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, khi cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu bóc gỡ tin bài và tài khoản vi phạm, Facebook mất rất nhiều thời gian để đáp ứng. Nguyên do của việc này là bởi Facebook sống nhờ vào quảng cáo. Do vậy, mạng xã hội này âm thầm tiếp tay cho các hoạt động quảng cáo, bất kể đó là các sản phẩm, dịch vụ vi phạm pháp luật.

Kiếm hàng trăm triệu USD, Facebook không đóng 1 đồng thuế cho Việt Nam

Facebook đang kiếm tiền nhờ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Đây là thực tế đã diễn ra từ rất nhiều năm qua, tuy nhiên cơ quan thuế vẫn đang gặp khó khăn trong việc xử lý đối với Facebook. Lý do của điều này là bởi Facebook vẫn chưa thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng -  Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế), cơ quan thuế muốn thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã thất thoát nhưng lại bị vướng về vấn đề pháp lý.

{keywords}
ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) chỉ ra các thiệt hại khi đối với Việt Nam khi Nhà nước không thu được thuế của Facebook. Ảnh: Trọng Đạt

“Việt Nam đang bị mất 2 nguồn lực thuế. Thứ nhất là những người bán hàng online trên Facebook nhưng không kê khai nộp thuế. Thứ 2 là số tiền Facebook nhận được từ các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo tại Việt Nam, thế nhưng lại không nộp thuế nhà thầu”, ông Phụng nói.

Nhìn rộng hơn, vị lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, việc thất thu thuế đồng nghĩa với nguồn lực của đất nước bị chảy ra nước ngoài và rơi vào túi Facebook.  

Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy, có rất nhiều công ty đang kinh doanh trên Internet, thế nhưng Tổng cục thuế dù biết cũng không làm gì được họ vì không có chức năng. Trong khi đó, phía các ngân hàng cũng gặp khó vì bị hạn chế bởi các điều luật liên quan tới bí mật đời tư cá nhân của người sử dụng.

Trọng Đạt