Bugi là "đầu ra" của hệ thống đánh lửa, bộ phận không thể thiếu của xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Bugi đảm nhận vai trò quan trọng là phát tia lửa điện giữa hai điện cực, giúp đốt cháy hỗn hợp không khí cùng với nhiên liệu từ chế hòa khí nạp trong buồng đốt.

Bugi oto danh lua.jpeg
Bugi tạo tia lửa điện giữa hai điện cực. Ảnh minh hoạ: Auto 365

Theo nghiên cứu, trung bình một chiếc bugi có thể phát tia lửa điện 28-110 triệu lần trong suốt vòng đời của mình. Bugi cũng là bộ phận làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhất khi liên tục phải chịu áp suất nén cao và nhiệt độ khoảng 2.500°C.

Chính vì lẽ đó, dù được làm từ những chất liệu tốt như đồng, niken, bạch kim, iridium,... nhưng khi dùng một thời gian, bugi sẽ nhanh chóng bị suy giảm chất lượng và cần được thay thế định kỳ để đảm bảo chiếc xe vận hành êm mượt.

Trao đổi với VietNamNet, kỹ sư Trần Duy Dũng - Giám đốc kỹ thuật Gara ô tô TYD Học viện Kỹ thuật Quân sự (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều chủng loại bugi khác nhau. Thông thường, bugi ô tô cần được thay thế sau khoảng 40.000-80.000 km tuỳ vào từng loại. Với loại chân kim (làm từ iridium) sẽ có tuổi thọ bền hơn gấp 2-3 lần so với chân thường. 

"Các dòng xe khác nhau phải lắp những loại bugi khác nhau. Nếu thay sai chủng loại, sai chỉ số, ví dụ như thay bugi của xe Hàn Quốc cho một số dòng xe Nhật Bản thì động cơ sẽ hoạt động không hiệu quả, thậm chí báo lỗi. Do vậy, cần tuân thủ đúng khuyến cáo từ nhà sản xuất", anh Dũng chia sẻ thêm.

W-bugi o to.jpg
Bugi làm việc với thời gian quá dài sẽ đánh lửa kém, ảnh hưởng đến công suất động cơ. Ảnh: Hoàng Hiệp

Theo vị chuyên gia này, ngoài việc thay thế bugi định kỳ, khi chiếc xe của bạn có những hiện tượng sau đây thì rất có thể hệ thống bugi đang có vấn đề và cần phải được kiểm tra, thay thế:

- Khởi động khó

Hiện tượng xe không thể khởi động hoặc khởi động khó đến từ nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân hàng đầu là do bugi gặp vấn đề như bị mòn, nhiễm bẩn, nhiễm nước, bị nứt hỏng,... dẫn đến không thể đốt cháy hỗn hợp không khí và nhiên liệu.

- Máy rung, nổ không "tròn"

Khi chiếc xe của bạn bị rung mạnh, vòng tua không ổn định khi chạy không tải, có nghĩa là có thể một (hoặc một số) máy đã hoạt động không liên tục (bỏ máy). Điều này cũng có thể đến từ hư hỏng của bugi và cần được kiểm tra ngay.

- Công suất kém, máy ì

Quá trình tăng tốc ở xe được thực hiện từ tín hiệu điều khiển của Hệ thống điều khiển động cơ (ECM), khiến bugi tạo ra tia lửa mạnh và nhanh hơn để có thể đốt cháy nhiên liệu và sinh công nhiều hơn. Vì vậy, khi bugi bị lỗi hoặc hỏng, quá trình tăng tốc sẽ gặp khó khăn (máy ì) và công suất động cơ kém.

- Hao xăng bất thường

Khi bugi kém dẫn đến quá trình đốt cháy không hiệu quả, không đốt hết nhiên liệu khiến một lượng đáng kể bị thải bỏ ra ngoài gây hao xăng bất thường và nếu đứng cạnh có thể ngửi thấy mùi xăng sống.

- Đèn Check Engine sáng

Khi bô-bin đánh lửa và bugi trục trặc dẫn đến quá trình đốt cháy không triệt để, thông qua tín hiệu từ cảm biến ECM, đèn Check Engine (đèn cá vàng) sẽ sáng. Đây chính là dấu hiệu rõ ràng nhất để người lái có thể biết rằng động cơ xe của mình đang có vấn đề với bugi.

W-IMG_6014.jpg
Nên đưa xe đến các gara uy tín để kiểm tra, vệ sinh bugi định kỳ để động cơ hoạt động tốt nhất. Ảnh: Hoàng Hiệp

Cũng theo kỹ sư Trần Duy Dũng, bugi là bộ phận không quá đắt tiền nhưng có vai trò quan trọng cho sự vận hành của chiếc xe, do vậy nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh muội than, bụi, nước,... và đừng tiếc tiền thay thế nếu chúng không đảm bảo yêu cầu. Khi thay thế bugi, cũng nên thay cả bộ, không nên thay đơn chiếc.

Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ sự bất thường nào trong quá trình vận hành của 'vợ hai', chủ xe nên đưa đến các cơ sở, gara uy tín để kiểm tra và có hướng khắc phục tốt nhất.

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy, email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!