25 năm qua (1995-2020), các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống, góp phần dệt nên “lưới An sinh xã hội” bao phủ, bảo đảm cuộc sống cho người lao động và Nhân dân...

11 năm trước - năm 2009, cả nước mới có hơn 41.000 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2019 đã có 574.000 người tham gia, bằng cả 11 năm cộng lại. Mục tiêu trong năm 2020 là cả nước có thêm 1 triệu người tham gia.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. Thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống còn khoảng 3,1% năm 2019,riêng năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp phải giãn, dừng, chấm dứt hoạt động, tỉ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng.Quan hệ lao động ngày càng hài hoà, tiến bộ; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công giảm dần qua các năm.

Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. 

Diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng từ 9,5 triệu người năm 2010 lên 14,7 triệu người năm 2018 (chiếm 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi). Số người tham gia BH thất nghiệp tăng nhanh. Thực hiện hiệu quả các chính sách BHXH, BH thất nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; mở rộng và thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đối phó với đại dịch Covid-19; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tín dụng…

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Y tế dự phòng được tăng cường, cơ bản không để dịch bệnh lớn xảy ra. Việt Nam từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao.

Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi. Số bác sĩ trên 01 vạn dân tăng từ 7,2 bác sĩ năm 2010 lên khoảng 9 bác sĩ năm 2020. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 21,9 giường năm 2010 lên 28 giường năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra (26 giường). Thay đổi căn bản về BHYT, hướng tới BHYT toàn dân; tỉ lệ bao phủ BHYT tăng nhanh từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ), thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được đánh giá là điểm sáng trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục và tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cần sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác bảo hiểm xã hội. Riêng đối với ngành bảo hiểm, thời gian tới tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, nhất là mục tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo các lộ trình đến năm 2021, năm 2025, năm 2030).

Hai là, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chủ động, tích cực cùng các cơ quan tham gia, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình thực tiễn, phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Bốn là, với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện việc số hóa tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 22-5-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử”; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội và trên trục liên thông của Chính phủ.

Sáu là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.

Bảy là, tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương khu vực và thế giới trong lĩnh vực an sinh xã hội; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện việc đàm phán và trình cấp có thẩm quyền ký kết các hiệp định và các biên bản thỏa thuận thực hiện các hiệp định về bảo hiểm xã hội với một số nước.

Lê Thuý