Mới chỉ tròn đôi mươi lúc bị địch bắt giam cầm và tra tấn dã man, những cựu tù nhân Côn Đảo có mặt tại buổi khai mạc triển lãm và ra mắt sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chiều 11/8 đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy.
16h chiều 11/8, tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội), nhiếp ảnh gia Nguyễn Á có buổi triển lãm, ra mắt hai cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại” và “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”. Lễ khai mạc có sự góp mặt của 5 cựu tù Côn Đảo (áo đỏ), trong đó 4 nữ, 1 nam. Trong ảnh, các đại biểu dành một phút mặc niệm những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược.
Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt (bên trái), Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cựu tù Võ Ái Dân và nhiếp ảnh gia Nguyễn Á (bên phải) tại gian trưng bày 50 tác phẩm nằm trong cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại”.
Nhiều vị khách đến dự buổi khai mạc đã tỏ lòng kính trọng đối với các cựu tù Côn Đảo bằng những màn chào hỏi và cái ôm thân mật. Trong ảnh, cựu tù nhân Trần Thị Trúc Chi nhận nhiều sự quan tâm của mọi người.
Các cựu tù nhớ lại những ngày trong nhà lao hơn 50 năm trước, có những khoảnh khắc nghẹn ngào, trào nước mắt không thể quên. Đặc biệt là chuyện về 4 đôi vợ chồng từng là bạn tù, bạn chiến đấu và đến giờ vẫn sống hạnh phúc bên nhau.
Các nữ cựu tù Nguyễn Thị Bé Bảy (trái), Dương Thị Bạch Cúc và Phan Thị Bé Tư (ngoài cùng bên phải). Riêng bà Tư và bà Cúc trong thời gian bị giam giữ lại không hề biết nhau, thậm chí họ mới quen kể từ lần được Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP.HCM phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức sự kiện trở lại Côn Đảo vào tháng 3 vừa qua.
Viết trong cuốn sách của Nguyễn Á, cựu tù Võ Ái Dân (trái) tâm sự, thời gian bị giam giữ tại Côn Đảo nếu may mắn bứt được bất cứ đọt cây, lá non nào mà trâu bò ăn được, thường gọi là rau tàn u (rau tù ăn) cũng đều là nguồn rau xanh quý giá để cầm cự. Hôm nay ông cũng có mặt tại đây để chia sẻ với quan khách về những gian khổ mà nhiều cựu tù Côn Đảo phải gánh chịu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Hai cựu tù Phan Thị Bé Tư và Dương Thị Bạch Cúc thân thiết tại buổi lễ. Chia sẻ với VietNamNet, bà Bé Tư cho biết, thời kỳ đó bà mới là một thiếu nữ 21 tuổi, bị địch bắt và đưa từ trại Chí Hòa (Sài Gòn) về Côn Đảo, nhốt vào buồng giam được ví là "chuồng cọp". Cô gái quê Tiền Giang lúc đó đã chịu nhiều khổ cực, bị tra tấn dã man như biệt giam tại chỗ hơn 50 ngày, bị địch đổ nước mắm với rất nhiều ớt vào mũi đến mức không thể chịu nổi.
MỘT SỐ TÁC PHẨM TRONG CUỐN SÁCH CỦA NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN Á
Một nữ du khách tham quan nhà tù Côn Đảo đã bật khóc khi nghe cựu tù Phan Thị Bé Tư kể lại việc bị địch hành hạ như thế nào trong suốt hơn 50 ngày bà bị biệt giam ở chuồng cọp. Tổng cộng bà Tư bị giam cầm khoảng 1 năm và được trả tự do sau khi Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Ngoài bức ảnh bìa về bà Bé Tư và du khách, bên trong cuốn sách ảnh "Tử tù, cựu tù Côn Đảo, ngày trở lại" của tác giả Nguyễn Á còn có 200 bức ảnh khác diễn tả hành trình theo chân các cựu tù trở lại những buồng giam năm xưa, cùng mạch hồi ức về năm tháng bị giam giữ, hành hạ khắc nghiệt nơi "địa ngục trần gian".
Trong hành trình trở lại địa danh lịch sử đó không thể thiếu sự góp mặt của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. Bà từng phải chịu cảnh tù đày 11 năm, trong đó gần 4 năm bị giam vào "chuồng cọp".
Lần đầu tiên bà bị đày ra Côn Đảo là năm 1969. Sau này, hầu như năm nào nguyên Phó Chủ tịch nước cũng trở về thăm nơi đây và viếng mộ Anh hùng Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương.
Cuốn sách của Nguyễn Á còn có bức ảnh cựu tù Hà Văn Hiền mô phỏng lại cách mà ông nằm, sinh hoạt trong tư thế bị cùm chân suốt thời gian bị giam giữ.
Cựu tù Nguyễn Trường Cồn kể lại những dấu tích hằn sâu trong ký ức của mình tại chuồng cọp Pháp. Các chuồng cọp không có mái che, được chia thành 4 dãy. Phòng không mái che này là nơi cai ngục tra tấn tù nhân bằng cách phơi nắng, phơi mưa hoặc đánh đập.
Cựu tù Trần Kim Cúc diễn giải với khách tham quan về cụm tượng mô phỏng cai ngục tra tấn tù nhân thời bà bị giam giữ tại chuồng cọp.
Tử tù Võ Văn Em bên trong căn phòng giam đặc biệt ngày trở lại, nơi ông từng bị giam giữ. Tác phẩm này gây ấn tượng nhờ cách bắt khoảnh khắc và lựa chọn ánh sáng hợp lý của Nguyễn Á.
Bức ảnh có tên "Chúng tôi đã về, đồng đội ơi" gây xúc động mạnh tại triển lãm.
Toàn cảnh nhà tù Côn Đảo nhìn từ trên cao do nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chụp được in trong cuốn sách và trưng bày tại triển lãm.
Bức ảnh có tên "Bên nhau ngày vui", mô tả ngày trở lại Côn Đảo của các cựu tù.
Anh Nguyễn Sơn Lâm (41 tuổi), một người bạn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chăm chú xem và đọc từng chữ chú thích trên mỗi tác phẩm. Giống như anh, nhiều khách tham dự buổi lễ cũng bày tỏ sự khâm phục đối với các cựu tù nhân khi nghe họ kể những năm tháng bị địch bắt giam, tra tấn dã man như thế nào và rồi họ vẫn sống sót để được có ngày trở lại Côn Đảo năm xưa.
Cũng trong buổi khai mạc triển lãm này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á còn ra mắt cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên đất lửa”, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Anh cho biết, thực hiện cuốn sách này vì muốn khám phá - chinh phục, để được hiểu thêm, biết thêm, hiểu tường tận về những người đang làm công việc rà phá bom mìn - một công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Bên cạnh đội toàn nam, phải nói đến đội toàn nữ, những phụ nữ "chân yếu tay mềm" đã làm nên những kỳ tích trong việc giữ bình yên cho vùng đất đầy bom đạn chiến tranh. Cuốn sách này được Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á thực hiện với mong muốn tôn vinh những con người quả cảm, thầm lặng trong thời bình. Nhân dịp này, 3 thành viên đại diện cho đội cũng có mặt tại buổi lễ để chia sẻ với công chúng một số điều mà nhiều người chưa biết về công việc của mình.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sẽ còn ra sách tập 2 về tử tù, cựu tù Côn Đảo
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ thực hiện cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại” với mong muốn góp tấm lòng tưởng nhớ đến những người đã mãi mãi nằm lại trong cuộc chiến nói chung; bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng - những “tượng đài sống” mà anh có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt. Họ giờ đây vẫn còn kịp nhìn ngắm và tận hưởng những tháng ngày hòa bình của đất nước. Bên cạnh đó, anh muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp: hãy biết trân quý giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước...
Trong tập 1 của quyển sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại” này, anh tiếp cận 35 cựu tù, tử tù đang sinh sống tại TP.HCM, 3 cựu tù đang sinh sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 cựu tù ở Đồng Nai. Anh hy vọng sẽ có dịp và thêm điều kiện để làm tiếp triển lãm - ra mắt sách những tập tiếp theo trong thời gian gần nhất.
Các trại giam Phú Tường, Phú Hải ở Côn Đảo được ví như những "địa ngục trần gian. Đây là hệ thống nhà tù do thực dân Pháp bí mật xây dựng để giam giữ và tra tấn những người tù chính trị trong thời kỳ kháng chiến.
Nếu bạn là người ưa thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ những vùng đất không nhiều người có điều kiện tới hay muốn thoát ly mọi ồn ào của chốn thành thị, Côn Đảo là một lựa chọn hợp lý hơn cả.
Cách trung tâm thị trấn chưa đầy 1km, nghĩa trang Hàng Dương rộng 20ha rợp bóng cây xanh là nơi đặt phần mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng khác.