Hiện nay, 3 khu đô thị lớn nhất ở phía tây hồ Tây là Ciputra, Starlake và Ngoại giao đoàn có tổng diện tích 550 ha. Trong đó Ciputra đang sở hữu nhiều đất nhất với 301 ha, sau đó là Starlake là 186 ha và Ngoại giao đoàn là 63 ha.
Các khu đô thị dù được phát triển hàng chục năm nay những nhiều diện tích vẫn bỏ hoang. Và không ít lô đất trong khu vực này đã được sang tay, chuyển qua chủ đầu tư mới.
Ciputra ồ ạt bán lại nhiều lô đất
Khởi công từ năm 2003, khu đô thị Ciputra rộng 301 ha được hợp tác cùng phát triển bởi Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và tập đoàn Ciputra (của Indonesia). Liên doanh này đã thành lập Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long để thực hiện dự án.
Dù phát triển đã 16 năm, hiện tại, khu đô thị Ciputra vẫn chưa dùng hết đất. Nhiều lô đất của dự án được chuyển nhượng cho các chủ đầu tư khác.
Điển hình là lô đất dùng làm trung tâm thương mại Ciputra Mall rộng 7,3 ha. Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến xây dựng trung tâm thương mại với khu vực bán lẻ, với 1.200 cửa hàng, 48 nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2010, dự án giậm chân tại chỗ khi mới chỉ hoàn thành xong phần móng.
Trung tâm thương mại Ciputra Mall trước kia được bán lại cho Lotte. Ảnh: Việt Linh. |
Đến giữa năm 2017, dự án Ciputra Mall được bán lại cho Tập đoàn Lotte và đổi tên thành Lotte Mall Hanoi. Chi tiết của thương vụ không được các bên tiết lộ. Tuy nhiên sau khi thương vụ diễn ra, TP. Hà Nội đã cấp phép một dự án trung tâm thương mại mới cho Lotte với tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD.
Nhiều nguồn tin cho biết Lotte sẽ đầu tư 600 triệu USD vào khu đất 7,3 ha này để hoàn thành dự án vào năm 2021. Dự án này gồm tổ hợp trung tâm thương mại, căn hộ dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí… của Lotte tại Hà Nội.
Bên cạnh chuyển nhượng cho đại gia bất động sản ngoại, doanh nghiệp địa ốc đến từ Indonesia cũng đã sang tay một số lô đất thuộc dự án cho một doanh nghiệp Việt, công ty Sunshine.
Lô đất đầu tiên chuyển từ Ciputra qua Sunshine nằm ở góc đường Võ Chí Công và cầu Nhật Tân. Trước khi qua tay chủ mới là đại gia địa ốc mới nổi để phát triển chung cư cao tầng Sunshine Riverside, lô đất đã bị bỏ hoang nhiều năm sau khi dự án khởi công. Lô đất này cũng đã được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2017, nâng quy mô dân số khống chế từ 2.109 người lên 6.693 người.
Tập đoàn Sunshine cũng mua lại một lô đất khác ở khu vực này với diện tích gần 55.000 m2. Đây chính là lô đất dính phải lùm xùm về thay đổi quy hoạch tại Ciputra và vấp phải sự phản đối của người dân. Nơi đây ban đầu được quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ... nhưng đã bị chủ đầu tư xin điều chỉnh xây nhà cao tầng, tăng thêm hơn 2.300 dân cư.
Trước sự phản đối của dân cư và để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư sau đó đã có văn bản gửi Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết đã đề xuất giữ nguyên chức năng sử dụng đất của lô này là thương mại hỗn hợp, không bổ sung chức năng đất ở.
Một lô đất của Ciputra chuyển nhượng lại cho Sunshine. Ảnh: Việt Linh. |
Theo một số nguồn tin, Vimefulland (thuộc Tập đoàn Vimedimex Group) đã mua các lô đất ký hiệu CT05, CT06 có tổng diện tích gần 60.000 m2 của Công ty Nam Thăng Long.
Một lô đất khác tại Ciputra cũng được nhượng lại cho UDIC. Theo đó, dù UDIC là một trong 2 bên liên danh thành lập Công ty Nam Thăng Long (đơn vị phát triển Ciputra), nhưng vẫn phải thỏa thuận để nhượng lại một lô đất CT04 rộng 2,7 ha. Lô đất này đang được UDIC phát triển dự án UDIC Westlake.
Daewoo “xí chỗ” cho nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc vào tây hồ Tây
Cũng chung tình cảnh nhiều đất “làm không hết” là khu đô thị Starlake được phát triển bởi Daewoo E&C của Hàn Quốc. Chủ đầu tư này đã nhận 186 ha để phát triển các dự án bất động sản cao cấp gồm biệt thự và chung cư. Tuy nhiên, đại gia bất động sản Hàn Quốc lại không tự mình phát triển các tiện ích.
Theo quảng cáo, dự án Starlake rộng 186h ha sẽ có 2 khu khách sạn 6 sao, 3 khu trường học quốc tế, một đại siêu thị, 25 tòa tháp văn phòng… Trong quy hoạch, Starlake đã “xí đất” trước các tiện ích này, sau đó mời vào các nhà đầu tư khác vào cùng.
Ngoài xin đất để làm bất động sản, Daewoo còn "xí phần" cho các nhà đầu tư Hàn Quốc khác. Ảnh: Hoàng Hà. |
Điển hình, với đại siêu thị, Daewoo E&C mời thương hiệu Emart (Hàn Quốc) vào xây dựng. Ngoài ra, tại đây cũng được quảng cáo sẽ xây dựng trung tâm thương mại CJ, một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí của Hàn Quốc.
Theo một số nguồn tin, với 25 toà tháp văn phòng hạng A và 3 khách sạn 6 sao, Daewoo E&C đang ưu tiên đàm phán và mời chào các nhà đầu tư Hàn Quốc khác. Tổng diện tích các khu đất mà Daewoo E&C “xí phần” cho các nhà đầu tư thứ cấp này chiếm khoảng 1/4 dự án (khoảng 45 ha).
Một khu đô thị khác tại phía tây hồ Tây là Ngoại giao đoàn cũng chứng kiến cảnh "bán lại" đất. Theo đó, chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã bán lại một lô đất ký hiệu là ĐMKT1 vốn dùng làm trạm biến thế cho Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ y học Việt Nam - Nhật Bản (Công ty Vija Metech JSC).
Công ty Vija Metech JSC dự định thực hiện dự án đầu tư một bệnh viện ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng và 2 tầng hầm. Đây cũng chính là lô đất vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân khi xin điều chỉnh quy hoạch “nhồi thêm bệnh viện” vào khu dân cư.
(Theo Zing)