W-nt-kieu-mau-cam-vinh-cam-xuyen-ht-9-1.jpg
Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. 

Từ những khu dân cư thông minh đầu tiên...

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu nên chính quyền địa phương xã Cẩm Bình, đầu năm 2020, thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) được chọn làm thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh của xã. 

Đây là mô hình mới nên thời gian đầu triển khai thôn đã gặp một số khó khăn, nhưng với quyết tâm thực hiện, lãnh đạo thôn cùng các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng đồng hành với thôn xây dựng khu dân cư thông minh.

Để đầu tư lắp đặt hệ thống camera, wifi..., thôn đã kêu gọi nguồn lực từ các cấp, nhân dân tài trợ hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, thôn lập ra các tổ chuyển đổi số và giao cho lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt trực tiếp đến từng nhà hướng dẫn người dân bắt nhịp. Ngoài ra, thôn tổ chức và kêu gọi các đoàn thể bắt tay tăng cường chỉnh trang khuôn viên đường làng, ngõ xóm với tiêu chí xanh, sạch đẹp... tạo điểm nhấn cho khu dân cư.

Nhờ cách làm bài bản, linh hoạt, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc quyết liệt của bà con nhân dân trong thôn chung tay xây dựng nên chỉ sau hơn 2 năm, thôn Đông Trung cơ bản đã xây dựng hoàn thiện khu dân cư thông minh, giúp người dân trong thôn tiếp cận được những tiện ích của công nghệ và không ngừng nâng cao cuộc sống. 

Đến nay, toàn thôn Đông Trung đã có trên 90% hộ dân lắp đặt và sử dụng wifi, mã QR; nhà văn hóa thôn cũng đã được kết nối wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin; 100% người dân dùng điện thoại thông minh tích hợp nhiều ứng dụng của các ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR trong giao dịch thanh toán...

Kể từ khi xây dựng khu dân cư thông minh, thôn thành lập nhóm Zalo chung để thông tin tới người dân cùng nắm rõ. Vì vậy, những chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chuyển tải đến với người dân nhanh chóng, kịp thời.

Nhờ có hệ thống camera giám sát nên tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Mọi hoạt động kết nối với các phương tiện như phát thông tin trên loa thông minh, điều khiển hệ thống điện chiếu sáng, bật camera giám sát…,  đều được thao tác và thực hiện trên điện thoại.

Tại thôn Đông Trung, các cửa hàng đều có bảng quét mã QR giúp người dân thanh toán không cần tiền mặt khi mua bán hàng hóa, người bán hàng cũng dễ dang quản lý, thu chi, không sợ thất thoát.

Công nghệ số lan toả rộng rãi nên đời sống của người dân thôn Đông Trung ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn mới nơi đây như được khoác thêm tấm áo mới, hiện đại và văn minh.

Về thôn Hoà Thịnh, xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), ai ai cũng ngạc nhiên bởi toàn thôn có 272 hộ với 924 nhân khẩu nhưng hiện nay có trên 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh, 100% hộ dân đã lắp đặt hệ thống Internet mà không để mật khẩu, tạo ra hệ thống mạng wifi miễn phí rộng lớn.

Thôn Hoà Thịnh được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2017, đến đầu năm 2023, thôn được huyện Can Lộc chọn để xây dựng thí điểm khu dân cư thông minh.

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai xây dựng khu dân cư thông minh, đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Để việc triển khai đạt kết quả, thôn đã giao các đầu việc cụ thể cho các đoàn thể, như Hội Phụ nữ tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình “5 không, 3 sạch”, “gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”; Hội Nông dân phát huy hiệu quả mô hình vườn hộ thông minh; Đoàn thanh niên hướng dẫn người dân sử dụng, cài đặt các trang thiết bị, phần mềm điện tử.... và toàn thôn tập trung nâng cấp các trục đường và gắn biển tên cho các ngõ, xóm; nâng cấp nhà văn hóa; xây dựng khu vui chơi, thể thao rộng gần 4.500 m2; lắp đặt hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng tại các khu vực cửa ngõ, ngã ba của thôn để quản lý trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Đặc biệt, thôn hiện đã lắp đặt 3 điểm wifi miễn phí, phục vụ nhu cầu truy cập internet của người dân.

Ở Hà Tĩnh, không riêng gì thôn Đông Trung hay Hoà Thịnh mà hiện nay rất nhiều thôn, xóm đều đang phấn đấu xây dựng để trở thành khu dân cư, khu đô thị thông minh.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng khu dân cư thông minh đã giúp cuộc sống của người dân trong thôn được nâng cao. Nếu trước đây, mỗi khi có công việc và thông tin cần truyền đạt tới nhân dân thì lãnh đạo thôn phải đi từng nhà nhưng kể từ khi triển khai xây dựng khu dân cư thông mình thì việc triển khai công việc trở nên nhanh chóng, chính xác và thuận lợi nhờ thiết lập hệ thống thông tin qua nhóm Zalo, loa truyền thanh thông minh… giúp các gia đình trong thôn đều nắm được thông tin và thực hiện. 

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, mô hình khu dân cư thông minh là một trong những nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đã và đang được triển khai, mang lại hiệu quả bước đầu khá tích cực và được người dân hồ hởi đón nhận. 

Mô hình này sẽ là cánh tay nối dài từ cơ sở đến các cấp quản lý trong chuyển đổi số, kinh tế số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...

Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc xây dựng các khu dân cư thông minh, xã thông minh, không chỉ hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử, nhất là bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội mà việc chuyển đổi số còn lan tỏa rộng rãi trong người dân với việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ thành thị đến nông thôn đều đã ứng dụng chuyển khoản, thanh toán thẻ, đặc biệt là thanh toán qua quét mã QR... 

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025 đề ra mục tiêu, phấn đấu đến 2025 có ít nhất 20 mô hình thôn thông minh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; phấn đấu có ít nhất 4 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).

… đến mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” đầu tiên

Mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” của tỉnh Hà Tĩnh lần đầu tiên được ra mắt ở huyện Thạch Hà gồm thị trấn Thạch Hà và 4 xã: Thạch Lạc, Thạch Long, Thạch Đài, Lưu Vĩnh Sơn.

 

W-dich-vu-cong-tt-anh-minh-hoa-1.jpg
Hiện tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh Hà Tĩnh là 72%, trong đó, hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 74,02%. 

Việc triển khai mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại cơ sở và mang lại tiện ích cho người dân trong việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử.

Tính đến thời điểm này tại Hà Tĩnh, đã có rất nhiều địa phương triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó phải kể đến huyện Cẩm Xuyên. Đây là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai chương trình chuyển đổi số ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn.

Được biết, hiện nay, 100% xã, thị trấn trên toàn huyện Cẩm Xuyên đều đã hoàn thành chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi số. Không chỉ triển khai ở cấp xã, chính quyền địa phương giao cho các tổ chức đoàn thể đến tận nhà để hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng trên điện thoại thông minh nhằm lan toả chương trình chuyển đổi số đến mọi người dân. Chính vì vậy, hiện Cẩm Xuyên là huyện lọt top đầu toàn tỉnh về thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Phát triển chính quyền số, gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính đã giúp Hà Tĩnh nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp, mang lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội, đồng thời, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025, mục tiêu đến năm 2025 đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới là, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX về chuyển đổi số được ban hành vào tháng 10/2021, trong đó tập trung đầu tư về hạ tầng, xây dựng chính quyền điện tử, nền tảng và dữ liệu số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, tỉnh Hà Tĩnh đã nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích số, tăng cường nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo thống kê cho thấy, đến nay, Hà Tĩnh đã có 500 thủ tục hành chính ở 3 cấp được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.022 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần. Hạ tầng đồng bộ cùng với công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả nên đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh là 72%, trong đó, hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 74,02%.

Để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023, mới đây, tỉnh Hà Tĩnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện. 

Theo đó, Hà Tĩnh sẽ phân bổ 6,3 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh là 278,4 triệu đồng; phân bổ cho cấp huyện 6,021 tỷ đồng. 

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV