Năm 2015 là một năm bận rộn cho các nhà báo khi tìm hiểu các hình ảnh giả mạo hoặc câu chuyện được hư cấu trên mạng truyền thông xã hội.
Theo BBC, rất nhiều bức ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội hóa ra lại không đúng sự thật.
Tấm hình ám ảnh được chia sẻ trong thời gian động đất ở Nepal
Đây là một trong những bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất trong thời gian động đất ở Nepal hồi tháng Tư. Tấm ảnh này không phải là giả, nhưng câu chuyện quanh nó đã được truyền đi không đúng sự thật.
Một lời chú thích đề dưới ảnh ghi là ‘bé gái hai tuổi được anh trai bốn tuổi che chở tại Nepal’ lan truyền khắp Facebook và Twitter, thậm chí còn khiến nhiều người kêu gọi quyên góp.
Thực tế, bức ảnh này được chụp từ một ngôi làng hẻo lánh ở Việt Nam, từ năm 2007.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Na Sơn nói: “Đây có lẽ là bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất của tôi, nhưng đáng tiếc là sai bối cảnh”.
Video về bể bơi trong vụ động đất ở Nepal
Cũng trong khoảng thời gian động đất ở Nepal, một đoạn video đăng tải trên Youtube và Facebook nói là hình ảnh ghi lại từ một bể bơi ở khách sạn tại Kathmandu.
Đoạn video nhằm cho thấy những tác động của trận động đất tệ hại nhất trong 81 năm qua. Thực tế, đây là video được quay từ khoảng năm 2010, trong thời gian động đất tại Mexico.
Hành trình đến châu Âu của một người nhập cư
Những bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội Instagram dường như để chứng minh cho nỗ lực của một người đàn ông lưu lại hành trình của mình từ Senegal đến Tây Ban Nha.
Các bức ảnh ‘tự sướng’ của Abdou Diouf từ Dakar gây chấn động trên mạng xã hội, khiến hàng ngàn người theo dõi, và nhận được rất nhiều bình luận sẻ chia.
Rốt cuộc, đây chỉ là một chiến dịch makerting cho hội chợ nhiếp ảnh tại bắc Tây Ban Nha.
Một người tị nạn đóng giả là tay súng IS?
Trong thời gian đỉnh cao khủng hoảng tị nạn và người nhập cư, một loạt bức ảnh cảnh báo bắt đầu lan nhanh trên Facebook.
“Còn nhớ gã này không? Tạo dáng trong các bức ảnh của (phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng) IS hồi năm ngoái – giờ lại là một người tị nạn” – một người viết trên Facebook.
Người đàn ông trong ảnh sau đó được xác định danh tính là Laith al-Saleh, một cựu chỉ huy của Quân đội Syria Tự do, một nhóm quân nổi dậy ôn hòa chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Người này bỏ trốn khỏi Syria và tới Macedonia vào tháng 8/2015.
Sau khi sự thật được sáng tỏ thì người chia sẻ bức ảnh trên đã nói lời xin lỗi.
Bức ảnh về ban nhạc Eagles of Death Metal trong rạp hát
Khi vụ khủng bố tại Paris xảy ra hồi tháng 11 vừa qua, những lời đồn thổi và chuyện bịa đặt đã lẫn vào câu chuyện tại rạp hát, khiến nhiều người bối rối.
Một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là bức ảnh hoàn toàn sai lệch trên truyền thông xã hội cho thấy đám đông trong rạp hát Bataclan trước vụ xả súng.
Bức ảnh trên vốn dĩ được chụp từ một buổi biểu diễn trước đó, tại Rạp hát Olympia ở Dublin, và đăng tải trên trang Facebook của ban nhạc một ngày trước vụ tấn công ở Paris.
Paris hoang vắng
Bức ảnh được truyền tải nhiều lần trên mạng xã hội cho thấy các con phố ở thủ đô Paris vắng lặng sau các vụ đánh bom và xả súng.
Thực tế, ảnh bức ảnh được chụp từ dự án ‘Thế giới Tĩnh lặng’ mà trong đó, các thủ thuật về ảnh được sử dụng để hình dung các thành phố sẽ xuất hiện ra sao trong ngày tận thế.
Sự trả đũa tàn bạo của người chồng
Câu chuyện về một người đàn ông Đức đã ly hôn, chia mọi tài sản của mình làm hai phần, rồi rao bán, đã khiến nhiều người bị lừa hồi tháng Sáu. Việc đấu giá các sản phẩm này trên Ebay là thật, nhưng câu chuyện lại không phải vậy.
Sau khi đoạn video lan truyền như virus trên mạng, với khoảng 4,5 triệu lượt xem trên Youtube, một hiệp hội của Đức đứng ra thừa nhận rằng họ đã sáng tác nên câu chuyện này trong nội dung chiến dịch truyền thông của mình.
Lê Thu