Đầu năm 2021, Tập đoàn Công nghệ Foxconn (Đài Loan), nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã được tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy Fukang Technology, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD.
Đây là động thái đầu tiên chuyển hoạt động sản xuất lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple.
Theo nhóm nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc, tất cả iPad đều được lắp ráp tại Trung Quốc và do đó, động thái của Foxconn sẽ đánh dấu lần đầu tiên iPad được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Theo Foxconn, tính đến cuối năm 2020 tập đoàn này đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, với 53 nghìn lao động. Dự kiến năm 2021, Foxconn sẽ cần thêm 10.000 lao động tại Việt Nam.
Foxconn dự định đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam vào năm 2021. Tổng doanh thu của Foxconn tại Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2019, 6 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2021 có thể đạt 10 tỷ USD và khoảng 40 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới.
Trước đó, theo một nguồn tin từ Reuters, Foxconn đã có kế hoạch chi tới 1 tỷ USD để mở rộng một nhà máy lắp ráp iPhone ở Ấn Độ theo “yêu cầu mạnh mẽ” của Apple để đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Foxconn và các công ty cùng ngành như Pegatron Corp cũng đang xem xét việc xây dựng các nhà máy ở Mexico, trong bối cảnh Washington thúc giục.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản cũng tính chi nhiều tỷ USD cho các công ty Nhật chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm lệ thuộc vào nước này. Đích đến là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ Trung
Cuộc chiến Mỹ - Trung về công nghệ bùng phát từ vụ Huawei. Căng thẳng leo thang nhanh chóng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, đặc biệt sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Hồi tháng 5/2019, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại Entity List. Với quyết định này, chính quyền ông Trump đã hạn chế Huawei dùng công nghệ Mỹ, yêu cầu nhà cung ứng Mỹ phải xin giấy phép để bán hàng cho Huawei.
Tháng 8/2020, Mỹ giáng đòn chí mạng khi cấm tất cả các nhà cung ứng dùng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép. Hầu hết các nhà sản xuất chip đã phải tạm dừng giao hàng.
Toàn bộ thập niên 2020 sẽ là "thập kỷ nguy hiểm" đối với Mỹ và Trung Quốc |
Trước đó, hồi giữa 2018, “nạn nhân” lĩnh đòn nặng nhất trong cuộc đấu thương mại với Mỹ là hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE. ZTE gần như ngừng hoạt động và chịu thiệt hại khoảng 3 tỷ USD Mỹ sau khi Bộ Thương mại cấm các công ty công nghệ Mỹ bán linh kiện cho hãng này để xử phạt việc không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận nhận tội cho hành vi bán trái phép thiết bị công nghệ Mỹ cho Iran. ZTE sau đó đã phải chấp nhận thay đổi bộ máy quản lý, thuê các nhân viên tuân thủ pháp lý người Mỹ và nộp phạt 1 tỷ USD theo yêu cầu.
Hồi tháng 9/2020, Mỹ cũng đã giáng đòn trừng phạt xuống nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC. Theo đó, các hãng công nghệ Mỹ muốn xuất khẩu cho SMIC sẽ phải xin giấy phép.
Sau thời Donald Trump, chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden cũng đang tiến hành một loạt các đòn tấn công nhằm vào Trung Quốc. Trong đó, công nghệ là trọng tâm chiến lược ứng phó với Bắc Kinh.
Chính quyền ông Biden đang tìm cách hợp tác với các đồng minh để duy trì địa vị dẫn đầu trong bối cảnh Trung Quốc đạt được nhiều tiến bộ. Ngay sau khi tung gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD, Quốc hội Mỹ đang hướng đến một gói ngân sách khủng khác nhằm giành lợi thế trước cuộc đua công nghệ với Trung Quốc.
Theo tờ Nikkei Asia thông tin, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer muốn nhanh chóng thông qua Đạo luật “Không biên giới”, một dự luật được lưỡng đảng ủng hộ, trong đó quyết định chi 100 tỷ USD trong 5 năm cho hoạt động nghiên cứu ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam mới chỉ bắt đầu |
Cuộc chiến còn kéo dài, Việt Nam chủ động đón cơ hội
Nỗ lực của Mỹ về việc cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thêm phần ráo riết hơn sau khi nước Mỹ chứng kiến sự thiếu hụt đột ngột trên toàn cầu về vi mạch cho các sản phẩm như xe hơi, điện thoại và tủ lạnh.
Nhiều khả năng Mỹ sẽ tập trung hơn vào một số ít các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đồng thời đưa ra các biện pháp mang sản xuất chip trở lại nước Mỹ. Sản xuất chip cũng nằm trong kế hoạch củng cố nhóm các nước nằm trong Đối thoại an ninh QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc).
Theo Nikkei Asia, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh hành pháp, trong đó yêu cầu xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ mới "không có Trung Quốc" bằng cách bắt tay với các đối tác và đồng minh thân thiện, trước hết cho các ngành sản xuất như chất bán dẫn, pin xe điện, đất hiếm và vật tư y tế.
Có thể thấy, sức mạnh của Mỹ và Trung về kinh tế và công nghệ sẽ tiệm cận nhau ở mức chưa từng có. Do vậy, toàn bộ thập niên 2020 sẽ là "thập kỷ nguy hiểm" đối với Mỹ và Trung Quốc, cũng như châu Á và thậm chí là toàn cầu. Trong khi Mỹ tấn công, Bắc Kinh cũng sẽ nhận thấy rằng, việc muốn yên ổn ở vị trí thứ hai cũng sẽ khó khăn. Một cuộc đối đầu trực tiếp sẽ xảy ra.
Cuộc chiến Mỹ-Trung lên cao. Nó có thể khiến thế giới bị phân chia và tạo ra sự dịch chuyển về dòng vốn. Xu hướng mới sẽ ảnh hưởng tới nhiều nước, có thể là tích cực và có thể là tiêu cực.
Với Việt Nam, theo tờ Financial Times, xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Bất chấp những bất lợi về cơ sở hạ tầng cũng như lao động, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Còn theo EIU, Việt Nam là trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á. Ngôi sao đang lên Việt Nam tiếp tục là thành tố trung tâm của các chuỗi cung ứng đang biến đổi và là một trong những địa điểm sản xuất cạnh tranh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong năm 2020, Việt Nam thực sự trở thành tâm điểm của thế giới, thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt 28,53 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 19,98 tỷ USD bằng 98% so với 2019 bất chấp đại dịch Covid-19. Các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á tiếp tục là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong năm 2020 dẫn đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
Điều này đã phản ánh làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng và Việt Nam đang hưởng lợi từ quá trình này. Đặc biệt lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam đã trở thành 1 trong những lĩnh vực thu hút nhất đối với các nhà đầu tư trong năm 2020, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
M. Hà
'Đại bàng' Mỹ dẫn đầu, kéo dòng vốn tỷ USD tới Việt Nam
Việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 cùng với việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, hàng loạt đại gia công nghệ toàn cầu đã theo làn sóng đầu tư đang dịch chuyển để tìm đến Việt Nam.