Tại Trung Quốc, hàng ngàn cô gái trẻ hình thành thói quen xuất hiện trên mạng trực tuyến khi phát sóng hình ảnh trước hàng triệu người. Đó là một chút phô trương về sắc đẹp, nhưng bù lại mang tới khoản thu khổng lồ. Ở đất nước tỷ dân, có khoảng 150 nền tảng internet phục vụ nhu cầu tìm kiếm các kênh giải trí trực tuyến ưa thích.
Theo giới chuyên gia, hiện tượng này bắt nguồn từ ngành công nghiệp thương mại đang phát triển tại Trung Quốc góp phần làm biến đổi xã hội, nơi mà các nam thanh nữ tú dần thu hẹp cuộc sống cá nhân trên trên môi trường trực tuyến.
Ngành công nghiệp livestream trị giá 4,3 tỷ USD của Trung Quốc đang tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nó mang tới nguồn thủ khổng lồ cho nhiều cá nhân và công ty.
Cuộc sống của những ngôi sao live-streaming thay đổi nhanh chóng theo hướng trau chuốt hình ảnh và trở nên chuyên nghiệp hơn trong vài năm qua. Ngày nay, nhiều công ty lớn còn thuê những hotgirl để xuất hiện trước ống kính máy quay cùng kịch bản soạn sẵn.
Những ông lớn truyền thông như Tencent hay đơn vị tìm kiếm tài năng như Three Minute TV sẵn sàng đầu tư chi phí phẫu thuật thẩm mỹ, thiết kế phòng thu chuyên nghiệp, đủ chỗ cho các cô gái “diễn”, kể cả việc nhảy múa, ca hát hay đơn giản chỉ là ngồi ăn một bát súp.
“Tôi muốn thu hút thêm nhiều người xem và thuyết phục họ tặng thật nhiều tiền xu ảo Huajiao cho mình. Ước muốn sau cùng là tôi có thể cưới được người đàn ông đẹp trai, cao lớn và giàu có”, Jing Qui, một ngôi sao trực tuyến chia sẻ với tờ Reuters.
Những người giỏi kiếm tiền có thể thu về hàng trăm nghìn USD mỗi tháng. Nhưng con số đó bị chia nhỏ cho các bên, như trang web mở dịch vụ livestream, công ty chủ quản và cả nhân vật chính.
“Đàn ông Trung Quốc nhìn chung khá nhút nhát. Họ không có xu hướng mời các cô gái ra ngoài. Nhưng ngược lại, họ thích quan sát cách các cô gái nói chuyện, quan tâm tới sở thích và ngắm dáng vẻ đáng yêu thông qua truyền hình trực tuyến”, một chàng trai 23 tuổi từ tỉnh Hà Bắc chia sẻ với tờ Business Insider.
Với những buổi livestream, người xem cố thể hiện sự giàu có của mình bằng cách tặng tiền cho nữ livestream, trong khi cô gái cố gắng phô diễn tài năng và vẻ đáng yêu để nhận được nhiều quà. Nếu thấy hợp, cả hai có thể hẹn gặp ngoài đời và đẩy mối quan hệ đi xa hơn.
Tuy nhiên, dịch vụ như vậy cũng xuất hiện nhiều biến tướng. Chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc chấn chỉnh thị trường livestream. Vào tháng 7/2016, nước này tiến hành đóng cửa hơn 4.000 phòng chat trực tuyến và phạt hơn 18.000 người thực hiện livetream do dính líu tới nội dung người lớn và kích động tội phạm.
Mọi người vẫn nghĩ loại hình truyền hình trực tuyến như vậy chỉ giống như một trào lưu của giới trẻ. Nhưng trong nhiều trường hợp, các phòng livestream đang cố tạo ra sự thân mật giả tạo. Phía sau đó là các công ty với tổ chức chặt chẽ, đầu tư thiết kế phòng như một căn hộ của nữ hotgirl để tạo cảm giác tự nhiên. Nhân vật chính cứ thế “diễn sâu” để cố thu hút khán giả cho mục đích thương mại.
Khi họ đã thành công trong việc tạo dựng không gian “ảo” thì mục đích cuối cùng là thuyết phục người dùng mua những món quà ảo như hoa, xe ôtô để tặng cho nữ livestream.
Ngành công nghiệp “khoe nữ tính” trên Internet đang tăng chóng mặt. Người trong nghề cũng phải thốt lên “Livestream là ngành công nghiệp đốt tiền”, vì thế có đủ chỗ cho tất cả miễn sao họ đầu tư đúng mức và tạo được sức hút.
Thậm chí, mọi thứ dần chuyển thành mô hình kinh doanh đúng nghĩa khi mà hàng chục cô gái trong một công ty phải chia nhau làm việc theo ca.
Tất nhiên, khi tất cả chạy theo hướng thương mại thì không tránh khỏi sự nhàm chán. Đôi khi, chính các nữ livestream cũng cạn kiệt ý tưởng đến mức phải lặp đi lặp lại những động tác và chiêu trò trước đây.
Thế nhưng, ở quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 344 triệu người online thì những động tác lặp đi lặp lại của những cô gái đó cũng đủ khiến nhiều chàng trai “thất thần”.
Theo GenK