{keywords}
Điều kiện làm việc đông đúc trong các nhà máy diêm ở thế kỷ 19. Ảnh: Wikimedia Commons

Năm 1855, một công nhân nhà máy mới 16 tuổi tên Cornelia đến khám bác sĩ ở New York (Mỹ) vì bị đau răng ở hàm dưới bên phải.

Cô gái cho biết cô làm việc ít nhất 8 tiếng một ngày tại một nhà máy đóng gói diêm, trong hai năm, nhưng lúc này thì miệng quá đau, thậm chí không thể ăn uống. Bệnh nhân không hay biết rằng mình thường xuyên tiếp xúc với chất phốt pho trắng độc hại, được sử dụng làm diêm, gây ra tình trạng kinh hoàng trên khuôn mặt cô, được gọi là “hàm phossy”.

Bác sĩ đã cắt nướu của bệnh nhân, loại bỏ một chiếc răng và cho phép cô trở lại nhà máy.

Nhưng Cornelia nhanh chóng trở lại gặp bác sĩ tại bệnh viện Bellevue trong tình trạng tồi tệ hơn. Một cái lỗ đã hình thành trong hàm của cô và liên tục chảy mủ. Cuối cùng, trong một ca phẫu thuật đầy đau đớn và khó khăn, bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ hàm dưới của bệnh nhân.

Cornelia chỉ là một trong số hàng trăm phụ nữ trẻ mắc chứng “hàm phossy” vào đầu thế kỷ 20. 

{keywords}
Hình vẽ minh hoạ nữ bệnh nhân bị "hàm phossy"- còn gọi là "bệnh phong của người làm diêm".

Trong các nhà máy công nghiệp, các nữ công nhân được thuê để nhúng que gỗ vào phốt pho trắng, ngâm trong nhiều giờ liền, tạo ra những que diêm “có thể đánh được ở mọi nơi”. Nhưng việc phơi nhiễm quá gần với phốt pho trắng như vậy đã khiến xương hàm của họ bị huỷ hoại.

Theo trang Allthatsinteresting, những cô gái làm diêm đã chật vật đấu tranh để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nỗi đau mà họ phải chịu đựng, nhưng vẫn phải mất hàng thập kỷ việc sử dụng phốt pho trắng mới bị cấm hoàn toàn. Tuy vậy, cuộc đấu tranh của họ không vô ích, những bệnh nhân như Cornelia đã đi đầu trong cuộc đấu tranh cho quyền của người lao động.

Ám ảnh từ diêm

Diêm là một loại hàng hoá phổ biến ở Anh, Mỹ vào đầu thế kỷ 19. Những người trong ngành đã làm việc không mệt mỏi để tìm ra những cải tiến mới trong công nghệ làm diêm: đó là dùng phốt pho trắng. 

Mặc dù nổi tiếng là độc hại, nhưng hoá chất này được tạo thành một loại bột nhão có thể chiếu sáng trên bất kỳ bề mặt nào chỉ với một chút ma sát. Những que diêm “đánh được ở mọi nơi”, còn gọi là diêm lucifer, trở nên vô cùng phổ biến, và ngành công nghiệp tạo ra chúng cũng thu lợi nhuận tỉ lệ thuận. 

Các chủ nhà máy đều biết rằng tiếp xúc lâu dài với phốt pho trắng có thể gây hoại tử hàm, nhưng họ vẫn tiếp tục cho sử dụng nó. Họ thuê phụ nữ và trẻ em gái làm việc trong nhà máy từ 10-15 giờ mỗi ngày. Ước tính, vào những năm 1900 có gần 5 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động trong ngành này.

{keywords}
Một phụ nữ bị "hàm phossy". Ảnh: Wikimedia Commons

Mỗi sáng, các công nhân nhà máy đến xưởng làm diêm. Công nhân trộn sẽ khuấy đều phốt pho với keo và màu, sau đó công nhân sấy xếp hàng nghìn que diêm lên một chiếc khung. Rồi bộ phận ngâm sẽ nhúng những giá diêm đó vào hỗn hợp phốt pho. Sau khi diêm khô, các công nhân sẽ thực hiện công đoạn cuối là đóng hộp. 

Một công nhân nhúng có thể nhúng tới 10 triệu que diêm mỗi ngày, vừa làm vừa phơi nhiễm mình với thứ hoá chất độc hại. 

Các chủ nhà máy cũng đã thực hiện quy trình mới nhằm giảm bớt tác hại. Nhân viên phải rửa sạch tay sau khi làm, công nhân nhúng diêm dùng khẩu trang che miệng. Một số nhà máy khác thì tìm cách cải thiện hệ thống thông gió. Nhưng phốt pho trắng vẫn tiếp tục đầu độc công nhân.

"Bệnh phong của người làm diêm"

"Hàm phossy" còn được gọi là “bệnh phong của người làm diêm”, một phần vì nó khiến nạn nhân bị biến dạng khuôn mặt và thường bị tẩy chay khỏi nơi làm việc.

Trường hợp đầu tiên bị "hàm phossy" được ghi nhận là vào năm 1838 ở một cô gái làm diêm sống tại Vienna, Áo. Đến năm 1844, một bác sĩ ở Vienna báo cáo thêm 22 trường hợp bị hoại tử hàm do phốt pho, tuy nhiên ngành công nghiệp này vẫn phát triển nhanh chóng.

Năm 1857, Tiến sĩ James Rushmore Wood ở New York bắt đầu viết về bệnh “hàm phossy” sau khi điều trị cho cô gái Cornelia 16 tuổi. Ông nhận thấy dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau hàm, tiếp sau là những ổ áp-xe dọc theo nướu. Có khi nướu của nạn nhân còn phát sáng trong bóng tối. Ở một số trường hợp nghiêm trọng, vết hoại tử phá huỷ hoàn toàn xương hàm, và có thể gây tử vong.

Quy trình điều trị của Tiến sĩ Wood với hàm Cornelia sử dụng một chiếc cưa, hồi thế kỷ 19 được gọi là “dây pho mai”, đã không thành công. Ông Wood phải tiến hành ca phẫu thuật thứ hai và theo dõi bệnh nhân trong một tháng trước khi tuyên bố Cornelia “khỏi bệnh”.

Những nạn nhân khác không được may mắn như Cornelia. Một cô gái 22 tuổi tên Barbara, làm trong nhà máy diêm 3 năm, đã qua đời không đầy 3 tháng sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Sau đó, có một bé gái 13 tuổi tên là Annie nhận thấy cánh tay mình bắt đầu phát sáng sau khi làm việc trong nhà máy diêm suốt 4 năm. Giống như Cornelia, cô bé cũng phải phẫu thuật loại bỏ hàm. Còn cô Maggie, 23 tuổi, thì vẫn tiếp tục làm diêm sau khi trải qua 5 ca phẫu thuật để loại bỏ hàm.

Ước tính, xấp xỉ 11% người phơi nhiễm với phốt pho trắng bị chứng “hàm phossy”. Tới năm 1909, nước Mỹ ghi nhận trên 100 trường hợp như vậy.

{keywords}
Tranh vẽ cuộc biểu tình của công nhân làm diêm vào năm 1871. Ảnh: Wikimedia Commons

Trong khi giới chủ thờ ơ, các công nhân buộc phải tự giải quyết vấn đề của mình. Tháng 6/1888, nhà hoạt động nữ quyền Annie Besant đã viết về hoàn cảnh của những cô gái làm diêm ở Anh. Trong bài báo “Nô lệ trắng ở London”, bà Besant ghi lại những điều kiện làm việc ở các nhà máy diêm và thực trạng đáng sợ của bệnh “hàm phossy”. Bà chỉ ra những bất bình đẳng trong các nhà máy như lương thấp, các khoản tiền phạt vô lý, không gian bừa bộn, bẩn thỉu.

{keywords}
Annie Besant là một nhà hoạt động người Anh đấu tranh cải cách điều kiện làm việc cho các nữ công nhân làm diêm. Ảnh: Wikimedia Commons

Cuộc đấu tranh hàng thập kỷ

Vào thời điểm Besant viết bài, một số quốc gia đã cấm sử dụng phốt pho trong các nhà máy, nhưng không phải Anh, nơi mà chính phủ cho rằng việc cấm hóa chất này sẽ dẫn đến hạn chế thương mại tự do.

Bài báo của Besant tạo ra xung đột giữa Bryant & May, một nhà máy sản xuất diêm lớn ở London và công nhân của họ. Bryant & May đã gây áp lực buộc công nhân phải ký một tuyên bố từ chối các yêu cầu của Besant, và sa thải những công nhân nào không làm vậy. 

Hành động của công ty đã gây ra cuộc đình công năm 1888 của công nhân diêm, trong đó 1.400 công nhân nhà máy từ chối làm việc, phản đối các điều kiện tồi tệ.

{keywords}
Công nhân Bryant & May tham gia cuộc đình công 1888. Ảnh: Wikimedia Commons

Các công nhân đình công giành được một số nhượng bộ từ Bryant & May, bao gồm cả việc chấm dứt các khoản phạt bất công. Nhưng nhà máy vẫn tiếp tục sử dụng phốt pho trắng.

Mặc dù phốt pho chưa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở Anh, cuộc đình công năm 1888 đã thu hút sự chú ý mới về tình trạng kinh khủng ở nhiều nhà máy diêm. Các nhà báo tố cáo các vụ lạm dụng, bao gồm cả nỗ lực che đậy mức độ nghiêm trọng của bệnh "hàm phossy".

Năm 1892, tờ The Star xuất bản bộ ảnh về nạn nhân "hàm phossy" tại công ty Bryant & May. Tờ báo cáo buộc Bryant & May đã buộc một công nhân mắc chứng "hàm phossy" phải nghỉ việc và hứa sẽ trả lương khi cô bình phục. Nhưng khi nữ công nhân khỏi bệnh, họ từ chối thuê lại cô gái chỉ vì ngoại hình gớm ghiếc của nạn nhân. Nhà máy tuyên bố một phụ nữ mất nửa hàm sẽ khiến các công nhân khác hoảng sợ.

Ngay cả sau khi đã biết về sự che đậy, chính phủ Anh vẫn quyết định không cấm phốt pho trắng, độc chất đã gây hại cho người lao động trong hơn nửa thế kỷ. Vào năm 1898, chính phủ Anh cuối cùng chỉ phạt Bryant & May 25 bảng Anh, tương đương với vài nghìn USD theo thời giá ngày nay.

Năm 1891, ông William Booth, người sáng lập Salvation Army, đã tham gia cuộc chiến chống lại việc sử dụng phốt pho trắng. Ông mở một nhà máy diêm từ chối sử dụng hóa chất này với hy vọng nó sẽ gây áp lực buộc các nhà máy khác phải làm như vậy. Nhà máy của ông đã cổ vũ người tiêu dùng tẩy chay diêm phốt pho trắn.

Tuy nhiên, diêm phốt pho chỉ bị ngừng sản xuất cho đến khi các nhà hóa học Pháp phát hiện ra sesquisulfide, một chất thay thế an toàn cho phốt pho trắng. Bryant & May chuyển sang lựa chọn thay thế này vào năm 1901.

Nước Anh cuối cùng cấm hoàn toàn phốt pho trắng vào năm 1910, nhưng đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi một bác sĩ ở Vienna lần đầu tiên xác định rằng nó gây ra chứng "hàm phossy" ở các công nhân làm diêm. Đến lúc đó, đã quá muộn để xóa bỏ những thiệt hại mà chất độc này đã gây ra cho rất nhiều người lao động, "nhân danh" những cây diêm chất lượng hơn.

Theo Báo Tin tức

Lịch sử che giấu bệnh tật của các tổng thống Mỹ

Lịch sử che giấu bệnh tật của các tổng thống Mỹ

Nếu Tổng thống Donald Trump không tiết lộ chi tiết về việc bị nhiễm Covid-19 thì cũng không có gì đặc biệt, bởi nhiều Tổng thống Mỹ đã giữ kín tình hình sức khỏe của mình.

Lần tìm manh mối ca bệnh Ebola đầu tiên

Lần tìm manh mối ca bệnh Ebola đầu tiên

New York Times cho rằng ca nhiễm bệnh đầu tiên là trường hợp một cậu bé 2 tuổi chết vào ngày 6/12 năm ngoái, chỉ vài ngày sau khi ngã bệnh tại một ngôi làng ở Guéckédou, phía đông nam Guinea.