Chia sẻ thú vị và đáng nhớ về những ngày đầu tiên cậu con trai bé bỏng đi "du học" đầy bỡ ngỡ được một mẹ Việt ở Pháp ghi lại một cách cẩn thẩn với nhiều thông tin cực kỳ bổ ích.

Nhưng giống như mọi "du học sinh" thực thụ khác, chàng trai 3 tuổi bé bỏng của tôi khi đến Toulouse cũng phải đi học để tiếp xúc, giao lưu với các bạn cũng như khám phá những điều mới lạ trong thế giới bao la rộng lớn này. Những ngày đầu tiên đến trường không chỉ con bỡ ngỡ mà mẹ cũng có bao điều bất ngờ mới lạ.

{keywords}

Lớp học mẫu giáo của bạn Đậu - con một mẹ Việt ở Pháp với các bạn đủ màu da.

Tôn trọng giờ giấc của trường học

Ở trường, mọi hoạt động của các bé đều theo thời gian biểu, vì thế phụ huynh cần thực hiện theo đúng thời gian biểu đó để tránh làm xáo trộn hoạt động của nhà trường. Buổi sáng, từ 7h30 đến 8h30 là thời gian giáo viên đón các bé. Tất nhiên hệ thống mầm non bên này không có chế độ ăn sáng tại trường, do vậy bố mẹ đều phải đảm bảo cho bé ăn sáng ở nhà trước khi tới trường. Nếu đến quá muộn so với giờ quy định thì hôm đó bé sẽ phải quay về nhà với bố mẹ.

Thời gian học tập và vui chơi của các bé buổi sáng là từ 8h30 đến 11h30, sau đó nghỉ ăn trưa đến 12h30. Trong thời gian này nếu con không ăn ở trường thì bố mẹ có thể đến đón con về nhà. Sau đó, các bé sẽ ngủ trưa từ 12h30 đến 13h30. Những bé về nhà ăn trưa thì đúng 13h30 phải quay lại trường để tiếp tục học buổi chiều cùng các bạn. Dù cho phụ huynh có bất kì lý do gì khác thì cũng phải tuân theo quy định về giờ giấc như trên.

Buổi sáng hôm đó con dậy quá muộn nên tôi đã đưa con đến trường lúc 11h30 để con kịp ngủ trưa và học buổi chiều cùng các bạn. Nhưng có lẽ nếu con vào ở thời điểm này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động buổi trưa của các bạn khác, vì con đã ăn trưa ở nhà trước khi đi học. Do vậy, sau khi cô giáo lớp con xin ý kiến của cô hiệu trưởng, cô hiệu trưởng chỉ đồng ý cho con vào trường sau khi các bạn đã ngủ trưa dậy. Thế là hôm đó tôi phải dẫn con lang thang ở ngoài cho đến đúng 13h30 con mới được vào trường, sớm hơn 5 phút cũng vẫn phải chờ ở ngoài và muộn hơn 5 phút thì không được vào trường nữa.

16h30 đến 18h30 là thời gian cho hoạt động tự do của các con. Trong khoảng thời gian này, bố mẹ có thể đến đón con bất kì lúc nào. Và nếu phụ huynh đến đón con sớm hơn thì sẽ ảnh hưởng đến bữa ăn nhẹ buổi chiều của các bé.

{keywords}

Một "tác phẩm nghệ thuật" từ bàn tay con làm trong giờ học ở trường.

Chế độ dinh dưỡng ở trường học

Những ngày đầu đưa con đến trường, tôi luôn tò mò về thực đơn buổi trưa của con vì buổi trưa ở trường con sẽ không ăn cơm. Sau khi để ý ở bảng thông báo của nhà trường, tôi thấy thực đơn cho 1 tuần được dán trên bảng. Và nếu phụ huynh muốn biết thực đơn cả tháng của các con thì có thể xem trên website của thành phố nơi mình sống.

Mỗi thực đơn đều do các chuyên gia dinh dưỡng xây dựng dựa trên lứa tuổi của các con. Các thực đơn đều ghi rõ tên chuyên gia dinh dưỡng. Vì vậy bố mẹ hoàn toàn yên tâm về chế độ dinh dưỡng ở trường của các con.

Tất cả các thực phẩm chế biến cho các con đều là đồ hữu cơ. Phụ huynh sẽ không có gì ngạc nhiên khi bột mì để làm bánh mì cho các con cũng là bột mì hữu cơ. Trường mầm non nơi các con học sẽ không trực tiếp chế biến đồ ăn mà việc này sẽ do uỷ ban thành phố đảm nhiệm.

Buổi sáng, sau khi đồ ăn đã được nấu xong xuôi sẽ có các xe phân phối đồ ăn về trường cho các con. Vì vậy, tất cả các bé dù học ở trường mầm non nào cũng có chế độ dinh dưỡng như nhau, phụ huynh cũng không cần phải so sánh trường này chế độ ăn tốt hơn trường khác hay không.

Còn bữa ăn nhẹ buổi chiều của con thì sao? Nhà trường sẽ không cung cấp bữa ăn nhẹ này mà bố mẹ phải chuẩn bị cho các con mang đi học. Đồ ăn nhẹ của các con sẽ được để vào 1 chiếc hộp (do bố mẹ chuẩn bị) và ghi rõ họ tên, lớp học của con. Vào 16h chiều hàng ngày, cô sẽ lấy đồ ăn nhẹ cho các con do bố mẹ chuẩn bị tuỳ vào sở thích của từng bé.

{keywords}

Mọi tác phẩm của các con đều được các cô giáo lưu lại cẩn thận trong những cuốn sổ để gửi về cho bố mẹ.

Hoạt động nghệ thuật và quan sát thực tế được khuyến khích ở trường học

Khi đến trường mỗi bé đều được phát 2 cuốn sổ, cuốn thứ nhất là sổ liên lạc - cô sẽ ghi những quy định, thông báo của nhà trường gửi đến bố mẹ, cuốn thứ hai ghi lại những giờ học và hoạt động của con trong 1 tuần ở trường. Cũng nhờ cuốn thứ 2 mà tôi biết được cụ thể hơn những hoạt động của con diễn ra ở trường học.

Những bức tranh màu con vẽ trực tiếp bằng bàn tay được cô đóng lại thành một quyển sổ nhỏ gửi về cho bố mẹ. Đầu tiên, cô sẽ mặc cho mỗi bạn một chiếc áo gió để tránh màu dây ra quần áo của các con. Sau đó mỗi bạn dùng bàn tay của mình nhúng trực tiếp vào bảng màu vẽ và vừa vẽ vừa hát "que fait ma main?" (tạm dịch: bàn tay tôi làm được điều gì?). Và thế là sau khi hoàn thành mỗi bạn đều có một tác phẩm "nghệ thuật" in hình từng ngón tay và bàn tay của mình mang về tặng bố mẹ.

Khi học về quan sát các loại quả, thay vì quan sát tranh, cô đã mua những loại quả thật cho các con quan sát. Sau khi quan sát, ngắm nghía các loại quả này trong thực tế, các con còn được thưởng thức luôn mùi vị của chúng. Vậy là không chỉ học về màu sắc, hình dáng của quả, các con còn biết mỗi loại quả lại có những hương vị khác nhau như thế nào.

Chưa hết nhé, con còn được cô dạy làm bánh gateau nữa. Hàng tháng, cô đều tổ chức sinh nhật cho các bạn sinh cùng trong tháng đó. Thế là cứ đến ngày tổ chức sinh nhật, các con lại được cùng cô làm bánh gateau. Con được tham gia trực tiếp vào công đoạn này, từ việc nhào bột đến việc trang trí bánh. Thế nên con đã hiểu được công đoạn để làm ra một chiếc bánh gateau thú vị như thế nào.

Và nếu sau giờ học, bố mẹ đón con với khuôn mặt được vẽ đủ màu sắc cũng không có gì ngạc nhiên. Đấy là một trong những hoạt động tự do ở trường của các con. Có bạn thì thích nghe cô đọc truyện, có bạn thì thích tô màu, xâu vòng tay, nhưng có những bạn lại thích được cô vẽ cho mình chiếc mặt nạ. Cô giáo sẽ giúp con thực hiện ước mơ trở thành "siêu nhân nhện", "công chúa" hay một con vật nào đó....

Ngoài ra, mỗi trường mầm non đều đảm bảo có khoảng sân rộng ngoài trời và phòng thể chất trong nhà để các con được vận động, vui chơi thoải mái ngay cả khi thời tiết bất lợi.

{keywords}

Đối với mỗi tác phẩm của con, cô giáo đều có một phần chú thích cẩn thận về ý tưởng của con trong tác phẩm.

Có rất nhiều kỳ nghỉ ở trường học

Tôi đã rất ngạc nhiên khi con cứ học được khoảng gần 2 tháng lại có một kì nghỉ kéo dài chừng 2 tuần. Đầu tiên là nghỉ lễ Toussaint, nghỉ Noel, nghỉ Đông, nghỉ Xuân và cuối cùng là nghỉ Hè.

Nếu bố mẹ bận công việc không thể sắp xếp một người ở nhà trông con thì có thể đăng ký cho con tham gia ở các trung tâm giải trí. Các trung tâm này thường được đặt cố định ở luôn một số trường mầm non. Khi đến đây, cô chỉ làm nhiệm vụ trông cho con chơi và dẫn con tham gia một số hoạt động ngoại khoá ngoài trời như đi xem phim, thăm nông trại, đi bơi...

Ngoài các kỳ nghỉ dài hơi đó, thì trong tuần ngày thứ 4 cũng là ngày nghỉ của con. Tuy nhiên, nếu bố mẹ bận thì vẫn có thể đăng ký cho con đi học ngày này.

Và còn rất nhiều điều thú vị khác mà cả hai mẹ con chúng tôi đều được dần trải nghiệm qua mỗi ngày con đến trường... Hi vọng rằng sau này dù có học ở môi trường nào, dù là "Tây" hay "Ta" thì con cũng nhanh chóng hoà đồng và thích nghi với tất cả những thay đổi, tích luỹ được nhiều kĩ năng hơn cho bản thân mình.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của mẹ Đậu - một mẹ Việt ở Pháp về hành trình đi học mẫu giáo ở một môi trường hoàn toàn mới lạ của cậu con trai 3 tuổi.

(Theo Mẹ Đậu / Trí Thức Trẻ)