Chị Phan Thị Chín, vợ của vị tướng nổi danh Nguyễn Việt Thành suốt bao năm hy sinh cho chồng từ lúc còn chiến tranh cho đến khi con cái trưởng thành. Chị đã được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Tôi đã có cuộc trò truyện chân thành với chị.
- Thưa chị, gần 3 năm từ giã chốn quan trường về ở nhà, anh chị đoàn viên hòa hiệp, chắc mơ ước lớn nhất của chị đã thành sự thật?
(Cười) Ảnh nghỉ rồi mà vẫn đi hoài chú ơi! Tôi đã quen cảnh xa chồng từ…40 năm nay rồi nên thấy cũng bình thường.
Chú biết không, từ hồi lấy nhau đến lúc ảnh sắp nghỉ, chúng tôi chưa lúc nào bên nhau được trọn một tháng chú ạ!
Cuộc sống đời thường của tướng Thành bên người vợ hết mực tần tảo, thủy chung. |
- Từ ngày anh Tư về nghỉ ở nhà, chị có đỡ vất vả lo toan nhiều không? Ảnh có tiếp giúp công việc cho chị không?
(Lại cười) Tôi còn nhớ ngày đầu tiên ảnh chính thức về hưu, trở về căn nhà này, ảnh nói với tôi: “Nay anh về rồi, em bớt làm đi. Lương của anh vợ chồng mình sống đạm bạc đủ rồi, anh không muốn em cực khổ nữa!”.
Là phụ nữ, nghe vậy tôi vui lắm. Vui vì chồng quan tâm lo lắng.
Nhưng chú ơi, ảnh về vài bữa, đi thăm bà con, đồng đội, đi đó đây hoài. Lương tôi có thấy đồng nào đâu. Mới đây nhất nè, 3 trường học ở xã nghỉ hè, gặp khó khăn, ảnh cho mỗi trường 3 triệu đồng.
Bà con cô bác mời đám cưới, ảnh về hỏi tiền tôi.
Tôi bảo: “Lương anh đâu hết rồi!”, ảnh cười trừ. Nói thật với chú, từ hồi lấy ảnh tới giờ đã được 41 năm nhưng tôi chưa khi nào thấy đồng lương của ảnh!”.
Vụ lúa năm rồi bán được bao nhiêu ảnh lấy hết, làm nhà nuôi chim yến. Mới rồi bán cũng được một đợt, tôi cũng chẳng biết bao nhiêu.
- Chị có lúc nào buồn vì “có tiếng mà không có miếng”…?
Chúng tôi lấy nhau thời chiến tranh. Sinh con chưa được 1 tháng ảnh đã đi rồi. Tôi làm ruộng, nuôi con, mua thuốc men, gởi lương thực tiếp tế cho cán bộ trong cứ. Sống với chết cận kề nhau, tụi lính mà phát hiện tiếp tế cho Việt cộng thì chết chắc.
Sống trong vùng địch chiếm, có chồng Việt cộng, lộ ra cũng chết. May được bà con che chở, chị em đùm bọc.
Tụi lính hay chọc ghẹo “về với anh anh nuôi cho”, tui phải nói dóc “chồng làm trên ty cảnh sát” mới yên. Sự thực là tôi có người anh họ là Việt cộng nằm vùng, làm trên ty cảnh sát, nhờ ảnh “che mắt” giùm.
Tụi tôi đến với nhau cực khổ, nguy hiểm, khó khăn trong thời chiến tranh như vậy đấy, nên những vất vả sau này trong hòa bình sá gì chú ơi…
- Làm vợ của ông tướng nổi tiếng mà chị vẫn mải miết với đồng ruộng, biết bao cực khổ, gia đình chị, bà con, bè bạn của chị có nói ra nói vô gì không?
Họ nói nhiều lắm. Mấy chị bạn nói: “Mày ngu lắm, mày nhìn đi, có vợ ông cán bộ nào như mày không…”.
Mấy năm trước tôi còn trực tiếp làm mười mấy công ruộng ở Cai Lậy, trời mờ sáng tôi dậy nấu cơm đem theo, chạy chiếc xe dame từ nhà xuống dưới hơn 30 cây số. Làm cả ngày, tôi về tới nhà 9, 10 giờ đêm.
Đâu dám bỏ nhà. Cực lắm chú ơi. Ai thương tôi cũng đều nói ra nói vô như vậy. Có lúc tôi nhìn thấy người ta, cũng buồn cũng tủi.
Tui biết ảnh là lúc ảnh bị thương lần thứ 4. Lúc đó là năm 1972. Tôi chăm sóc cho ảnh. Ảnh thương tui tui đâu có hay. Ảnh đánh giặc gan dạ có tiếng nhưng lại “nhát gái” lắm, hổng dám nói, cậy mấy chú bên tỉnh ủy nói dùm (Cười).
Ba tôi nói: “Thằng này xấu trai nhưng tính tình hiền lành, gan dạ. Được. Con phải làm người vợ tốt của nó!”.
Những ngày tháng chăm sóc ảnh, tôi cảm mến sự thật thà, ngay thẳng, đàng hoàng, ngay thẳng của ảnh nên cũng thương hồi nào không hay...
Vì vậy, những buồn, tủi giờ đây cũng qua nhanh. Thấy ảnh công tác tốt, tiến bộ lên tôi cũng mừng, quên đi mệt mỏi. Vợ chồng gặp nhau, tôi nói với ảnh: “Em lo làm nuôi con cái học hành, anh phải lo công tác cho tốt, đừng để mang tai mang tiếng gì nghen”.
Tôi biết tính ảnh, nhưng cũng dặn dò như vậy…
Hai lần gặp “con” của chồng từ trên trời rơi xuống
- Hồi 'đánh' Năm Cam, chị có sợ bị chúng xuống trả thù không? Nghe nói chị cũng bị phá mà?
Tôi hổng sợ! Đi ra chợ, bà con gặp nói: “Ủa, sao bà gan vậy, dám đi một mình à?”. Tôi cười: “Hồi đó đến giờ tui đi đâu cũng đi một mình không hà!”.
Hóa ra, có tin đồn là Nhà nước cử một đội công an đến bảo vệ tôi, tôi đi đâu cũng xe đưa đón, công an cầm súng ngồi bên!. Người ta đồn dữ lắm mà có đâu!
Tướng Nguyễn Việt Thành và vợ |
Còn tụi nó phá tôi là như thế này. Năm đó, tự dưng có một thanh niên xách giỏ đến nhà tôi lúc chập tối. Nó nói là con của anh Tư.
Tôi nói không biết, nó cứ kể lể anh Tư ở với mẹ nó, đẻ ra nó, bao năm nay ảnh không quan tâm. Nay nó quyết đi tìm cha. Nó phải có cha!
Tôi nói nếu tìm anh Tư thì tới cơ quan ổng ở thành phố chứ ổng làm gì có ở đây. Nó nói: “Ba con sắp về thăm nhà, con ở đây chờ gặp ba!”.
Trời tối, nhà có mình tôi. Tôi cũng lo. Lén ra sau nhà, tôi điện thoại cho mấy chú công an xã. Công an đến mời hắn về xã nghỉ, hắn không chịu, còn nói nhà của ba tôi tôi ở!
Công an cương quyết, hắn mới chịu đi. Lên tới trụ sở công an xã, mấy chú kiểm tra giấy tờ, xác minh, lộ ra là có kẻ thuê nó tới. Lục túi xách của nó có dao bấm, dao găm và búa! Hú hồn cho tôi!
Sau đó, tự dưng dư luận rộ lên là anh Tư có mấy biệt thự ở trong Nam và ngoài Bắc, anh Tư sống với một phụ nữ trẻ đẹp, có con…
Tôi nghe đầy cả tai!
Một hôm, tôi đi chợ về, có người phụ nữ nói giọng Bắc, ôm đứa con nhỏ vào nhà. Cô ta khóc bù lu bù loa, kể rằng mấy năm trước anh Tư ra ngoài ấy công tác, gặp cô ta. Anh Tư nói đã ly dị vợ, đang độc thân.
Thấy anh ấy người miền Nam thật thà, hiền lành, cô ta chấp nhận làm vợ, ở với anh ấy. Ngờ đâu đẻ ra đứa nhỏ, anh Tư “quất ngựa truy phong”, bỏ cô ta bơ vơ một mình nuôi con.
Dễ gì tôi tin ba cái trò này? Tôi hỏi cho có vài câu rồi tìm cách điện cho công an xã. Công an lên mời về xã làm việc, kết quả là có kẻ thuê cô ta đến phá tôi…
- Xem ra, làm vợ ông tướng nổi tiếng phải chấp nhận hy sinh cho chồng nhiều quá. Chị có tin số phận không?
Có lúc một mình cáng đáng lo tất cả, ruộng đồng, heo gà, con cái, lủi thủi một mình cũng tủi phận chú ạ. Có lần chị bạn rủ đi xem bói, thầy xem cho tôi và nói: “Số chị mắc nợ chồng!”, chắc là mắc nợ thiệt (Cười lớn).
Nhưng nói thiệt, hồi đó lấy nhau đâu có nghĩ sau này sẽ được zầy đâu chú. Tính ra cũng mừng nhiều rồi. 3 đứa con tôi đều học hành nên người, 2 đứa con trai theo nghề của ảnh, con gái có chồng, công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh thì thương tích đầy mình, là thương binh hạng 2/4, giờ trở về là mừng lắm rồi.
- Nghe người ta đồn anh Tư về hưu trở thành nông dân chính hiệu, ngày đêm vất vả với đồng ruộng. Có đúng không chị?
(Cười) - Ổng mà làm ruộng cái gì, một tay tôi lo hết! Giờ thì tôi cũng đỡ rồi, ruộng ở xa giao bớt, chỉ còn làm ở gần nhà, chăm sóc bầy heo, vườn cây trái…
Ảnh sáng dậy phụ tôi cầm cây chổi, mo cau quét nhà dưới, quét đường đi vào nhà để…khách vào được sạch sẽ thôi.
Nói cho ngay zầy, anh Tư là thương binh hàng 2/4; đã trải qua 200 trận đánh, bị thương 7 lần. Nặng nhất là lần bị đạn bắn banh bao tử, phải mổ khâu lại…
Ảnh mặc đồ chú không thấy chứ cởi đồ ra thẹo, vết đầy người, dáng đi cũng đâu bình thường được như người ta. Giải phóng xong làm tới giờ, có được nghỉ đâu, đủ chuyện mệt mỏi, ảnh bình an trở về nhà là mừng rồi. Tội vậy đó, nên tôi cực sao cũng được, nhưng không để ảnh cực nữa!
- Hỏi nhỏ chị câu này, chị nói thiệt nghen, hồi đó tới giờ có khi nào chị ghen không? Sợ ảnh có cô nào không?
(Cười lớn). Ôi trời ơi ghen gì mà ghen chú ơi! Anh Tư là nghĩa trọng tình nghĩa lắm. Ba tôi nhìn người nói đúng phóc à. Lấy ảnh, thời chiến cũng như thời bình, ở bên nhau vài ngày là đi biền biệt.
Tôi ở nhà làm nuôi con cho chồng yên tâm công tác, lẽ nào ảnh phụ mình? Tôi luôn biết vậy. Nói thật, không tin tưởng nhau thì sao mà bền chặt được tới giờ.
Công việc của ảnh lắm người thương nhưng cũng nhiều kẻ ghét, tôi biết vậy nên thỉnh thoảng bị phá bằng trò này là họ thua ngay...
Duy Chiến
>> Bài 1: Đời thường của “Tướng về hưu”
>> Bài 2: Trăn trở của tướng Nguyễn Việt Thành