Những hỗ trợ về nhu yếu phẩm, cây con giống đã giúp đồng bào Vân Kiều ở 2 xã biên giới Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vượt qua những khó khăn trước mắt, tạo động lực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các công trình phúc lợi do những người lính Biên phòng kêu gọi các nhà hảo tâm cùng đồng hành cũng góp phần nâng cao chất lượng sống và làm thay đổi diện mạo các bản làng trên biên cương.
Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp "Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", được xác định trong Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.
Đặc biệt, việc học tiếng Bru - Vân Kiều được ví như “chiếc cầu nối” giúp người lính biên phòng và bà con dân bản trên địa bàn các đồn biên phòng luôn gần nhau hơn, góp phần cụ thể hóa chủ trương “Ba bám, bốn cùng”, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Lớp học tại đồn Biên phòng Hướng Lập được triển khai sớm và đã đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện chủ trương về tổ chức học tập tiếng dân tộc và tiếng nước láng giềng của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), những năm qua, Đảng ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã cụ thể hóa bằng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch hằng năm chỉ đạo các đơn vị tổ chức học tập tiếng Bru-Vân Kiều và tiếng Lào.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập thường xuyên tiếp xúc với bà con Bru - Vân Kiều chiếm tới 98% số dân của xã nên từ 2022 đều đặn vào 3 buổi tối mỗi tuần cán bộ, chiến sĩ của đồn lại tập trung dạy và học ngôn ngữ của bà con để nắm được ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán từ đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tới bà con dễ dàng hơn.


Ngôn ngữ tiếng Bru - Vân Kiều đa âm, phần lớn đồng bào dân tộc trên khu vực biên giới chỉ lưu truyền bằng giao tiếp, còn chữ viết ra đời muộn và chưa được phổ biến rộng rãi. Do vậy, các tài liệu về chữ viết không nhiều, rất khó khăn trong khâu biên soạn giáo án. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc ở đây phải dùng từ mượn để thay thế vì nhiều từ cổ đã lâu không sử dụng. Vì vậy, để có giáo án lên lớp, đơn vị đã chủ động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, phối hợp tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, tập quán người Bru - Vân Kiều, thông qua các nguồn tư liệu có từ trước và thông qua trò chuyện với các già làng, trưởng bản, bậc cao niên, cán bộ tại địa phương để củng cố thêm kiến thức bổ sung vào giáo án huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ.









