Đây là đoạn trích trong bài viết ‘Những chiêm nghiệm của một Bộ trưởng Giáo dục đang ở cuối nhiệm kỳ gửi tới người kế nhiệm’ của Otto Granados - người đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giáo dục Mexico trong giai đoạn 2017-2018, và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch, Đánh giá và Điều phối từ 2015 đến 2017. Ông cũng từng là Đại sứ Mexico tại Chile, Thống đốc Bang Aguascalientes, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch, Thư ký Báo chí cho Tổng thống, và Tham mưu trưởng cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông chủ trì hội đồng tư vấn về Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Tổ chức các quốc gia Ibero-Mỹ [1], và đồng thời công tác trong ban điều hành của nhiều tổ chức giáo dục.

Bức thư của ông Otto Granados là 1 trong 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp gửi tới người kế nhiệm do GS Fernando M. Reimers giới thiệu trong cuốn sách "Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục". Sách vừa được xuất bản ở Việt Nam vào tháng 7/2021.

VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả.

{keywords}
Ông Otto Granados - Bộ trưởng Giáo dục Mexico trong giai đoạn 2017-2018. Ảnh: Courtesy

 ‘Những chiêm nghiệm của một Bộ trưởng Giáo dục đang ở cuối nhiệm kỳ gửi tới người kế nhiệm’

Nhận thức được bản chất thách thức của các vấn đề giáo dục mà Chính phủ phải giải quyết, sự khẩn cấp để giải quyết chúng và cái giả phải trả cho những sai lầm, những lãnh đạo cấp cao thường muốn chia sẻ một số điều họ đã học được với những người kế nhiệm. Tôi sẽ chia sẻ một số quan điểm của tôi ở đây, trong đó sẽ có sự kết hợp giữa những suy nghĩ mơ hồ về những thành quả cần được bảo vệ, những bài học, kinh nghiệm quý giá, và tất nhiên, những hiểu biết về sự thất bại và thất vọng. Thay vì việc chứng thực bất kỳ hành động cụ thể nào, tôi muốn chia sẻ một số chiêm nghiệm với những người sắp nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục ở bất kỳ quốc gia đang nào đang phát triển thể chế dân chủ, dưới chính thể tổng thống.

1. Hãy hỏi những câu hỏi xác đáng

Hầu hết mọi Chính phủ, bất kể được thành lập với những sự hỗ trợ chính trị dồi dào, vừa phải hay tối thiểu, đều có khuynh hướng trở nên áp đảo một cách tự nhiên. Ý tôi là họ sẽ muốn tái tạo lại đất nước và bắt đầu những thay đổi căn bản trong các nhiệm kỳ tổng thống ngắn - điều đặc trưng ở các quốc gia không cho phép tái cử lại ngay lập tức. Ví dụ, vào năm 1982, khi phe Xã hội giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha, một trong những bộ trưởng mới hứa rằng họ "sẽ thay đổi đất nước đến mức mà ngay cả mẹ của họ cũng không nhận ra đất nước này được nữa".

Trong giáo dục, cũng như trong các lĩnh vực khác như y tế hoặc phát triển xã hội, những thay đổi căn bản ngay lập tức là không thể vì nhiều lý do, bao gồm quy mô đông đúc của những người chịu tác động, cũng như việc cần có thời gian để đạt được các thành quả nhất định. Việc chuyển đổi hệ thống giáo dục sẽ chỉ đạt được thông qua các quá trình lâu dài và từ tốn. Vì vậy, nếu bạn vừa đảm nhận vai trò mới của mình trong Bộ Giáo dục, hãy cố gắng và đặt câu hỏi đúng về các vấn đề như tuyển sinh, chất lượng giáo dục hoặc các điều kiện ảnh hưởng đến sự biến động xã hội và kinh tế. Thực tế, hãy tự hỏi những gì bạn muốn đạt được vào cuối nhiệm kỳ và cách bạn muốn chứng minh cho thành tựu của mình, lý tưởng nhất là thông qua những dữ liệu có thể đo lường, so sánh và đáng tin cậy. Đó là điều mà những người đương nhiệm sẽ hỏi vào cuối nhiệm kỳ của bạn, đồng thời cũng là cách mà Chính phủ kế nhiệm sẽ đánh giá công việc của bạn.

2. Dành vốn chính trị đầu nhiệm kỳ của bạn cho những quyết định khó khăn

Không giống như trong thị trường kinh tế hay tài chính, nơi bạn luôn tìm cách tăng và tiết kiệm tài nguyên của riêng mình, điều ngược lại nên được thực hiện trong chính trường: bạn phải sử dụng vốn chính trị của mình khi bắt đầu nhiệm kỳ, khi chúng có thể đang ở mức cao nhất, để đưa ra những quyết định khó khăn nhưng quan trọng, ngay cả khi những quyết định đó có vẻ lạc lõng. Lời giải thích rất đơn giản: quyền lực chính trị của bạn sẽ nhanh chóng tiêu tan, những lãnh đạo trong cùng nhiệm kỳ với bạn sẽ trở nên dữ tợn và tàn nhẫn, và hoàn cảnh chính trị có thể sẽ thay đổi. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm Đối thoại Inter-American, trong khoảng năm 2000 đến 2015, nhiệm kỳ trung bình của một Bộ trưởng Giáo dục chỉ kéo dài gần hai năm, vì vậy, đừng để cho bất kể sai lầm nào có cơ hội manh nha. Trong số hàng trăm cải cách giáo dục với mục đích và phạm vi đa dạng được thực hiện trong năm mươi năm qua, những cải cách có mục tiêu không gây căng thẳng và xung đột là rất hiếm thấy. Những cải cách thực sự thường ảnh hưởng đến lợi ích của các đoàn thể, bộ máy quan liêu, các đảng phái chính trị, các nhà lập pháp và thậm chí cả cả các tổ chức phi chính phủ. Như một điều hiển nhiên, cải cách mà không có những xung đột thì không phải là một cuộc cải cách. Nếu bạn nghiêm túc về việc bắt đầu một cuộc cải cách giáo dục mang tính hệ thống hoặc cấu trúc ở đất nước của bạn, bạn phải nhận thức được yếu tố thời điểm, bởi vì trong chính trị, như người ta vẫn nói, “người đưa thư không bao giờ bấm chuông hai lần”.

3. Chính trị, không phải chính sách

Trong hầu hết mọi lĩnh vực chính sách, đều có rất nhiều các “chuyên gia” và “nhà chuyên môn”, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nơi vốn dĩ có rất nhiều các học giả, cũng như học sinh và giáo viên. Vào năm 1971, Walter Mondale [2] đã từng nói rằng trong chính sách giáo dục, “với mỗi nghiên cứu, thống kê hoặc giả thuyết có kèm theo một giải pháp hoặc khuyến nghị, luôn tồn tại một nghiên cứu, thống kê hoặc giả thuyết khác được soạn thảo rất chỉn chu để thách thức những giả định hoặc kết luận của các nghiên cứu ban đầu”. Ông đã đúng. Bạn cần phải học, lắng nghe, phân tích, so sánh các luận cứ và xem xét các dữ liệu. Nhưng sau cùng, hãy nhớ rằng những điều hợp lý được hoan nghênh chính là chính trị. Chính trị chứ không phải chính sách, mới là điều quan trọng để đạt được những mục tiêu của bạn. Bởi thế, hãy tin cả những cảm nhận thông thường của bạn.

4. Quản trị chính là quản lý ngân sách

Cho dù chúng ta có thích hay không, vai trò chính của người lãnh đạo là xác định sự ưu tiên và phân bổ các nguồn lực. Trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ở các nước mới nổi, có một quan niệm sai lầm rất lớn, đánh đồng việc chi tiêu ngân sách lớn hơn với kết quả giáo dục tốt hơn. Điều này không hề đúng. Thực tế, việc rơi vào cái bẫy đó sẽ tạo ra những động cơ không trong sáng cho các quan chức, để rồi sau này họ sẽ phân bổ các nguồn lực một cách không hợp lý. Kết quả kém sẽ là hậu quả tất yếu của việc phân bổ nguồn lực cho các cấp giáo dục với tỷ lệ lợi tức xã hội thấp nhất, hoặc bởi cac quan chức nhà nước quyết định sử dụng nguồn lực công chủ yếu cho quỹ lương. Bạn nên loại bỏ quan niệm sai lầm này, và thúc đẩy ý tưởng rằng trong bất kỳ quyết định nào liên quan đến chi tiêu giáo dục, việc chi tiêu khôn quan sẽ được ưu tiên hơn, so với việc gia tăng kinh phí.

5. Xây dựng những liên minh bao quát và hiệu quả hướng tới sự thay đổi

Hệ thống giáo dục ở những quốc gia mới nổi – hay nói rõ ràng hơn, ở những nơi mà hệ thống giáo dục bị chi phối bởi các bộ máy chính trị quan liêu, thường được coi là rất bảo thủ. Lãnh đạo những hệ thống giáo dục quan liêu này đã quen với việc hưởng thụ thực trạng, sống trong một hệ sinh thái thuận lợi và có thể lường trước được mọi vấn đề, nơi họ luôn nhận được những lợi ích, nắm bắt các nguồn lực công cộng và tận dụng ảnh hưởng của họ để quyết định sự nghiệp của giáo viên. Điều này không hẳn chính xác, bởi một số tân Bộ trưởng tin rằng giáo viên hoàn toàn không được bảo vệ, và họ lệ thuộc hoàn toàn vào sự hào phóng của Chính phủ để có thể phát triển được bản thân. Thách thức tối quan trọng chính là việc thiết lập những liên minh chính trị, truyền thông và dân sự sẵn lòng cân nhắc rằng sự bất ổn ngắn hạn là cái giả nhỏ phải trả cho một sự thay đổi thực sự, và việc hỗ trợ cho những chuyển hoá đích thực của bất kỳ một hệ thống giáo dục nào cũng đều thích đáng. Trong thực tế, nếu cuộc cải cách mà bạn thúc đẩy thực sự làm rung chuyển mọi thứ, điều đó có nghĩa rằng bạn đang đi đúng hướng. Không những vậy, bạn còn nên cố gắng để tạo ra những khích lệ đúng đắn, để có thể nhận được sự hỗ trợ từ công chúng, bất kể việc tiến hành cải cách có trở nên rắc rối đến nhường nào.

6. Không có đường tắt trong việc chuyển đổi giáo dục

Kể từ khi cuộc tranh luận quốc tế xung quanh các đánh giá xuyên quốc gia bắt đầu khoảng hai thập kỷ trước, với việc điều hành các bài đánh giá như PISA, TALIS, PIAAC và các bài đánh giá quốc gia khác nhau, hầu hết mọi Bộ trưởng Bộ Giáo dục đều phải đối mặt với giai đoạn thất vọng sau khi kết quả của các bài đánh giá này được chia sẻ với đông đảo cử tri. Bởi lẽ, những kết quả này thông báo cho cử tri rằng hệ thống giáo dục của họ không hề đứng đầu bảng xếp hạng quốc tế. Như những mong mỏi thường tình, bất kỳ Bộ trưởng Bộ Giáo dục nào cũng muốn đất nước của mình trở thành một trong những nước có thành tích cao nhất trong khi họ vẫn còn tại vị và được hưởng một số lợi tức chính trị từ những nỗ lực của họ. Thật không may, điều này thường là không thể, vì một số lý do. Đầu tiên, việc chuyển đổi bất kỳ hệ thống giáo dục quốc gia nào sẽ mất ít nhất 20 đến 30 năm và không có nhiệm kỳ chính trị nào có thể duy trì trong một khoảng thời gian như vậy. Một lý do khác thậm chí còn quan trọng hơn: các mục tiêu giáo dục không thể được đo lường đơn giản bằng các bài kiểm tra, mà cần được đo thông qua thành quả, sự tiến triển về kinh tế và xã hội trong suốt cuộc đời của mỗi học sinh.

Những sự tiến triển ấy có thể là kết quả của việc tiếp cận với một nền giáo dục tốt – nền giáo dục có thể tạo ra những tác động tới năng suất quốc gia, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thế nhưng để đánh giá xem những thành quả này có thực sự được gặt hái hay không, phương án duy nhất lại nằm ở tương lai dài hạn.

7. Sáng tạo và cải tiến không thôi thì chưa phải là tái thiết: bền bỉ liên tục mới là mấu chốt

Sau mỗi một nhiệm kỳ Chính phủ, các quan chức mới thường có xu hướng truyền thông rằng mọi thứ trong quá khứ thực sự tồi tệ, và những ngày ảm đạm cuối cùng cũng đã kết thúc. Điều này chưa bao giờ là đúng cả. Trên thực tế, sự hứa hẹn cải tiến ngay lập tức là tự sát, vì việc thiết kế các chính sách công hiệu quả chỉ sau một đêm là không thể. Hầu hết mọi ngành đều phải đối mặt với nhiệm vụ bất khả thi ấy. Trong ngành giáo dục, nó còn hiển nhiên hơn bởi các quy trình cải tổ phụ thuộc vào các vòng đời chính sách dài hạn, đòi hỏi sự phân bổ liên tục và có tổ chức các yếu tố đầu vào trong những khoảng thời gian dài. Do đó, thách thức chính nằm ở việc tìm ra cách để cải thiện các chính sách và chương trình đã có sẵn trong hệ thống giáo dục quốc dân, và hiện hữu các nỗ lực cải tổ ấy như là những cấu thành của các chính sách khác nhau.

8. Những nhiệm kỳ Chính phủ: những người bạn, đồng minh, đối thủ và kẻ thù

Nếu bạn đang có kế hoạch trở thành một Bộ trưởng Giáo dục tốt, xin hãy quên đi những khát vọng chính trị của chính bạn. Ít nhất là đối với trường hợp của Mỹ Latinh trong năm thập kỷ qua, không có Bộ trưởng Giáo dục nào trở thành Tổng thống. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ đã suýt có khả năng thành Tổng thống, và một trong số đó là bởi những lý do hoàn toàn tình cờ. Từ bỏ tham vọng chính trị của bạn sẽ mang lại cho bạn một lợi thế lớn, bởi vì các quan chức hàng đầu và các ứng cử viên tiềm năng khác sẽ không coi bạn là đối thủ chính trị hay kẻ thù, mà là một người bạn, một đồng minh, và hỗ trợ tất cả những nỗ lực của bạn. Trên thực tế, có hai nhân tố trong Chính phủ nên là đồng minh chính của bạn. Một là sếp của bạn: nếu Tổng thống không tôn trọng ý kiến của bạn, đưa ra các quyết định không hiệu quả hoặc vô lý liên quan đến chính sách giáo dục hoặc hạn chế quyền tự do của bạn, bạn sẽ lạc lối – có thể vì ông ấy biết nhiều về các chính sách giáo dục hơn bạn, hoặc ông ấy không chia sẻ tầm nhìn của bạn về giáo dục, hoặc thậm chí vì đơn giản là không quan tâm đến những gì bạn đề xuất. Bất kể với lí do nào đi nữa, bạn đều thất bại. Nếu điều này xảy ra, hãy chủ động gói gém hành trang. Đồng minh liên quan khác của bạn là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với vị Bộ trưởng này, bạn có thể là ưu tiên thứ ba hoặc thứ tư, có thể sau các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, cơ sở hạ tầng hoặc y tế. Tuy nhiên với vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục của bạn, đó lại là đồng minh quan trọng nhất mà bạn nên có.

9. Mọi lợi ích và phí tổn của cuộc cải cách giáo dục phải được truyền đạt rõ ràng

Trừ khi bạn là một người hoài nghi hoặc không thực sự quan tâm đến tiến bộ giáo dục, ngay từ lúc bắt đầu, bạn phải trung thực với các cử tri của mình. Nếu mục tiêu của bạn khi kết thúc nhiệm kỳ là sự tiến bộ hiện hữu trong các bài đo nghiệm quốc gia, sự dịch chuyển kinh tế xã hội đến với nhiều người hơn, hay thậm chí là những nhận thức rõ rệt về các cải tổ của hệ thống giáo dục (ngay cả khi những nhận thức này khó có thể đo đếm được), thì nghĩa vụ của bạn là trực quan hoá và xác định những mục tiêu có thể đạt được trong khoảng thời gian một vài năm. Bạn phải rõ ràng về thực tế rằng việc xây dựng một hệ thống giáo dục xuất sắc (biết đâu một ngày nào đó có thể là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới), sẽ mất nhiều năm và qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Trong khi đó, những lời hứa hẹn chỉ để đổi lại những lợi ích chính trị ngắn hạn, lại hoàn toàn là sự giả dối.

10. Hãy quên đi các chiến dịch tranh cử

Hơn hai mươi lăm năm trước, bậc thầy quản lý Peter Drucker đã công bố một số quy tắc mà ông cho rằng các Tổng Thống nên tuân theo nếu họ thực sự muốn thành công. Ông khuyến nghị rằng họ không nên ngoan cố làm những gì họ muốn làm, mà phải chấp nhận bối cảnh chính trị thực tế; để tập trung và không làm tình hình trở nên tung tóe, đổ bể. Họ nên hiểu rằng một nhà lãnh đạo hiệu quả cần nhận thức được rằng không có chính sách nào mà lại không có rủi ro, và cũng có thể cân nhắc thực hành lời hứa mà người tiền nhiệm Harry Truman đã dành cho Tổng thống đắc cử John F. Kennedy: “Khi bạn đã đắc cử, hãy dừng chiến dịch tranh cử". 

[1] Tổ chức bao gồm các quốc gia châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và Guinea Xích đạo ở châu Phi (người dịch).

[2] Phó Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ (từ năm 1977 đến 1981). Năm 1971, ông là Thượng nghị sĩ bang Minnesota (người dịch).

Otto Granados

Trích "Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục" - Tác giả: GS: Fernando M. Reimers.

Dịch giả: Hoàng Anh Đức, Lê Anh Vinh

Bản quyền: Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS