- Với 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đội tuyển Olympic Vật lí quốc tế lần thứ 56 (IPhO) đạt kết quả cao nhất trong lịch sử tham gia từ trước đến nay. Họ đều xứng đáng là những chàng trai vàng của Olympic Vật lí Việt Nam. Mỗi chàng trai lại mang theo câu chuyện riêng về niềm đam mê với Vật lí.
Chàng trai giành cú đúp HCV
Hơn 22h đêm tại cửa ra cảng quốc tế Sân bay Nội Bài hôm nay đông hơn thường lệ. Đó là thời điểm máy bay chở đoàn Olympic Vật lí quốc tế 2017 từ Indonesia hạ cánh.
Từ hơn 1 tiếng trước, người thân, bạn bè, các thầy cô giáo và phóng viên đã có mặt để đón chờ giây phút những chàng trai vàng Olympic Vật lí Việt Nam trở về Việt Nam.
Năm nay, Việt Nam giành 4 huy chương vàng (HCV) và 1 huy chương bạc (HCB), mức thành tích kỷ lục của Việt Nam trong gần 40 năm tham gia các kỳ Olympic Vật lí quốc tế.
(Video Nguyễn Thế Quỳnh chia sẻ vì sao không chọn Toán mà chọn Lý dù từ lớp 1-9 học chuyên Toán và dự định tương lai)
Nguyễn Thế Quỳnh, Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) có lẽ là chàng trai đặc biệt nhất trong đội tuyển IPhO năm nay khi em là người duy nhất giành cú đúp HCV của đội.
Có lẽ đã quen với ống kính máy ảnh, Quỳnh cũng là thành viên có cách trả lời tự tin và khá thoải mái trước những câu hỏi mà cánh phóng viên dồn dập hướng về phía mình.
Quỳnh chia sẻ, gia đình em không có ai theo ngành Vật lí. Bố em mất từ khi em mới học lớp 9 còn mẹ thì buôn bán ngoài chợ hàng ngày để nuôi 2 anh em khôn lớn. Việc học tập và định hướng đều do Quỳnh chủ động.
Lúc thi vào Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), Quỳnh đỗ cả lớp chuyên Toán và lớp chuyên Lý, nhưng Quỳn đã chọn vào lớp chuyên Lý. Từ đó, Quỳnh mới bắt đầu theo đuổi, đào sâu những kiến thức trong lĩnh vực mà em nói rằng liên quan nhiều tới các ứng dụng dù trước đó em học đều học chuyên Toán.
Quỳnh nói rằng em không cảm thấy hối tiếc vì đã chuyển từ Toán sang Vật lí, bởi ở môn Vật lí, em vẫn sử dụng được Toán và quan trọng hơn là ở Vật lí, em được thỏa mãn niềm đam mê được ứng dụng các kiến thức khoa học vào thực tế.
Có mặt tại sân bay từ rất sớm nhưng người mẹ của chàng trai 2 lần liên tiếp giành HCV Vật lí có vẻ khá ngại ngùng. "Quỳnh là đứa con ngoan, chăm học" - đó là nhận xét ngắn gọn mà chị Trần Thị Vi Hạnh nói về con trai của mình.
Nói về tương lai, Quỳnh vẫn giữ mơ ước đi du học kỹ sư vật lí ngành khoa học vật liệu ở một trường ĐH nào đó của Mỹ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại của gia đình, Quỳnh đã nộp hồ sơ vào hệ cử nhân tài năng Khoa Vật lí của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Hai nam sinh Hà Thành và những người hâm mộ đặc biệt
Là một trong 2 chàng trai Hà Nội của đội tuyển Vật lí song Đinh Anh Dũng, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lại có vẻ khá kiệm lời và lúng túng trước ống kính.
Anh Đinh Văn Thắng, bố của Dũng cũng chia sẻ, ở nhà Dũng là đứa con trai khá ít nói. Tuy nhiên, việc học hành của Dũng thì bố mẹ không thể chê vào đâu được.
Đinh Anh Dũng bên cạnh fan hâm mộ đặc biệt của mình. |
Vợ chồng anh Thắng đều công tác tại một trường đại học, anh giảng dạy lĩnh vực điện, điện tử còn bà xã giảng dạy trong lĩnh vực địa chất. Anh Thắng nói, có lẽ một phần ảnh hưởng từ công việc của bố và mẹ nên niềm đam mê với Vật lí của Dũng được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ.
Đinh Anh Dũng cũng chia sẻ điều này dù em không thể giải thích thật rành rõ, sự ảnh hưởng của công việc của bố tới niềm đam mê của mình như thế nào. Dẫu vậy, Dũng đinh ninh rằng, em sẽ còn đeo đuổi niềm đam mê này trong tương lai.
Điều đáng nói là dù khá ít nói song trong số những người tới đón Dũng lại có những người rất đặc biệt. Em Đỗ Đức Minh, năm nay mới học lớp 6 cùng Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng vì quá "hâm mộ" anh Dũng và cũng có ước mơ sẽ theo đuổi Vật lí nên đã đòi bố đưa ra sân bay để được gặp anh Dũng ngay tại sân bay.
Dũng cho biết hiện tại, em đã nộp hồ sơ vào ngành Cơ điện tử hệ tài năng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dù trước đó em đã đậu vào 2 trường ĐH của Singapore. Tuy nhiên, ước mơ của Dũng vẫn là sau này sẽ đi du học để tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê Vật lí của mình.
Tạ Bá Dũng, Trường THPT chuyên KHTN gây ấn tượng với vóc người cao hơn hẳn các bạn khác trong đội tuyển Vật lí. Dũng là thành viên thứ 3 của đội tuyển giành HCV năm nay.
Tạ Bá Dũng nhận hoa từ đại diện Bộ GD-ĐT. |
Theo lời kể của chị Đỗ Thanh Hà, mẹ Tạ Bá Dũng, gia đình không hướng Dũng đến việc chỉ biết học và học nên ngoài thời gian học, Dũng còn tham gia nhiều hoạt động khác, từ tenis tới chơi đàn piano, thậm chí có nhiều thời gian Dũng còn chơi game.
"Đặc điểm nổi bật của Dũng là khá chín chắn, đã đam mê cái gì là làm tới cùng chứ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng" - chị Hà nhận xét về con trai đồng thời cho biết, Dũng đam mê Vật lí từ những năm cấp 2 trong những giờ học thực hành đầu tiên và theo đuổi nó đến tận bây giờ.
(Video chị Đỗ Thanh Hà, mẹ Tạ Bá Dũng chia sẻ về niềm đam mê Vật lí của con trai)
Trong số những người tới đón Dũng ở sân bay còn có một cụ ông hàng xóm rất thân thiết và yêu quý Dũng. Chị Hà cho biết, cụ ông nhà ngay ở bên cạnh, chứng kiến Dũng từ khi bé tí cho tới lúc lớn lên nên rất quý Dũng. Biết Dũng đoạt HCV, ông đặc biệt muốn ra tận sân bay để đón dù tuổi tác đã cao.
Giống như người bạn Hà Nội của mình, Dũng chọn ngành cơ điện tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để theo học. Dũng cho biết, đây có thể là lựa chọn bước đầu để em có thể theo đuổi đam mê của mình.
Đôi bạn của trường Phan thành Vinh
Trần Hữu Bình Minh và Phan Tấn Linh là 2 người bạn cùng lớp ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Năm nay, Minh giành được HCV còn Linh là người giành được HCB.
Bình Minh chia sẻ, em đam mê Vật lí từ năm cấp 2 vì từ nhỏ đã ham thích tìm hiểu khoa học và những vấn đề liên quan tới công nghệ. Còn Tấn Linh thì có bố là giáo viên Vật lí nên từ nhỏ cũng đã có sẵn niềm đam mê với môn khoa học này.
Video Trần Hữu Bình Minh chia sẻ về tình bạn của 2 bạn trường chuyên Phan Bội Châu.
Minh chia sẻ, đôi bạn bắt đầu thân nhau từ khi vào đội tuyển, khi đó, cả 2 bắt đầu tới ôn tập tại nhà thầy Trần Văn Nga. Trong những tháng ngày sau đó, đôi bạn trường Phan khá thân thiết và hỗ trợ nhau tối đa trong việc học tập và cuộc sống.
Còn với Linh, mặc dù không giành được HCV như các bạn khác trong đội song tấm HCB đã là một kỳ tích đối với em. Lần trước, Linh cũng nằm trong đội tuyển dự thi Olympic Vật lí châu Á nhưng không có cơ hội tham gia. Đó là sự tiếc nuối đối với em.
Lần này, dù chỉ đoạt HCB nhưng đối với gia đình và bản thân Linh điều đó không làm giảm đi niềm vui của em. Chia sẻ ngay lúc bước ra khỏi cánh cửa sân bay trong vòng tay của người thân, Linh chia sẻ: "Lúc đó em cũng rất vui nhưng chỉ được nhìn thấy bố mẹ trên điện thoại. Giờ đây, được gặp mọi người, em cảm thấy rất vui và xúc động".
Việt Nam có thể sánh ngang các nước mạnh về Vật lí
Trong phần phát biểu chỉ kéo dài chưa tới 2 phút, PGS.TS Nguyễn Thế Khôi, Trưởng đoàn Olympic Vật lí quốc tế 2017 của Việt Nam dành phần lớn cho những lời cảm ơn.
Thầy Khôi cho biết, với 4 HCV và 1 HCB, đứng thứ 5 toàn đoàn, đây là thành cao nhất của Việt Nam trong các kỳ Olympic từ trước tới nay.
"Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của các em. Chúng tôi rất vui các em học sinh được chuẩn bị tương đối tốt, đi đấu trường quốc tế đạt được kết quả cao, có thể sánh ngang được với những nước tương đối mạnh về vật lí" - thầy Khôi nói. "Đó là điều rất đáng mừng".
Phan Tấn Linh, chàng trai giành HCB xuất hiện trong vòng tay của người thân, gia đình. |
Đại diện Bộ GD-ĐT đón những chàng trai Olympic Vật lí trở về, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng khẳng định, cùng với các đoàn Toán, đoàn Hóa, đoàn Olympic Vật lí đã làm tỏa sáng trí tuệ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Đây là minh chứng cho thấy, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
Ông Trinh cũng khẳng định, thành tích đoàn Olympic Vật lí là thành tích có tích chất đột phá trong đó phải nói đến sự nỗ lực rất lớn của các em cũng như các thầy hướng dẫn.
"Nhìn vào thành tích các đoàn Olympic năm nay thì thành quả ấy không chỉ tập trung ở 1 số các tỉnh như trước đây mà mở rộng ra cả nước. Năm nay thi Olympic khu vực và quốc tế có từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu cho tới Hà Nội và TP.HCM… Sự phát triển khá đồng đều trong khắp cả nước"- ông Trinh nói. "Đây là thành quả bước đầu đáng khích lệ trong công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam".
Lê Văn