“Khi nào lớn con sẽ biết”
Cha mẹ nào cũng muốn con thông minh, giàu sức sáng tạo. Những đứa trẻ thông minh là những đứa trẻ hiếu kì, thích quan sát, thích tìm tòi những điều chưa biết. Vì thế, nếu muốn trẻ lớn lên cầu tiên và thông minh, cha mẹ cần có sự kiên trì giải thích tỉ mỉ cho trẻ hiểu khi chúng đặt ra câu hỏi tại sao.
Những câu hỏi của trẻ đôi lúc rất kỳ quặc thường khiến bố mẹ rơi vào hoàn cảnh lúng túng, ví dụ “tại sao nước biển lại mặn, tại sao nước mắt cũng mặn”. Vì không biết đáp án chính xác là gì, ngại tìm hiểu, lại có tâm lý con còn nhỏ, nên thường các cha mẹ sẽ trả lời quanh co “đợi khi nào con lớn thì con sẽ biết”, hay cũng có thể mắng chúng “học thì không chịu học, hỏi nhiều như vậy làm gì”.
Điều này vô tình đã bóp nghẹt đi trí tò mò ở con trẻ. Thật không ngờ rằng, chính câu nói vô thưởng vô phạt này đã khiến cha mẹ chúng ta đánh mất đi trí thông minh và óc sáng tạo của con mình trong tương lai.
Khi trẻ đặt câu hỏi về một vấn đề chúng ta cũng “mù tịt”, cha mẹ hãy nhẹ nhàng nói với con “bố mẹ cũng không biết, giờ chúng ta sẽ cùng ngồi đọc xem trong sách nói như thế nào nhé.”
Khi cùng con đọc sách, tìm câu trả lời, một mặt khiến cho cha mẹ-con cái gần gũi hơn, quan trọng hơn, giúp trẻ nhận thức được rằng "không biết" hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ cả, không biết mà giả vờ biết thì mới là sai lầm.
“Chạy nhảy lắm thế? Vào nhà học ngay!”
Rất nhiều phụ huynh đều có suy nghĩ tiêu cực này, cho rằng vận động là lãng phí thời gian và sức lực, thời gian đó dành để học có tốt hơn không?
Nhưng thực ra vận động có quan hệ trực tiếp với sự phát triển trí tuệ.
Một ngôi trường cấp 2 ở gần Chicago, Mỹ đã thực hiện kế hoạch tập thể dục vào tiết 0, tức là yêu cầu học sinh 7 giờ sáng phải đến trường chạy bộ, vận động cho đến khi nhịp tim đạt đến mức cao nhất hoặc khi cơ thể hấp thu tối đa 70% lượng oxy, sau đó mới chính thức lên lớp.
Thời gian đầu các bậc phụ huynh đều có ý kiến phản đối, vì bắt bọn trẻ dậy sớm để đến lớp, sau đó còn phải ra sân chạy vài vòng, như vậy chẳng phải sẽ khiến chúng ngủ gật trong giờ học sao? Tuy nhiên, kết quả cho thấy lại hoàn toàn ngược lại, học sinh không những tỉnh táo hơn, không khí học trên lớp rất tốt, hơn nữa khả năng tập trung và trí nhớ của chúng cũng được nâng cao đáng kể.
Thì ra khi vận động, cơ thể của chúng ta có thể sản sinh ra các chất gây hưng phấn, vui vẻ, suy nghĩ thích cực, kích thích trí nhớ, giảm tính hung hăng, giảm nguy cơ trầm cảm. Khi được vận động, tư duy phản xạ của các con được cải thiện và hiệu quả học tập cũng được nâng cao.
Chính vì vậy, sau khi được vận động, con trẻ sẽ có tâm lý vui vẻ, học hành chuyên tâm, nhớ nhanh học tốt, sự tự tin và lòng tự trọng cũng được tăng lên.
Ngoài ra, duy trì thói quen vận động cho đến khi trưởng thành sẽ giúp các con rất nhiều trong cuộc sống. Nó mang đến cho các con vóc dáng khỏe mạnh, cân đối, tinh thần sảng khoái, yêu đời. Là yếu tố quan trọng giúp các con “băng băng” vượt qua mọi áp lực, khó khăn.
“Cứ hè đến là chúi mũi vào trò chơi điện tử độc hại, tắt ngay!”
Chúng ta thường khen trẻ em nước ngoài thông minh, nhanh nhẹn, tính tự lập cao. Lý do đơn giản vì bố mẹ của chúng không quan tâm đến con cái một cách thái quá như chúng ta.
Chúng ta thường cho rằng bọn trẻ còn nhỏ, không biết tự quản lý thời gian, nghỉ hè là sa đà vào những trò vô bổ. Nhưng nếu nới lỏng tay để các bé thử một lần, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện ra chúng rất tự chủ đối với việc sắp xếp cuộc sống của mình.
Trước tiên cần phải lưu ý một điều: tin tưởng vào sự sắp xếp thời gian của con trẻ không có nghĩa là mặc kệ chúng tùy ý làm gì thì làm. Trước khi cho chúng quyền lợi này, nhất định phải để chúng hiểu được sự quý báu của thời gian, để chúng được hưởng thụ niềm vui khi được làm những việc mà mình yêu thích. Nếu không muốn bố mẹ nhắc nhở nhiều, điều đầu tiên là phải biết tôn trọng và đồng ý làm theo điều kiện của bố mẹ.
Ví dụ, bé trai nào cũng ham chơi điện tử, bố mẹ nào cũng lo con ham quá mà quên ăn quên ngủ, nhất là vào kì nghỉ hè. Có bố mẹ nhốt con trong nhà, cắt mạng internet, giao thật nhiều việc nhà để con không có thời gian chơi. Đó là một hành động sai lầm.
Các bố mẹ hãy thử một cách khác, như là thỏa thuận, chỉ cần làm xong việc cần làm trong ngày, thì thời gian còn lại thích chơi gì thì chơi. Hàng ngày bố mẹ sẽ kiểm tra trước khi đi ngủ, chỉ cần vi phạm một lần thì thỏa thuận này sẽ bị hủy bỏ.
Con được giao cho “đặc quyền” như thế, sau khi chơi điện tử mệt, chắc chắn nó sẽ đứng dậy lau nhà, tưới cây, vận động gân cốt... Chơi nhiều quá, trong lòng có cảm giác tội lỗi, thế nên nó cũng chịu khó dành thời gian để đọc sách hơn. Nó không muốn mất đi “đặc quyền của mình, cũng không muốn làm mất đi sự tin tưởng của cha mẹ.
Nói đến việc sắp xếp thời gian, mới đầu có thể chúng bố trí còn chưa tốt, nhưng chỉ cần chúng ta không can thiệp quá nhiều, ngược lại hãy nên ủng hộ, định hướng cho con. Như vậy, dần dần con sẽ học được cách điều chỉnh, quản lý và làm chủ bản thân mình. Kỹ năng này quyết định phần lớn sự thành công của con trẻ trong tương lai.
(Theo Trí Thức Trẻ)