Tuổi trẻ là khoảng thời gian chúng ta có nhiều nỗi suy tư khi bản thân đón nhận thực tế cuộc sống. Đây là giai đoạn con người ta va đập mạnh mẽ giữa suy nghĩ cá nhân và thực tiễn xã hội. Chính giai đoạn này hình thành nhân sinh quan và thế giới quan của một người. Chúng ta thường đặt ra một độ tuổi nhất định để nói rằng một ai đó đã đến tuổi trường thành. Tuy nhiên, đánh giá mức độ trưởng thành của ai đó không thể chỉ đánh giá thông qua tuổi tác. Chúng ta còn xét “độ trẻ” trong tâm hồn và cách họ nhìn nhận cuộc sống xung quanh.
Cách nhanh nhất để hiểu cách một người tư duy về thế giới là đặt câu hỏi. Việc liên tục đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời mang đến nhiều trăn trở thú vị. Từ đó, mọi người hiểu nhau hơn. Câu hỏi trở thành chiếc cầu nối vô hình gắn kết con người lại với nhau. Người trẻ đang trong giai đoạn khám phá thế giới nên mức độ đặt câu hòi và tìm kiếm câu trả lời ngày càng nhiều.
Cuốn sách 39 câu hỏi dành cho người trẻ của tác giả Phan Đăng không những giúp cho người trẻ hiểu hơn về cuộc sống qua góc nhìn đa chiều mà còn giúp mỗi người chúng ta dành thời gian soi lại mình. Và từ đó tiếp tục hành trình khám phá cuộc sống.
Người trẻ cần làm gì trong thời đại thông tin nhanh?
Những thông tin hàng ngày chúng ta tiếp nhận từ việc chứng kiến, nghe thấy hay đọc qua các trang mạng xã hội, báo đài… ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người. Chúng ta thường phản ứng nhanh trước các tin tức hàng ngày, vội đưa ra lời phán xét hay đánh giá một vấn đề thực tế. Nhưng sau đó lại quên bén đi rằng mình đã từng có nhận định thế nào.
Điều này thể hiện rõ qua các scandal hay tin “giật gân” về một ai đó trên các trang mạng xã hội. Hôm nay, cô ca sĩ này nhanh chóng trở thành “trà xanh” trong mắt mọi người. Hôm kia, một vị doanh nhân đình đám bỗng chốc phá sản vì chứng khoán. Bạn đọc thường phân thành bốn nhánh: nhánh thứ nhất nhanh chóng phản bác đối tượng chịu scandal như sự trút giận hả hê về điều gì đó mình không thích; nhánh thứ hai bình chân như vại không đưa ra phán xét gì; nhánh thứ ba tìm cách khích lệ và bày tỏ ý kiến bênh vực đối tượng; và nhánh cuối cùng là im lặng chờ đợi điều gì sắp xảy ra. Dù bạn thuộc nhánh độc giả nào đi nữa việc người trẻ nhìn nhận vấn đề cũng thể hiện được một phần cách các bạn ứng xử và thích nghi đời sống.
Ưu điểm của thông tin nhanh không dừng lại ở việc người trẻ có cơ hội tiếp xúc với khối tin tức đa dạng mà thời bố mẹ khó tìm thấy. Đây là lợi thế đặc trưng của thế hệ. Ai biết tận dụng sẽ giúp bản thân phát triển nhanh, theo kịp xu hướng thị trường và được các nhà tuyển dụng chú ý, hoặc kênh thông tin hữu hiệu để mỗi người trẻ xây dựng thương hiệu cá nhân. Từ đó định vị được thương hiệu của bản thân - một môn học quan trọng mà hầu hết các trường đại học phát triển trên thế giới đều đưa vào chương trình giảng dạy. Thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi mỗi người trẻ phải học hỏi không ngừng và bày tỏ suy nghĩ cá nhân trên các kênh thông tin xã hội.
Người trẻ cần thay đổi như thế nào để thích nghi với thời đại hậu Covid?
Covid-19 xảy ra kéo dài hơn hai năm đã ảnh hưởng lớn không những đến nền kinh tế thế giới mà còn tác động không hề nhỏ đến con người. Đặc biệt là người trẻ - nhóm tuổi dễ chịu tác động bởi các biến đổi. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng dễ thích nghi nhất trong các thang đo mức độ trưởng thành.
Nếu như trước đây, hầu hết người trẻ đều chọn con đường rời thôn quê lên thành phố học tập và ở lại làm việc, thì sau dịch Covid – 19, một nhóm không hề nhỏ ngậm ngùi rời thành phố, gác lại ước mơ lập nghiệp chốn thị thành mà về quê.
Nếu trước đây, người trẻ quen với công việc văn phòng, sáng đến công ty, chiều trở về nhà, thì sau dịch, một bộ phận bạn trẻ chọn công việc tự do (freelancer) hay ngồi nhà làm việc, dịch chuyển khắp nơi làm việc thông qua nền tảng online. Xu hướng này hình thành sau dịch bệnh khiến các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng phải thay đổi kịp thời để thích nghi. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia nhân sự, xu hướng này tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do chuyển đổi thói quen công nghệ.
Đồng thời, quá trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ tạo điều kiện cho xu hướng làm việc này phát triển. Bạn có thể làm việc ở bất kỳ nơi đâu miễn là thời gian công việc được sắp xếp sao cho phù hợp tiến độ của nhóm hay yêu cầu từ các cấp quản lý.
Thời đại hậu Covid mang đến cho người trẻ nhiều thách thức nhưng là cơ hội cho ai yêu thích công nghệ, công việc linh động và không gò bó về thời gian. Thế giới phẳng ngày càng phẳng hơn, tốc độ toàn cầu hoá cũng tăng nhanh.
Thực hiện những ước mơ lớn lao từ hành động nhỏ bé
Thế giới phẳng hay nói đúng hơn là thế giới siêu kết nối đưa chúng ta đến gần nhau. Chính điều này mở ra một thế giới tương tác rộng lớn. Chưa bao giờ người trẻ phải đứng trước muôn vàn thông tin như thời đại này. Các bạn có tất cả thông tin nhưng các bạn chẳng có gì. Câu này nghe tưởng chừng không có căn cứ nhưng chỉ ra đúng các vấn đề người trẻ đang gặp phải. Một bộ phận không kiểm soát được mức độ chính xác của thông tin, từ đó tiếp thu một điều tích cực trở thành một vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận của bản thân.
Người trẻ thường quan tâm đến điều lớn lao mà xem thường những điều nhỏ bé. “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”, câu nói nổi tiếng của Edward Norton đã mở ra một học thuyết mới phù hợp với thời hiện đại. Hiệu ứng cánh bướm đưa ra lập luận: chỉ một hành động nhỏ hay một thay đổi nhỏ của chúng ta có thể dẫn đến quá trình thay đổi hàng loạt của thế giới xung quanh. Điều này thể hiện rõ ở hai khía cạnh quan trọng của cuộc sống là môi trường và công nghệ.
Internet – công nghệ thể hiện rõ nhất. Chỉ cần một tác động nhỏ trên nền tảng công nghệ có thể làm thay đổi trên diện rộng. Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Đức… công nghệ đã được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ nông nghiệp… nội thất, giao thông. Hơn bất kỳ ai, người trẻ cần phải trở thành thế hệ tiên phong trong ứng dụng khoa học – công nghệ vào trong thực tiễn đời sống. Vì đây là nền tảng của sự phát triển trong thời đại 4.0.
Dù phải thay đổi để kịp thời thích nghi với đời sống thay đổi như vũ bão hiện nay, người trẻ cần gìn giữ các giá trị nhân văn trong lối sống, đặc biệt là trong cách hành xử với người khác, đừng để “lợi ích cá nhân” lấn át đi vẻ đẹp của tình người.
Các trích dẫn tâm đắc
- Tại sao phải kiên nhẫn? Tại vì nếu không kiên nhẫn và bình tĩnh thì mỗi chúng ta sẽ bị nhốt vào một cái lồng, và tất cả những cái lồng đó lại bị nhốt chung vào một cái lồng vĩ đại.
- Khát vọng “biết hết” của động vật xã hội ghê gớm lắm.
- Nói đến chuyện “tĩnh” như một tâm thế sống, và cao hơn, một tâm thế ứng xử của tri thức trước thời cuộc, người Việt Nam nhớ ngay đến Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Suy cho cùng hạnh phúc có thật là cảm giác thoả mãn hay không?
- Kiên nhẫn với một con đường, kiên nhẫn với cái tử tế, kiên nhẫn với những giá trị nhân văn và tốt đẹp, điều ấy vốn dĩ không bao giờ đơn giản.
Diễn giả Thuý Duy