Chia sẻ với VietNamNet, tác giả Lê Tiên Long cho rằng: “Lịch sử luôn phản chiếu hiện tại. Đa số mọi chuyện ngày nay diễn ra đều đã từng xuất hiện ở một thời kỳ nào đó trước đây và để lại bài học cho hậu thế".

Anh lấy dẫn chứng: "Chúng ta đang tập trung nói về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong câu chuyện Vua nước ta cũng… keo kiệt và tiết kiệm, có nhiều chi tiết cho thấy các vị vua thời xưa cũng nêu cao tấm gương tiết kiệm. Chẳng hạn như vua Minh Mạng thời Nguyễn từng nói với Tổng trấn Bắc thành Lê Chất rằng: 'Nơi Tôn Miếu làm đẹp thì nên, còn nơi vua ở nên mộc mạc để tỏ đức tiết kiệm, đừng văn vẻ làm gì!'. Hay từ thời Trần, vua Trần Minh Tông đã dạy các hoàng tử: 'Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sản làm giàu không phải con ta'".

462549664_472056461898986_2196397044698876919_n.jpg
Tác giả Lê Tiên Long

Những câu chuyện lịch sử thú vị như vậy được tác giả tập hợp lại thành cuốn sách 240 trang có tựa đề Vua chúa Việt và những điều chưa biết (NXB Tổng hợp TPHCM - ra mắt tháng 9/2024).

Sách chia thành 3 phần chính: Việc quốc gia đại sự; Đời sống riêng của vua chúa Muôn chuyện ngoài cung đình. Các câu chuyện chủ yếu được ghi chép xung quanh hoạt động của các vị vua, chúa (thời Lê trung hưng, từ vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đến chúa Nguyễn ở Đàng Trong), nhưng đều cho thấy nhiều mặt của cuộc sống người dân và đất nước qua từng triều đại.

Trong Vua chi tiêu thế nào, tác giả sưu tầm những câu chuyện chính sử kể về những vị vua chúa quan tâm đến thu chi ngân sách quốc gia. Như đời vua Lê Duy Phường thời Lê mạt, năm 1730, chúa Trịnh Cương “muốn biết rõ số tiền thuế má trong nước thu vào chi ra đủ hay thiếu đã cho các quan Phủ liêu kiểm tra sổ sách và chi tiêu thực tế”.

Sang đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 4 (1851), nhà vua nói với quần thần rằng: “Gần đây của dùng có phần thiếu thốn, tất phải tính số thu vào để làm số chi ra, mới có thể tiếp tế được”. Sau đó, vua sai bộ Hộ xét số chi tiêu trong đời vua Thiệu Trị cùng các năm Tự Đức thứ 1, 2, 3, dâng lên để vua xem.

462639422_1603675263551017_8663286120457571211_n (1).jpg
Tất cả những câu chuyện trong tác phẩm này được kể lại đầy đủ, hấp dẫn với các chi tiết khai thác từ chính sử. 

Ngoài ra, trong Vua chúa Việt và những điều chưa biết còn có nhiều thông tin mà độc giả ít đọc sách lịch sử sẽ cảm thấy bất ngờ như đời sống riêng tư của các vị vua chúa, hay tìm hiểu "dung nhan" của vua chúa Việt: Vua nào được sử sách mô tả là "mặt rồng", "dáng rồng", vua nào được sứ thần nước ngoài khen là... đẹp trai? Trong yến tiệc, món vua hay đãi sứ thần Trung Quốc? 

Những chuyện bên lề cũng khá hấp dẫn như câu chuyện khi đi đánh trận, vua Trần Nhân Tông ăn cơm hẩm, còn vua Gia Long sáng tạo ra món thực phẩm “dã chiến” làm từ mắm tôm và 7 loại gia vị gồm hồ tiêu, ớt, hồi hương, quế chi, tỏi, gừng, mơ đen (ô mai) tán nhỏ hòa với nhau.

Bên cạnh đó, là các câu chuyện về đạo trị nước như: thời trẻ, vua phải học hành thế nào, đọc những sách gì và những vị vua nào đã viết sách; Làm thầy cho vua phải tuân thủ các nguyên tắc gì; Những vị thầy nào được vua kính trọng; Vua có hay nói đùa không?...

Có những câu chuyện nhiều người thắc mắc mà không biết tìm đâu ra câu trả lời như cách xưng hô của vua nước Việt khác gì vua Trung Quốc? Hành cung của vua nước Việt có “nguy nga, lộng lẫy” hay không? Vua nước Việt đi nghỉ mát thế nào hay các vua rèn luyện thân thể ra sao… cũng có trong cuốn sách này.

Vun bồi tình yêu lịch sử từ tủ sách của ông ngoại, một bác sĩ thế hệ đầu tiên sau ngày miền Bắc giải phóng, Lê Tiên Long bị cuốn hút bởi những câu chuyện của các vua chúa Việt Nam từ lúc còn là học sinh. Khi trưởng thành, dọc đường tác nghiệp, anh thường xuyên nghiên cứu sâu mảng đề tài này và viết bài cho các báo chuyên về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Vua chúa Việt và những điều chưa biết là cuốn sách đầu tiên của Lê Tiên Long, đã đem đến cho độc giả những chuyện "thâm cung bí sử" ở chốn hoàng cung chưa được nhiều tài liệu đề cập tới. Tác giả hy vọng, cuốn sách sẽ là một món ăn tinh thần nuôi dưỡng niềm yêu thích lịch sử và niềm tự hào dân tộc cho độc giả, nhất là với giới trẻ.

Ảnh: NVCC