Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi thay đáng mừng. Tuy nhiên, lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Tung Qua Lìn là xã nhỏ vùng cao biên giới, có điều kiện tự nhiên, khí hậu còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 5 bản với 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì. Trình độ dân trí thấp, ít đất sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nghèo cao. Thu nhập bình quân đầu người của Tung Qua Lìn vào khoảng 15,05 triệu đồng/người/năm.

W-tungqualin.png
Lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã Tung Qua Lìn còn không ít khó khăn

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ người dân vượt khó, thoát nghèo; trong đó, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là giải pháp hàng đầu. Một trong những giải pháp để địa phương thoát nghèo là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng cường liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ thông qua mô hình HTX, doanh nghiệp...

Với lợi thế là vùng núi cao, phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, xã Tung Qua Lìn còn tích cực vận động bà con chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn theo hướng hàng hóa thị trường; nhân rộng quy mô đàn gia cầm. 

Hàng năm, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con các bản thay đổi tập quán, canh tác; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương từ trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Đến nay, bà con các bản trồng, thu hoạch 85ha cây thảo quả trồng dưới tán rừng, hàng năm đem lại nguồn lợi nhuận lớn từ việc bán thảo quả.

Bên cạnh đó, để rừng Tung Qua Lìn thêm xanh, giữ rừng ở miền biên giới này được dân bản quy định cụ thể trong hương ước. Xã Tung Qua Lìn xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xây dựng tốt hệ thống hương ước, quy ước của thôn bản nhằm phát huy vai trò của bà con dân bản trong bảo vệ rừng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con chung tay bảo vệ, phát triển rừng thời gian gần đây có thêm những tín hiệu vui. Việc tổ chức lễ hội cúng rừng, không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, còn góp phần lưu truyền nét độc đáo của văn hóa dân tộc Mông.

Nhờ đó, nhiều năm rồi, rừng không bị xâm hại. Bảo vệ và phát triển rừng tốt, dân bản được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển thảo quả dưới tán rừng già. Đời sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc khi mầu xanh của những cánh rừng được nhân lên. Hiện tại diện tích rừng toàn xã lên tới hơn 3.000 ha, độ che phủ rừng đạt trên 85%. Tung Qua Lìn là một trong những địa phương tiêu biểu trong bảo vệ, phát triển rừng của huyện Phong Thổ.

Tung Qua Lìn đang dần đổi thay. Những con đường giao thông liên bản, liên xã được đầu tư cứng hóa hay những căn nhà mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa núi đồi. Có được những thay đổi đó là nhờ sự “chuyển mình” trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của chính quyền và người dân Tung Qua Lìn. Đây là những cơ sở để Tung Qua Lìn sớm vượt qua khó khăn, rút ngắn hành trình xây dựng nông thôn mới.