Việt Nam còn nghèo sẽ giữ được danh hiệu tháp truyền hình cao nhất thế giới bao lâu, trong khi các nước giàu sẽ phá vỡ kỷ lục này bất cứ lúc nào? Trong khi chờ đợi các đơn vị có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó, chúng ta thử nhìn lại những kỷ lục từng được xác lập của Việt Nam, người viết không khỏi ngán ngẩm.

Những cái nhất phản cảm

Ngày 29-3-2015, tại Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM, một công ty nọ được vinh danh là Đơn vị quản lý, bảo vệ số lượng hang đảo yến thiên nhiên nhiều nhất, với tổng sản lượng yến sào khai thác lớn nhất châu Á. Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, công ty này cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Đơn vị quản lý, bảo vệ số lượng hang đảo yến thiên nhiên nhiều nhất, với tổng sản lượng yến sào khai thác lớn nhất Việt Nam. Do đã quá quen với việc bỏ ra khoản chi phí từ 5 đến 50 triệu đồng để được xác lập kỷ lục, nên dân tình có vẻ không quan tâm gì lắm đến cái kỷ lục mang đậm tính quảng cáo sản phẩm kiểu này.

Trước thềm Tết Ất Mùi vừa qua, vào ngày 12-2- 2015, tại công viên Sa Đéc (Đồng Tháp), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý, tô hủ tiếu (gồm 100kg hủ tiếu, 100kg thịt heo và 600 lít nước súp...) dự kiến có thể phục vụ 1.000 người ăn đã phải đổ đi sau khi trưng bày, vì thời gian trưng bày quá lâu khiến cho hủ tiếu và rau, giá, súp trong tô phở bị hư hỏng. Không hiểu những người tổ chức kỷ lục này nghĩ gì khi cùng lúc đó, trong bối cảnh những ngày cận Tết, nhiều nơi đang chờ gạo của Chính phủ để cứu đói cho các hộ nghèo.

{keywords}

Cũng vào ngày 12-2-2015, trong buổi khai mạc Hội chợ hoa xuân Bình Điền, chiếc bánh xèo kỷ lục Việt Nam đã được xác lập với các con số hoành tráng như: bánh có đường kính gần 2 mét, nặng 35kg, với 6kg bột và hơn 8kg nhân các loại, đủ dùng cho khoảng 100 người. Như chưa thỏa mãn với kỷ lục này, ban tổ chức còn xác lập kỷ lục thứ hai là nhiều người đổ bánh xèo cùng lúc nhất (40 người), cả 40 nhân viên mặc đồng phục cùng đổ bánh xèo theo hiệu lệnh của bếp trưởng. Kỷ lục nghe hoành tráng là thế nhưng ai cũng hiểu rằng khách đến tham quan, mua bán tại Hội chợ hoa xuân Bình Điền là vì hoa chứ không vì hai kỷ lục lạ lùng này.

Lượng cần đi với chất

Dễ nhận thấy các kỷ lục ở nước ta thường xuất hiện ở các trường hợp: tại các lễ hội hoặc ở các công ty, doanh nghiệp. Những năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành thi nhau tổ chức các loại lễ hội với lý do để quảng bá hình ảnh của địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch. Trong khuôn khổ các lễ hội này thường xuất hiện trào lưu lập kỷ lục này kỷ lục nọ. Tuy vậy, đa phần các kỷ lục đều mang tính hình thức, không thực chất, thậm chí phản cảm, tạo phản ứng tiêu cực trong dư luận.

Tâm lý háo danh và bệnh thành tích được cho là lý do của những sáng kiến kỷ lục này. Đặc biệt hơn, những kỷ lục lạ kiểu này đang dần làm biến tướng các lễ hội. Khi lý giải về nguồn tài chính để phục vụ cho các hoạt động phù phiếm này, những người tổ chức thường cho rằng, đây là tiền xã hội hóa, không hề ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Thế ra, nếu là tiền xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thì có thể lãng phí? Lễ hội không cần kỷ lục đang là thông điệp cần được gióng lên, trước tình trạng nhiễu loạn kỷ lục tại các lễ hội như hiện nay.

Do nắm bắt tâm lý của khách hàng thường quan tâm chú ý đến những sản phẩm số một, nên các doanh nghiệp thường lập kỷ lục nào đó cho sản phẩm của mình. Cách PR này được tạo từ những kỷ lục vô thưởng vô phạt nhưng dùng lâu dần lại dẫn đến phản cảm, quá lố. Trong khi các nước ở khu vực đang hướng đến những sản phẩm mang thương hiệu toàn cầu để đem về lợi nhuận hàng tỷ đô la cho nền kinh tế của họ, thì người Việt vẫn cứ quẩn quanh với vài ba cái kỷ lục trong nước. Thật là ngán ngẩm thay.

(Theo Xuân Tiến/Công an TP.HCM)