- Nhiều sà lan chở hàng hóa quá tải trên sông Hậu và sông Cần Thơ đã bị CSGT Đường thủy xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, đã xảy ra nhiều cái chết đau lòng từ sà lan, tàu chở hàng quá tải trên sông...

4 vụ tai nạn làm 3 người chết

Với một hệ thống kênh rạch chằng chịt, số lượng ghe, tàu và sà lan vận tải là phương tiện hoạt động chủ yếu của người dân TP.Cần Thơ nói riêng cũng như các tỉnh ĐBSCL nói chung.

Chính vì thế, đã có nhiều vụ tai nạn đường thủy khiến nhiều người tử vong thương tâm.

{keywords}

Rất nhiều sà lan, phương tiện chở hàng quá tải trên sông chưa được xử lý nghiêm minh.

 

Điển hình, vào khoảng 12 giờ ngày 16/3, ghe sắt số hiệu: ST-05469 (99 tấn) do anh Trần Văn Thơm (SN 1976, trú tại P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng) điều khiển chở cát đi từ hướng Q.Thốt Nốt về Q.Bình Thủy bên bờ trái tỉnh Vĩnh Long.

Lúc đến đoạn sông Hậu, KV.Thới Thuận, anh Thơm cho ghe chuyển hướng từ bờ Vĩnh Long qua Cần Thơ.

Khi anh Thơm điều khiển ghe đi qua 1/3 sông thì gặp sóng to, mũi ghe bị nước tràn vào ngập hết phần cát. Chạy đến gần giữa sông thì nước càng ngày vào ngập hết cả ghe.

Lúc này, anh Thơm tắt máy thì ghe xoay ngược lại và chìm dần trên sông. Cùng đi trên ghe sắt này còn có anh Trần Hoàng Nhân (SN 1983, em ruột anh Thơm).

Đến khi chiếc ghe bị chìm hẳn, anh Nhân được mọi người kịp thời cứu vớt, riêng anh Thơm bị mất tích dưới sông Hậu. Mãi đến 2 ngày sau, thi thể anh Thơm mới nổi lên trên sông Hậu.

Vụ tiếp theo xảy ra vào khoảng 5 giờ ngày 14/4, trên sông Hậu, thuộc KV.Thường Thọ 1, P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt khi chiếc sà lan BL1719 (560 tấn, 290CV) lưu thông từ Q.Thốt Nốt về Cần Thơ tự chìm.

Tài liệu cơ quan điều tra cho thấy, sà lan chở 430 khối cát và 3 người, bao gồm: Võ Văn Vẹn (SN 1976, thuyền trưởng quê Trà Vinh); Võ Văn Thước (SN 1951, thuyền viên quê Vĩnh Long) và Huỳnh Anh Tuấn (SN 1966, thuyền viên quê Vĩnh Long); riêng anh Tuấn tử vong và 8 ngày sau mới vớt được thi thể.

Cũng trong tháng 3, vụ va chạm giữa phương tiện chở dầu CT0250 (224T-290CV) chở 270.000 lít dầu, do thuyền trưởng Dương Văn Tên (SN 1976, quê An Giang) đang kè chiếc tàu CT05149, do Phạm Văn Thật (SN 1984) điều khiển từ Cần Thơ về Q.Bình Thủy và chạm với ghe chở 1.100 bao xi măng Tây Đô, do Nguyễn Thị Giàu (SN 1975 điều khiển).

Hậu quả, toàn bộ chiếc ghe tải chở xi măng bị chìm xuống sông, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Riêng tàu chở dầu không thiệt hại về người cũng như tài sản.

{keywords}

 Một vụ tai nạn sà lan 500 tấn lật chìm trên sông Hậu.

Ngày 1/5, xảy ra vụ tai nạn chết người tiếp giữa ghe tải CT1408 (24T-30CV) do Lưu Thanh Hải điều khiển không chở hàng hóa đi từ hướng Q.Ô Môn ra sông Hậu va chạm với chiếc vỏ lãi đang chạy qua sông.

Cú va chạm mạnh khiến 2 người ngồi trên chiếc vỏ lãi là anh Khúc Văn Thanh Cường (SN 1992) và Võ Văn Chiêu (SN 1960, tử vong), cùng trú tại P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ.

Những vụ tai nạn giao thông đường thủy kể trên cho thấy, tình hình an toàn giao thông ở các dòng sông Hậu và sông Cần Thơ đang diễn biến phức tạp.

Hiện những vụ tai nạn nêu trên đang được công an các quận, huyện xảy ra trên địa bàn TP.Cần Thơ tiếp tục điều tra, xử lý.

Hàng ngàn phương tiện chở hàng quá tải

Trung tá Nguyễn Văn Ngôn – Phó phòng CSGT Đường thủy - Công an TP Cần Thơ cho biết, tình trạng sà lan chở hàng quá tải trên sông diễn ra rất phổ biến.

Quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng này đã phát hiện nhiều sà lan chở hàng vượt mức dấu nước an toàn từ 20 đến 30cm.

{keywords}

Trung tá Nguyễn Văn Ngôn – Phó Phòng Cảnh sát đường thủy (CA TP.Cần Thơ).

Số liệu 10 tháng đầu năm cho thấy, PC68 kiểm tra 22.686 phương tiện, trong đó phát hiện và xử phạt hành chính 4.326 trường hợp; nhắc nhở viết giấy cam kết là hơn 2.300 trường hợp.

Trong hàng ngàn phương tiện bị lập biên bản xử phạt, phổ biển nhất là lỗi vi phạm chở hàng hóa “quá vạch dấu mớn nước an toàn”, là 4.149 phương tiện.

Bên cạnh đó, có một số lỗi khác như: để mờ vạch sơn dấu mớm nước an toàn; xếp dỡ hàng che khuất tầm nhìn, nghiêng lệch 81 trường hợp; người điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng…

Ngoài ra, CSGT các tỉnh khác lập biên bản xử lí vi phạm hành chính các phương tiện đăng ký ở Cần Thơ là hơn 15.000 trường hợp.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Ngôn, cái khó hiện nay trong việc xử lý sà lan quá tải là bến bãi hạ tải chưa có. Bãi hạ tải đòi hỏi phải rộng, bến cảng để tàu bè cập bến và hiện nay vẫn đang trong quá trình khảo sát.

Quốc Huy