Văn Chấn - huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Yên Bái với 1.130km2 nhưng có đến 13/24 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn và 18 dân tộc thiểu số cùng sinh sống.
Những năm qua nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh, trong đó có hơn 500 tỷ đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư giúp đồng bào các dân tộc phát triển nhanh đàn gia súc gia cầm, trồng mới và cải tạo chăm sóc nhiều vườn cây ăn quả, rừng cây nguyên liệu công nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu chè shan tuyết cổ thụ kết hợp dịch vụ du lịch... Đặc biệt đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 22,74% cuối năm 2021.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái đang phối hợp với các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong tỉnh thực hiện ủy thác, hỗ trợ vốn vay đến với người dân nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho người vay. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận dịch vụ tài chính tín dụng. Góp phần tăng cường đoàn kết giữa các hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Xã vùng cao Suối Giàng (Văn Chấn - Yên Bái) từ lâu nổi tiếng với những vườn chè shan tuyết cổ thụ, trước đây chè chỉ là thu nhập phụ của bà con người Mông nơi đây. Những năm gần đây nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong chính sách giảm nghèo, bằng các hình thức cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật... cùng nỗ lực của bà con chè Suối Giàng đã trở thành thương hiệu có tiếng ở cả trong và ngoài nước, đời sống người dân ngày một nâng cao. Năm 2021 diện tích chè toàn xã trên 500ha, trà thương phẩm trên 400ha, sản lượng trung bình mỗi năm 600 tấn đạt doanh thu 10 đến 12 tỷ đồng chè búp tươi trên toàn xã.
Với đặc điểm khí hậu mát mẻ quanh năm, Suối Giàng đã, đang là điểm thu hút lượng lớn du khách hàng năm và cũng đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Trong ảnh là đoàn du khách đến từ Vũng Tàu chụp ảnh lưu niêm bên cây chè tổ.
Gắn bó với cây chè từ nhg năm 2008 với vai trò chủ nhiệm HTX Suối Giàng nay là giám đốc HTX Suối Giàng, bà Lâm Thị Kim Thoa cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã đưa được thương hiệu chè Suối Giàng vào top 10 sản phẩm quà tặng, quà biếu ở Việt Nam, không những thế trà Suối Giàng đã được chứng nhận là sản phẩm ocop 4 sao. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ tiêu chí đánh giá được ban hành theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vợ chồng anh Hoàng Tuân hiện sở hữu vườn chè cổ thụ có diện tích 3000 mét vuông đang thưởng trà trong ngôi nhà khang trang ở trung tâm xã. Anh Tuân cho biết vợ chồng anh làm chè từ năm 2008, vào thời đó giá chè rẻ do chưa có thương hiệu, kỹ thuật hái chè không đạt tiêu chuẩn, chưa biết chế biến nhiều loại chè như hiện nay nên đời sống rất khó khăn. Hiện nay được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Phòng Nông nghiệp huyện, từ HTX Suối Giàng nên kỹ thuật hái búp chè nâng lên nhiều, thu nhập cũng từ đó tăng. Hiện nay, cũng như những người dân nơi đây, dù ảnh hưởng dịch covid vợ chồng anh vẫn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Đô, ở thôn An Thái, xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái trước đây có nghề trồng chè với thu nhập rất thấp thuộc diện hộ nghèo. Sau khi chuyển sang trồng cam cho thu nhập cao, kinh tế gia đình anh đã thoát nghèo nhưng năm 2018 cam trong vùng bị dịch chết hết nên gia đình anh cùng các gia đình trước đây trồng cam đã nhanh chóng tận dụng đất đồi trồng cỏ voi phát triển rất tốt để chuyển sang nuôi bò. Tổng đàn bò của gia đình anh Đô là 15 con bò, bê cho thu nhập bình quân mỗi năm 120 triệu đến 130 triệu đồng mỗi năm.
Trong quá trình phát triển chăn nuôi các gia đình đều được cán bộ thú y huyện Văn Chấn hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng, chữa bệnh. Ngoài ra, theo nghị định 69 mỗi hộ chăn nuôi được hỗ trợ 30 triệu đồng dùng mua con giống, nâng cấp chuồng trại.
Anh Nguyễn Văn Đô bên ngôi nhà khang trang của mình tại thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Nguyễn Đăng Hiệt, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Minh An cho biết: Minh An là xã đặc biệt khó khăn, dân tộc Dao chiếm 67%, dân tộc Kinh 25%, còn lại là các dân tộc khác. 5 năm nay Minh An phát triển rõ rệt nhờ chính sách phát triển vùng và xây dựng Nông thôn mới. Trước năm 2011 có trên 60% hộ nghèo, 2011 – 2020 thực hiện đề án xây dựng Nông thôn mới. 2016-2020 là 1 trong các xã được Nhà nước đầu tư quyết tâm xây dựng về đích NTM vào năm 2021. Năm 2021 xã đã đạt chuẩn NTM 19/19 tiêu chí. Những năm 2012 – 2018 xã Minh An chủ yếu phát triển cây cam. Năm 2017, 2018 đất thoái hóa, cam bị sâu bệnh nên chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi bò, trồng bí xanh. Bí xanh, cỏ voi nuôi bò được trồng trên những diện tích đất trồng cam và đến nay đời sống bà con vẫn ổn định.
Đã 17 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Nghị (thôn Văn Hưng, xã Cát Thinh, Văn Chấn, Yên Bái) chuyển từ nghề trồng chè sang nuôi ba ba gai. Ba ba gai là giống ba ba sống ở suối Phà chảy qua địa phận thôn Văn Hưng được người dân nuôi thử có hiệu quả nên nhiều hộ gia đình ở Cát Thịnh đã chuyển sang nuôi từ hàng chục năm nay. Không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ nuôi ba ba đã trở nên giàu có, xây nhà biệt thự, sắm ô tô và những tiện nghi hiện đại khác.
Hiện nay gia đình anh Nghị sở hữu khoảng 300 mét vuông ao, bể nuôi ba ba giống với hơn 1000 con tính cả con bố mẹ và con giống. Với giá 200 ngàn đồng/con giống 10 ngày tuổi, thu nhập mỗi năm của gia đình hơn 1 tỷ đồng. Anh cho biết trước đây ba ba chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng mấy năm nay thường bán cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Khởi nghiệp nuôi ba ba gai năm 33 tuổi, hiện nay ở tuổi 52, anh Nghị sở hữu trang trại nuôi ba ba 3000 mét vuông, ngôi nhà xây kiểu biệt thự và chiếc ô tô nhãn hiệu Nhật Bản.
Ông Sa Văn Tá, Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cũng là người sở hữu trang trại nuôi ba ba cho biết: Chính quyền địa phương rất quan tâm khuyến khích hỗ trợ bằng tiền, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho người dân nuôi ba ba ở Cát Thịnh. Trước đây, ba ba gai được người dân bắt ở suối mang về nuôi thử phát triển chăn nuôi ở 10 thôn vùng thấp và phát triển tốt nên đã nhân rộng ra nhiều thôn trong xã. Hiện nay tổng diện tích nuôi ba ba là 12 ha. Chính quyền xã đã làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội cho mỗi người dân nuôi ba ba vay 50 triệu đồng, thời gian vay 5 năm. Kết hợp với phòng Nông nghiệp thành lập HTX nuôi ba ba xã Cát Thịnh.
Hiện nay, diện tích trồng cam ở xã Bình Thuận (Văn Chấn, Yên Bái) lên tới vài trăm ha, nơi mà trước đây là những vườn chè. Sau khi chuyển đổi từ cây chè sang trồng cam, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, hầu hết đã thoát nghèo, trong đó nhiều hộ làm giàu nhờ cây cam.
Anh Đỗ Quang Trọng, giám đốc HTX Trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (bên phải) cùng anh Vũ Hùng Lương, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra vườn cam đang phát triển rất tốt của HTX Trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.
Hiện nay, HTX Trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận sở hữu 69 ha trồng cam, trong đó 90% là giống cam Canh. Năm 2021, mỗi ha cam cho lợi nhuận 450 triệu đồng.
Xã Đại Lịch là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, xã có tổng diện tích đất là 4342,86 ha, trong đó 217 ha lúa nước còn lại là đất đồi rừng, 370 ha chè, tỉ lệ hộ nghèo từ 2016 trở về trước là 20% trở lên. Sau khi có chủ trương thực hiện cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, năm 2016 đạt tiêu chuẩn xã Nôngthôn mới, hiện đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, phấn đấu 2025 đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện tại, toàn xã Đại Lịch còn 5,9 % hộ nghèo, nhiều hộ thoát nghèo và nhiều hộ giàu nhờ trồng rừng.
Ông Bùi Hữu Lợi (giữa), Chủ tịch UBND xã Đại Lịch (Văn Chấn, Yên Bái) thường xuyên cùng người dân đi kiểm tra thực tế các khu rừng trồng cây gỗ lớn của người dân Đại Lịch. Ông Lợi cho biết: trước đây người dân chủ yếu khai thác rừng tự nhiên, sau khi có chủ trương của các cấp chính quyền, người dân vừa khai thác vừa trồng cây gỗ lớn áp dụng kỹ thuật mới. Cây gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, chu kỳ 7 năm khai thác với giá trị trên 1triệu đồng/mét khối. Ban đầu một số hộ còn e ngại vì chu kỳ dài nhưng đến nay trên địa bàn xã đã có trên 200 ha trồng cây gỗ lớn, 40 hộ đang thực hiện nuôi trồng. Các hộ dân trồng cây gỗ lớn được hỗ trợ 2triệu đồng/1ha rừng bằng cây giống. Hội Nông dân hỗ trợ bán phân trả góp và nhiều hình thức hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên viên Phòng NN và PTNN huyện.
Ông Tạ Quang Đoàn, thôn Khe Đồng, xã Đại Lịch là một trong những người đầu tiên chuyển đổi từ trồng cây ngắn hạn sang trồng cây gỗ lớn dài hạn, ông cũng là người chuyển đổi toàn bộ 5,6 ha đất của gia đình sang trồng cây gỗ lớn. Ông cho biết trồng rừng cây gỗ lớn chu kỳ 15 năm nên công chăm sóc giảm so với chu kỳ 7 năm của cây ngắn ngày trước đây nhưng sản lượng gỗ nhiều hơn, giá gỗ cao hơn. Theo tính toán của ông 15 năm khai thác lượng gỗ lớn hơn so với 2 chu kỳ 7 năm một, cụ thể cây chu kỳ 7 năm thu lãi mỗi ha khoảng 70 triệu đồng, cây gỗ lớn lãi mỗi ha từ 180 triệu đến 200 triệu đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, trồng rừng còn mang lại hiệu ứng tích cực trong việc bảo vệ môi trường.