Uống nhầm thuốc không phải là chuyện hiếm gặp, nhất là với trẻ em hay tò mò và hiếu động. Việc uống nhầm thuốc an thần của ông bà, thuốc tránh thai của mẹ hoặc các loại biệt dược, thuốc động kinh, thậm chí là thuốc trừ sâu đã từng xảy ra.
Tình trạng ngộ độc còn xảy ra nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc điều trị cho con theo kinh nghiệm của bản thân, hoặc nghe theo lời mách bảo của người xung quanh, tự dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Việc tự ý tăng, giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều là những nguy cơ khiến trẻ ngộ độc.
Các bác sĩ khuyến cao ngay khi phát hiện, nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, người lớn cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc, gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
Khi đi, cha mẹ cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc để giúp bác sĩ nhận định nguyên nhân, có phương án giải độc phù hợp.
Để giúp trẻ tránh nguy cơ ngộ độc thuốc, hóa chất độc hại, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất nên cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Nếu cẩn thận hơn, có thể để trong hộp có khóa để trẻ không mở lấy ra được.
Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn hay các loại chai lọ hóa chất khác.
Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ cho mỗi lần khám.
Thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.
Định kỳ, khi làm vệ sinh tủ thuốc, phụ huynh cần vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.
Các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn theo dõi khi vui chơi. Trẻ em ở độ tuổi lớn hơn cần được dạy về cách nhận diện các mối nguy hại.