Hà Giang – vùng đất địa đầu Cực bắc của Tổ quốc, không chỉ gây ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội và mở ra những cơ hội phát triển mới.
Về chính quyền số, Hà Giang đã xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin hiện đại, như hệ thống điều hành thông minh và hệ thống báo cáo điện tử.
Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND huyện, xã đã kết nối Internet, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và ứng dụng chữ ký số trong xử lý văn bản điện tử.
Hoàn thành công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu 100% thuê bao trên địa bàn tỉnh thông qua đối soát với CSDL quốc gia về dân cư. 100% cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh đã được triển khai các hệ thống thông tin dùng chung để xử lý, trao đổi hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng.
98,5% các văn bản điện tử được ứng dụng chữ ký số và gửi/nhận giữa các cơ quan, đơn vị trên phần mềm quản lý vă bản và điều hành công việc (trừ các văn bản mật theo quy định).
Đặc biệt, Hà Giang là tỉnh đầu tiên công bố Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 3.0, hướng đến xây dựng chính quyền số minh bạch, hiệu quả.
Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh mở lớp tập huấn nâng cao cho các đảng viên sử dụng phần mềm Quản lý sổ tay đảng viên điện tử. |
Cùng với chính quyền số, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở các cơ quan nhà nước mà còn lan tỏa đến lĩnh vực kinh tế. Hơn 168 doanh nghiệp và hợp tác xã tại Hà Giang đã áp dụng mô hình kinh doanh số.
Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, như sản phẩm OCOP, được đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị và mở rộng thị trường. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đạt gần 2,9 tỷ đồng.
Cán bộ kỹ thuật VNPT Hà Giang vận hành hệ thống máy chủ lưu trữ phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPTioffice của tỉnh |
Thành công của Hà Giang trong chuyển đổi số đến từ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch cụ thể và tổ chức hội nghị chuyên đề đã tạo nền tảng pháp lý và định hướng rõ ràng cho quá trình thực hiện. Trong quá trình chuyển đổi số, Hà Giang luôn nhấn mạnh vai trò của con người.
Các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân được tổ chức thường xuyên, đảm bảo mọi người đều có khả năng thích nghi với sự thay đổi.
Cùng với đó, Hà Giang đã tích cực hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và trường đại học để xây dựng hạ tầng công nghệ. Ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn nâng cao về công tác chuyển đổi số.
Mặc dù năm 2024, Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn đối mặt với những thách thức như hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, nguồn lực tài chính hạn chế, và kỹ năng số của một bộ phận người dân còn yếu.
Chính vì vậy để vượt qua những khó khắn trên, tỉnh cần đảm bảo phủ sóng di động và mạng băng rộng đến 100% thôn, bản. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để hỗ trợ chuyển đổi số. Tiếp tục tổ chức các chương trình truyền thông và đào tạo kỹ năng số.
Cán bộ Thư viện tỉnh trưng bày sách điện tử trên máy tính phục vụ bạn đọc online |
Có thể nói, chuyển đổi số tại Hà Giang là minh chứng cho sự nỗ lực và sáng tạo của một tỉnh miền núi còn nhiều gian khó, nhưng đã thành công trong việc bắt kịp xu thế thời đại.
Những thành tựu đạt được không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho người dân mà còn góp phần khẳng định vị thế của Hà Giang trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt qua những khó khăn để gặt hái thêm nhiều thành công trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà.
Theo Lê Lâm (Báo Hà Giang)