Attack on Titan
Attack on Titan là bộ manga của họa sĩ Isayama Hajime và được 2 hãng Wit Studio cùng Production I.G sản xuất thành anime. Nội dung nói về cuộc chiến gìn giữ nền văn minh của loài người trước mối đe dọa là những con Titan khổng lồ thích ăn thịt người.
Có lẽ cũng đúng một phần khi có người cho rằng nhờ anime mà bộ manga này mới trở nên nổi tiếng hơn. Nhà sản xuất đã khéo léo chọn những góc quay đẹp mắt và phù hợp nhất trong những cảnh chiến đấu của nhân vật với Titan. Các cảnh quay khi quân trinh sát sử dụng thiết bị cơ động 3-D được quay một cách khéo léo và linh hoạt giúp người xem như hòa vào trận chiến nghẹt thở với những Titan khổng lồ. Có lẽ người xem sẽ không bao giờ quên được những cảnh chiến đấu đẹp mắt giữa chỉ huy Levi và Titan nữ Annie trong phiên bản anime, điều mà manga không thể diễn tả hết được.
Ngoài ra, thiết kế nhân vật phiên bản anime cũng được đánh giá là đẹp hơn cả manga. Những bản OST và nhạc nền thì phù hợp với từng tình huống. Hoành tráng khi chiến đấu và đảm đạm trong những cảnh mất mát, giằng xé nội tâm của nhân vật. Những lí do trên khiến phiên bản anime được các fan yêu thích và chờ đợi season 2 hơn cả manga của nó.
Parasyte
Parasyte là manga của họa sĩ Iwaaki Hitoshi và được studio Madhouse chuyển thể thành anime từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2015. Nội dung phim nói về một loại kí sinh thú ngoài hành tinh xuất hiện ở trái đất, chúng xâm nhập vào não con người, giết họ và kiểm soát. Nhân vật chính Shinnichi cũng bị một kí sinh thú xâm nhập nhưng may là nó chỉ chiếm lấy bàn tay phải. Từ đó cậu phải học cách sống chung với nó cũng như cùng nhau chiến đấu với các con kí sinh thú khác.
Phiên bản manga của Parasyte ra đời vào năm 1988 – 1995 cho nên việc chuyển thành anime xuất sắc hơn bản gốc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên không vì vậy mà phiên bản anime mất đi cốt truyện tuyệt vời của Parasyte. Những cảnh chiến đấu nghẹt thở được Madhouse làm một cách xuất sắc. Chúng ta sẽ thấy được tốc độ kinh hoàng trong trận chiến giữa các kí sinh thú. Ngoài ra, những cảnh giết chóc cũng được tái hiện một cách “nhẹ” hơn. Phù hợp với nhiều đối tượng khán giả hơn.
Nhân vật chính Shinnichi cũng được “thẩm mĩ” làm đẹp và hiện đại hơn nhiều so với bản gốc. Sẽ không sai khi nói rằng phiên bản anime của Parasyte đã làm rất tốt để đưa một bộ manga kinh điển từ thập niên trước đến với khán giả ngày nay.
Gintama
Gintama là manga của họa sĩ Sorachi Hideaki và được Sunrise sản xuất thành anime. Bộ phim được TV Tokyo phát sóng từ năm 2006 đến 2010. Nội dung lấy bối cảnh của thành Edo thế kỉ 19. Khi các giống người ngoài hành tinh được gọi là Amanto xâm lược. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày của một sammurai hành nghề tự do Sakata Gintoki cùng đàn em. Gintama được gọi là manga thập cẩm khi kết hợp rất nhiều thể loại như hài, hành động, khoa học viễn tưởng và samurai truyền thống. Dù hỗn hợp nhiều thể loại như thế nhưng phiên bản anime được xem là độc đáo khi biết tiết chế những cảnh lầy lội và dài dòng từ manga của nó. Những đoạn hội thoại dài lê thê cũng được cắt bớt đi khiến nội dung phim trở nên mạch lạc hơn.
Ngoài ra, yếu tố lồng tiếng cũng là một nguyên nhân khiến phiên bản anime trở nên đặc biệt hơn. Các diễn viên lồng tiếng đã làm xuất sắc công việc của họ. Giọng nói khi đùa, diễn “sâu” hay nghiêm túc của Gintoki được lồng tiếng không thể phù hơn. Những yếu tố này khiến phiên bản anime của Gintama vượt trội hơn so với bản gốc.
Fullmetal Alchemist
Fullmetal Alchemist là manga của họa sĩ Arakawa Hiromu, nó được hãng Bones chuyển thể thành anime dài 51 tập phát sóng từ năm 2003 đến 2004. Phần 2 có tên Fullmetal Alchemist: Brother Hood dài 64 tập phát sóng từ năm 2009. Nội dung lấy bối cảnh ở vũ trụ hư cấu, nơi mà giả kim thuật là một kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất của loài người. Câu chuyện theo chân 2 anh Edward và Elric trong việc tìm kiếm hòn đá triết gia để khôi phục lại những phần cơ thể bị mất của họ.
Phần đầu của anime được dựa vào nguyên tác trong manga nhưng phần sau của nó thì lại đi theo một khác hoàn toàn. Điều này khiến phiên bản anime của FA có phần độc đáo và thú vị hơn. Cốt truyện được đánh giá là hay hơn so với bản gốc, thực tế hơn và kết thúc của anime rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, không đơn giản là cuộc chiến chống lại những kẻ xấu của Edward, nó khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn.
Ngoài ra, yếu tố chiến đấu là một phần không thể thiếu của những bộ shounen. Những cảnh chiến đấu trong One Piece, Naruto và cả Fullmetal Alchemist luôn đã mắt hơn khi xem phiên bản anime với đầy đủ màu sắc và góc quay đẹp mắt. Yếu tố khác là âm nhạc trong Fullmetal Alchemist cũng được đánh giá cao, nó đóng vai trò quan trọng giúp những cảnh chiến đấu thêm phần hồi hộp và lôi cuốn hơn.
Yaiba